Vụ huyện cùng dân đòi đền bù: Chỉ đạo sai, vẫn không nhận lỗi

31/12/2014, 15:33

Sau khi Báo Giao thông đăng bài "Gia Lai: Huyện "tiếp sức" cho dân đòi đền bù vô lý", lãnh đạo UBND huyện Chư Păh khẳng định đây là lỗi của Phòng Tài nguyên và Môi trường ...

Sau khi Báo Giao thông phản ánh, huyện Chư Păh phải cử lực lượng chức năng bảo vệ thi công cầu Ninh Hòa
Sau khi Báo Giao thông phản ánh, huyện Chư Păh phải cử lực lượng chức năng bảo vệ thi công cầu Ninh Hòa

Ngay sau khi bài báo được đăng tải, ngày 26/12, UBND tỉnh đã triệu tập lãnh đạo huyện Chư Păh lên giải trình rõ sự việc, đồng thời yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ. Trong hai ngày 28 và 29/12, UBND huyện Chư Păh đã triển khai lực lượng công an đến cầu Ninh Hòa (thuộc xã Nghĩa Hưng, Chư Păh) để bảo vệ, đảm bảo việc thi công phần lao dầm cầu. 

Ngày 30/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết, việc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp đất tái định cư cho gia đình ông Đoài chỉ xác định trên một tờ giấy không có giá trị về pháp lý, huyện không chỉ đạo về việc này. Tuy nhiên, vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện chính ông Quang lại là người ký Văn bản số 914 ngày 21/5 gửi Ban QLDA đường HCM nêu rõ: “Đây là trường hợp phát sinh theo dự án, nên phải tổ chức bồi thường, tái định cư, di dời hộ gia đình ra khỏi hành lang ATGT đối với cầu Ninh Hòa theo quy định. Thay mặt UBND huyện Chư Păh đề nghị Ban QLDA đường HCM xem xét giải quyết”. 

Trước đó, tại Văn bản số 1667 ngày 6/9, cũng do ông Quang ký, gửi UBND tỉnh Gia Lai có đoạn: “UBND huyện Chư Păh đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép triển khai bồi thường, tái định cư đối với hộ dân Ngô Văn Đoài để không ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông và không ảnh hưởng đến hành lang ATGT cầu Ninh Hòa”.

Trong khi đó, gia đình ông Ngô Văn Đoài cho biết, đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nâng cấp cầu Ninh Hòa ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. “Trước đây, cầu Ninh Hòa dài 15 m thì hành lang ATGT không ảnh hưởng gì tới gia đình. Tuy nhiên, khi cầu nâng cấp lên 26,1 m, hành lang ATGT cầu là 50 m, vậy là tất cả các công trình nhà cửa và công trình khác đều nằm trong phạm vi này. Theo Luật Đất đai, nhà của chúng tôi bị hạn chế tất cả các quyền sử dụng đất. Không được cơi nới, sửa chữa…, nhà tôi trở nên vô giá trị”, ông Đoài nói. 

Về vấn đề này, ông Quang cho rằng huyện cũng đã xác định nhà ông Đoài nằm ngoài mốc GPMB, nhưng nằm trong hành lang ATGT. Gia đình của ông Đoài nhận thức rằng có ảnh hưởng thì phải bồi thường. Vì vậy, việc gia đình ông Đoài liên tục khiếu kiện là quyền của công dân, huyện không có quyền ngăn cản. Đối với việc ông Đoài không được phép cơi nới, xây dựng, ông Quang khẳng định, nếu công trình không ảnh hưởng đến ATGT, huyện vẫn cấp giấy phép xây dựng.

Còn Sở GTVT Gia Lai cho biết, cầu Ninh Hòa trước khi xây dựng có chiều dài 15 m, khi xây dựng mới có chiều dài tính đến đuôi mố là 26,1 m. Qua kiểm tra, phần nhà, đất của ông Đoài nằm ngoài phạm vi GPMB thi công cầu, nhưng nằm trong phạm vi đất hành lang ATGT đường bộ. Theo quy định tại Điểm 9, Điều 28 Nghị định số 11/2010 quy định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Điểm b, c, Khoản 4, Điều 56 Nghị định 43/2014 quy định về chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, xét về ATGT và an toàn công trình, nhà của ông Đoài không ảnh hưởng.

Vĩnh Yên  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.