Hỏi - Đáp

Vụ hàng trăm sinh viên bị lừa khoảng 4 tỷ đồng: Xử lý khoản nợ ra sao?

06/06/2022, 17:30

Theo luật sư, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận...

Đến nay, đối tượng Trương Quang Anh Đức lừa đảo hàng trăm sinh viên mua hàng trả góp đã ra tự thú. Các nạn nhân cũng đã bắt đầu liên hệ công an để trình báo.

Vấn đề dư luận quan tâm là hiện nay, số nợ mà các sinh viên đã bị lừa vay tổng cộng khoảng 4 tỷ đồng, sẽ được giải quyết như thế nào?

img

Đối tượng Đức tại cơ quan công an.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Trần Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết: "Đối tượng Trương Quang Anh Đức đã tìm đến các sinh viên ở Cần Thơ, rồi tự giới thiệu mình là người chạy doanh số cho các trung tâm điện tử, điện máy nhằm tạo lòng tin".

Khi đã đạt được sự tin tưởng nhất định, Đức tiếp tục nhờ các sinh viên đứng tên mua hàng trả góp bao gồm: điện thoại di động, laptop với thủ tục đơn giản và mức tiền công được trả là 400.000 đồng.

Ngoài ra, để trấn an, Đức còn hứa rằng hồ sơ trả góp được duyệt, sau 2 ngày sẽ hủy trên hệ thống, sinh viên chỉ đứng ra ký tên vay hộ mua hàng trả góp, không cần cọc hay trả bất cứ chi phí nào.

Hậu quả là rất nhiều sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ bỗng dưng “ôm" khoản nợ từ 10 - 60 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy rằng việc giao kết giữa Đức và các sinh viên ngay từ đầu đã có dấu hiệu lừa dối.

Căn cứ quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.

Do đó, nếu như xuất hiện yếu tố không tự nguyện nói chung và hành vi lừa dối trong xác lập giao dịch dân sự nói riêng, giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu.

Cụ thể hóa vấn đề này, Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.

Nghĩa là các sinh viên sẽ phải trả lại số tiền 400.000 đồng đã nhận. Còn riêng Đức sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các đơn vị mà Đức đứng ra mua hàng.

Cũng theo luật sư Thăng, cần phải xem lại các thủ tục liên quan của các tổ chức tín dụng trong việc duyệt hồ sơ, xác minh khả năng thu nhập và năng lực chi trả của những người cho vay xem có đúng, đủ quy định pháp luật hay chưa? Để từ đó có thể xác định trách nhiệm hình sự, dân sự những cá nhân liên quan trong vụ việc này cùng với Đức.

Thêm nữa, cũng cần phải xác định những tài sản mà Đức đã mua trả góp hiện tại đang ở đâu để có thể thu hồi và xử lý, nếu có chăng những cá nhân, tổ chức nào đã phối hợp tiêu thụ những sản phẩm này cũng cần xác định rõ để làm cơ sở cho việc tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Hiện nay, Đức đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Theo diễn biến sự việc, có thể thấy hành vi của Đức đã có cơ sở để cấu thành “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, điều luật này nêu rõ, người nào dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình về với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc cao hơn nữa là tù chung thân.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như Báo Giao thông đã thông tin, vừa qua, hàng trăm sinh viên ở Cần Thơ đã trở thành con nợ vì sập bẫy mua hàng trả góp; nhiều em đã phải bỏ học để đi làm thêm lấy tiền trả nợ.

Theo hồ sơ vụ việc, đối tượng tên Trương Quang Anh Đức, đã tìm đến các sinh viên ở Cần Thơ, rồi tự giới thiệu mình là người chạy doanh số cho cửa hàng Thế giới di động và FPT.

Đối tượng Đức nhờ nhiều sinh viên ở các trường đứng tên mua điện thoại di động, laptop trả góp. Mỗi hồ sơ, sinh viên được trả công 400.000 đồng. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần cung cấp chứng minh thư, ký tên mua hàng, thậm chí không cần ký.

Qua trao đổi có tới hàng trăm sinh viên đã bị đối tượng tên Đức lừa ký hồ sơ. Người ít thì 10 triệu, nhiều lên đến hơn 60 triệu đồng. Tất cả đều không có khả năng chi trả. Nhiều tháng qua, các em liên tục bị điện thoại, nhắn tin đòi nợ, thậm chí đe dọa, khủng bố tinh thần.

Đến nay, Đức đã lừa của hàng trăm sinh viên với số tiền lên tới khoảng 4 tỷ đồng, và đối tượng này đã ra công an đầu thú. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.