Pháp luật

Vụ "gạt tay trúng má": Phạt nhiều lỗi không có cơ sở

03/10/2016, 07:00
image

Nếu PV Quang Thế thấy quyết định xử phạt hành chính đó không hợp lý thì hoàn toàn có thể khiếu nại.

 

Minh Chiến
Theo clip ghi tại hiện trường, Thượng sĩ Ngô Quang Hưng đã đấm PV Quang Thế chứ không phải "gạt tay trúng má" theo cách nói của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó GĐ Công an TP Hà Nội

Có rất nhiều ý kiến phản ứng về kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội trong vụ việc xô xát giữa cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh và phóng viên (PV) Báo Tuổi trẻ, xảy ra sáng 23/9 trên cầu Nhật Tân.

Theo kết luận của cơ quan công an, hai chiến sĩ thuộc Đội hình sự Công an huyện Đông Anh đã có những hành động như “gạt tay trúng má”, “giơ chân cao nhưng đá không trúng” vào người PV, dùng tay gạt máy quay… Tuy nhiên, hai cán bộ này chỉ bị xử lý kỷ luật ở mức rất nhẹ, còn PV Báo Tuổi trẻ là anh Trần Quang Thế được công an xác định có nhiều hành vi vi phạm hành chính. Công an quận Tây Hồ đã gửi quyết định xử phạt hành chính PV này với số tiền hơn 14 triệu đồng.

Hiện trường không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước

Tuy nhiên, việc cơ quan công an xác định PV vi phạm vào khu vực cấm, nơi tiến hành hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước mà không được phép là không thuyết phục. Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định: Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khu vực nơi xảy ra vụ án trên cầu Nhật Tân không thuộc diện bí mật Nhà nước theo quy định nêu trên. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước nêu rõ: Những khu vực, địa điểm được xác định thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh, ký hiệu mật hoặc cắm biển và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, bảo mật theo quy định của Nghị định này. Nếu hiện trường vụ án nói trên tuân thủ đầy đủ các quy định vừa viện dẫn mà PV Báo Tuổi trẻ vẫn cố tình tiếp cận khu vực khi chưa được sự đồng ý của cơ quan công an thì rõ ràng PV này đã vi phạm. Trường hợp hiện trường vụ án không tuân thủ quy định nêu trên thì PV Báo Tuổi trẻ không vi phạm khu vực cấm.

Xử phạt không có biên bản là trái luật

Đối với các hành vi: Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ; Lợi dụng tư cách nhà báo, PV can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; Đỗ xe mô tô trên cầu; Không chấp hành yêu cầu của người điều khiển giao thông…, nếu PV Báo Tuổi trẻ có các hành vi vi phạm nêu trên, cơ quan công an phải thực hiện việc xử lý hành vi vi phạm đó theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm của PV (nếu có) phải được lập biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; Họ, tên, chức vụ người lập biên bản; Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; Hành vi vi phạm; Biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; Tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất hai bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; Trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; Trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản.

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản; Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Như vậy, nếu cơ quan công an không thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên để xử lý thì việc xử lý đó không hợp pháp.

Về biên bản đối thoại trong buổi làm việc giữa Báo Tuổi trẻ và Công an TP Hà Nội mới được công bố, biên bản này không phải là mẫu biên bản vi phạm hành chính và cũng không phải mẫu biên bản về phiên giải trình trực tiếp theo quy định tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu cơ quan công an căn cứ từ biên bản đối thoại này để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chưa tuân thủ đúng thủ tục theo quy định.

Trao đổi với Báo Giao thông về bản kết luận của Công an TP Hà Nội, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái, TP Hà Nội) cho rằng, bản thân ông thấy bản kết luận của cơ quan công an còn nhiều điểm chưa thỏa đáng. Theo luật sư Thái, nếu PV Quang Thế thấy quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Tây Hồ không hợp lý, không đồng tình với quyết định đó thì hoàn toàn có thể khiếu nại.

Trước mắt là khiếu nại đến chính cơ quan ra quyết định xử phạt, sau đó, nếu cơ quan này không hồi âm hoặc có hướng xử lý không phù hợp, PV có thể tiếp tục khiếu nại vượt cấp lên Công an TP Hà Nội, thậm chí là Bộ Công an.

Ông Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): Cấp dưới xử lý chưa tốt, cấp trên cần vào cuộc

Để đảm bảo khách quan, khi cấp dưới xử lý mà để lại nhiều ý kiến phản ứng trong dư luận, cấp trên nên vào cuộc điều tra lại một cách khách quan để đưa ra được kết luận chính xác, công bằng, công bố trước dư luận một cách rõ ràng, tránh những lùm xùm không đáng có.

Trước đây, trong quá trình soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của các nhà báo và của hội nghề nghiệp cần rõ ràng hơn, trong khi đó cơ quan soạn thảo chỉ quy định những điểm rất chung chung. Mỗi tình huống như thế này sẽ là một bài học để sau này sửa đổi luật sẽ xây dựng được hành lang pháp lý tốt hơn cho PV tác nghiệp, bảo vệ được PV trong quá trình tác nghiệp.

Dù nhìn nhận ở góc độ nào, trong trường hợp này, rõ ràng công an là những người thực thi công vụ thì không nên có những hành động gây phản ứng trái chiều trong dư luận như thế. Vì vậy, khi sự việc đang có tác động lớn đến dư luận thì cơ quan chức năng cần phải có cách giải thích rõ ràng, công khai.

Bà Bùi Thị An (nguyên ĐBQH đoàn Hà Nội): Hội Nhà báo không thể không lên tiếng

Trong vụ việc cụ thể này, trước hết, Hội Nhà báo cần có tiếng nói mạnh mẽ và hành động cụ thể để bảo vệ các PV tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ xô xát trên cầu Nhật Tân giữa Công an huyện Đông Anh và PV báo Tuổi trẻ đang tạo nên rất nhiều ý kiến và phản ứng trong dư luận. Và một khi có nhiều ý kiến trong dư luận như thế, cần tiếp tục làm rõ thêm. Tôi tin rằng, nếu tới đây Công an TP Hà Nội vẫn tiếp tục giữ nguyên kết luận như vậy thì sẽ còn rất nhiều tiếng nói phản ứng.

Hoài Thu (ghi)

>>> Xem thêm video CA HN thông tin chính thức vụ CSHS xô xát với PV:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.