Dự báo lượng tàu qua Biển Đỏ tiếp tục sụt giảm
Trong vụ tấn công của nhóm vũ trang Houthi nhằm vào tàu chở hàng rời M/V True Confidence thuộc sở hữu của Liberia ngày 6/3, ít nhất ba thuyền viên, bao gồm một người Việt Nam thiệt mạng và bốn người khác bị thương.
Vụ việc đánh dấu bước leo thang đáng kể trong các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thuyền tại Biển Đỏ. Theo giới chức Mỹ và phương Tây, Houthi đã thực hiện hơn 45 cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái nhắm vào tàu thuyền thương mại, tàu hải quân của Mỹ và đồng minh tại Biển Đỏ.
Hầu hết số tên lửa, máy bay không người lái này đều bị đánh chặn hoặc rơi xuống biển. Do đó, theo hãng tin CNN, cuộc tấn công gây thương vong vào ngày 6/3 khiến giới quan sát bị “sốc”.
Đồng thời, triển vọng khôi phục hành lang vận tải an toàn qua một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới vừa nhen nhóm đã dập tắt.
Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công gây thương vong nghiêm trọng, công ty phân tích rủi ro hàng hải Windward ghi nhận số lượng tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez đã giảm mạnh.
Trong khi đó, theo thống kê của Windward, số tàu chở hàng rời thả neo bên ngoài cảng tại phía Bắc, phía Nam Kênh đào Suez, tạm dừng hoạt động vào ngày 6/3 tăng 225% so với ngày trước đó.
Ông Ami Daniel - Giám đốc điều hành Windward cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy 61% số tàu thả neo, tạm dừng di chuyển sau thời điểm xảy ra cuộc tấn công gây thương vong vào 13h30 (giờ địa phương) ngày 6/3”.
Trong khi đó, dữ liệu của công ty Windward chỉ ra số lượng tàu chở hàng rời di chuyển qua Biển Đỏ tháng trước vốn đã ở mức thấp nhất trong hai năm qua.
Ông Daniel cho rằng cuộc tấn công mới nhất sẽ khiến nhiều tàu chở hàng rời quyết định di chuyển tránh Kênh đào Suez - tuyến đường thủy nơi lượng hàng hóa tương ứng 10-15% hoạt động trao đổi thương mại toàn cầu được vận chuyển qua mỗi năm.
Ông Peter Sand, nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu vận tải Xeneta có trụ sở tại Na Uy cho rằng vụ tấn công ngày 6/3 sẽ khiến các công ty vận tải vẫn thực hiện hành trình qua Biển Đỏ phải cân nhắc lại về quyết định này.
Theo ông Sand, hiện số tàu container, tàu chở hàng rời, tàu chở ô tô, tàu chở dầu, khí tự nhiên hóa lỏng di chuyển qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez chỉ bằng 30% so với công suất vận tải thông thường qua hai tuyến đường thủy quan trọng này.
Hiện, loại phương tiện chủ yếu vẫn còn di chuyển qua Biển Đỏ là tàu chở dầu nhưng số lượng phương tiện này dự kiến sẽ giảm đáng kể sau cuộc tấn công.
Theo hãng tin CNN, cuộc tấn công ngày 6/3 là tín hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng vận tải tại Biển Đỏ sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa. Đồng nghĩa các công ty vận tải lớn như Maersk, MSC và Hapag Lloyd sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình vận tải vòng qua châu Phi - tuyến đường dài hơn và khiến chi phí vận tải hàng hóa đắt đỏ hơn.
Tuần trước, công ty vận tải container CMA CGM của Pháp cho biết sẽ khôi phục một số hoạt động vận tải qua Biển Đỏ xét trên từng trường hợp một. Theo CNN, hiện chưa rõ liệu tập đoàn có thay đổi kế hoạch sau cuộc tấn công mới nhất hay không.
Khó thuê thuỷ thủ đoàn hơn
Sau khi xảy ra cuộc tấn công ngày 6/3, Liên đoàn Công nhân Vận tải quốc tế đã kêu gọi ngành công nghiệp vận tải biển chuyển hướng tàu thuyền di chuyển vòng qua Mũi Hảo vọng cho tới khi hoạt động vận tải an toàn qua Biển Đỏ được khôi phục.
Tổng thư ký tổ chức - ông Stephen Cotton cho biết: “Chúng tôi đã thường xuyên cảnh báo cộng đồng quốc tế và ngành công nghiệp hàng hải về rủi ro mà các thủy thủ phải đối mặt tại Vịnh Aden và Biển Đỏ đang ngày càng leo thang".
Ông Cotton cho rằng sau vụ việc, các công ty vận tải sẽ gặp khó khăn trong việc thuê thủy thủ đoàn điều khiển tàu thuyền qua khu vực, dù mức chi phí cơ bản cho thuyền viên tại Biển Đỏ và Vịnh Aden đã tăng gấp đôi trong thời gian gần đây.
Ông David Ashmore, luật sư tại công ty luật quốc tế Reed Smith cũng có cùng quan điểm: “Trong bối cảnh ngành vận tải biển đang khan hiếm lực lượng lao động, những quan ngại về an toàn khiến việc thuê thủy thủ đoàn tại Biển Đỏ và Vịnh Aden càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết”.
Ông John Stawpert, Giám đốc tại tổ chức International Chamber of Shipping cho rằng vụ việc là minh chứng cho những lo ngại mà các nhà phân tích đưa ra ngay đầu cuộc khủng hoảng rằng thủy thủ đoàn là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Thủy thủ đoàn tại Biển Đỏ đang phải làm việc giữa vùng chiến sự. Chúng tôi đã biết trước việc các cuộc tấn công của Houthi gây hậu quả chết người chỉ là vấn đề thời gian”, ông Stawpert nói.
Trong vụ tàu True Confidence bị trúng tên lửa của nhóm vũ trang Houthi gần thành phố cảng Aden, ngày 6/4, hải quân Ấn Độ đã hỗ trợ giải cứu nhóm thuyền viên trên tàu. Theo hãng tin RT, sau cuộc tấn công, thủy thủ đoàn đã rời tàu, triển khai xuồng cứu sinh.
Tàu chiến INS Kolkata của Ấn Độ đã nhận được tín hiệu cầu cứu và di chuyển về phía Tây Nam Vịnh Aden. Theo thông báo của Hải quân Ấn Độ, 21 thuyền viên trên tàu True Confidence đã được giải cứu bằng trực thăng và xuồng cứu sinh. Các thủy thủ bị thương đã được hỗ trợ ý tế và được chuyển tới quốc gia Djibouti ở gần đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận