Pháp đình

Vụ lừa hơn 800 người : Những người làm nông, nội trợ "dính bẫy" thế nào?

09/03/2022, 17:58

Trong phần thủ tục, bị cáo Lê Minh Thu bất ngờ xin thay đổi Kiểm sát viên vì cho rằng vị này không công tâm.

Sáng 9/3, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa, đưa vụ Tổng giám đốc công ty lừa đảo hơn 800 người ở 39 tỉnh thành ra xét xử sơ thẩm. Đây là vụ án có tổng số bị hại nhiều nhất ở miền Tây từ trước đến nay.

Các bị cáo trong vụ án gồm Võ Thanh Long (SN 1983) - Tổng giám đốc Công ty Cao Thắng; Trần Vạn Lợi (SN 1989), Lữ Nhật Trường (SN 1987), Nguyễn Tân Định (SN 1982), Trần Tấn Phát (SN 1992), Phạm Minh Hoàng (SN 1965), Lê Minh Thu (SN 1980), Võ Văn Sang (SN 1992), Lê Thành Nguyên (SN 1990), Đỗ Văn Thọ (SN 1966) - cùng là nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Cao Thắng.

Tất cả cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

img

Các bị cáo tại phiên tòa.

"Chân rết" dàn trải

Mặc dù 7h30 mới đến giờ khai mạc phiên tòa, nhưng từ 7h sáng, các bị hại trong vụ án đã lần lượt tập trung ở khu vực sân tòa để làm thủ tục. Họ chủ yếu là những người tuổi ngoài trung niên, đa phần làm nghề nông và nội trợ. Họ đã tin vào số tiền lãi mà Võ Thành Long cùng các đồng phạm "vẽ" ra, nên đã bỏ tiền vào Công ty Ước Mơ Việt và Công ty Bất động sản Cao Thắng với tổng số tiền gần 160 tỷ đồng.

Không giấu được vẻ mệt mỏi, bà K. (ngụ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, khoảng năm 2016, có một người tên S. tìm đến, mời bà tham gia đầu tư kinh doanh vào Công ty Ước Mơ Việt với lợi nhuận khủng như 1 lời 1, được tặng thêm hoa hồng đến 50%...

Ban đầu, bà K. không tin nhưng sau đó, thấy anh em, họ hàng đều lần lượt tham gia, vì tin tưởng nên bà quyết định đầu tư.

“Lúc đó, người cháu nó tham gia vào Ước Mơ, nói thấy trong đó làm được lắm, mời tôi đi qua Cần Thơ dự hội thảo rồi rủ tôi đầu tư vào đây để kinh doanh. Cháu nó nói: "Con làm trong này, có gì con bảo vệ tài sản cho", lại thấy cha mẹ nó cũng tham gia nên vợ chồng tôi quyết định tham gia”, bà K. kể lại.

img

Các bị hại đến tham dự phiên tòa

Với suy nghĩ kinh doanh mua bán gì thì cũng gọi là kinh doanh nên, bà K. bàn với chồng vay ngân hàng 120 triệu, đồng góp vào. Tuy nhiên, tiền lời đâu không thấy, chỉ thấy cảnh gia đình lâm vào nợ nần.

“Từ năm 2016 đến nay, cứ 3 tháng tôi phải đóng lời với số tiền hơn 3 triệu chứ số tiền vốn ấy gia đình không có khả năng chi trả. Hy vọng sau phiên tòa, các bị cáo sẽ bồi hoàn lại cho gia đình”, bà K. nói.

Lâm Mỹ Phương (một trong các nhân sự chủ chốt của Công ty Cao Thắng), đã bỏ trốn đi nước ngoài. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định truy nã bị can, đồng thời tách vụ án hình sự đối với hành vi phạm tội của Lâm Mỹ Phương.

Các bị hại cho biết, thủ đoạn hoạt động của các bị cáo rất tinh vi, như có “chân rết” dàn trải ở khắp các tỉnh thành, trong đó chủ yếu là ở vùng quê của các tỉnh miền Tây.

“Có cò rất khéo, biết chuyện, xuống nói chuyện với chúng tôi rồi mời xuống tham quan Công ty Cao Thắng. Thời điểm này, khuôn viên còn rất hoang sơ và họ giới thiệu chúng tôi đầu tư vào để xây dựng. Họ hứa sẽ chia lãi cho chúng tôi bao nhiêu phần trăm.

Bốn anh em tôi gom được khoảng 800 triệu, đầu tư hết vào đó. Chưa được bao lâu thì vỡ chuyện”, ông L.V.B (ngụ tỉnh Trà Vinh) chia sẻ.

Khi được hỏi: Ông nghĩ rằng mình có lấy lại được số tiền này không?, ông B. lắc đầu ngao ngán: “Biết rằng không bao giờ lấy được, mục đích hôm nay tôi đến đây chỉ để xem diễn biến phiên tòa mà thôi".

Bị cáo xin đổi Kiểm sát viên

Trong phần thủ tục, sau phần khai báo, bị cáo Lê Minh Thu bất ngờ đề nghị HĐXX thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa vì cho rằng vị này không công tâm.

Trước yêu cầu của bị cáo, HĐXX vào hội ý và đồng thời thông báo, tạm dừng phiên xét xử. 7h30 ngày mai (10/3) sẽ tiếp tục phiên xét xử.

img

Bị cáo Võ Thanh Long tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, năm 2012, Võ Thanh Long Thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hải Trung Kim (trụ sở tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Sau nhiều lần thay tên, công ty tiếp tục hoạt động không hiệu quả nên Long đổi tên công ty thành Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt.

Từ năm 2015, Long triển khai cho công ty chính sách bán sỉ cho đại lý quyển bảo trì thiết bị điện, điện tử - điện lạnh… Tuy nhiên, loại hình này không thu hút khách hàng nên một số đại lý không bán lẻ phiếu bảo trì ra thị trường mà cất giữ để hàng tháng nhận tiền hỗ trợ chi phí bán hàng, dẫn đến công ty thua lỗ, không khả năng chi trả. Nhiều đại lý yêu cầu công ty thanh toán số tiền đầu tư.

Đến năm 2016, Long thành lập Công ty CP Bất động sản Cao Thắng (trụ sở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Tháng 1/2019, Long ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (nay là dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu).

Sau khi nhận chuyển nhượng, Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án, đồng thời không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Cao Thắng.

Cáo trạng quy kết, từ tháng 4/2017 đến 10/2019, Võ Thanh Long cùng 9 bị cáo đã lợi dụng dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để huy động vốn theo phương thức đa cấp thông qua các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua - bán cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng, bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch. Từ đó chiếm đoạt của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với tiền gần 160 tỷ đồng.

Số tiền chiếm đoạt được, Long chỉ sử dụng một phần và việc xây dựng một số hạng mục, công trình nhỏ của dự án khu du lịch, còn lại phần lớn sử dụng vào việc thanh toán nợ của Công ty Ước Mơ Việt, hoạt động Công ty Cao Thắng chi trả lương cho nhân viên… dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Trong vụ án này, cơ quan công tố xác định, Võ Thanh Long là người chủ mưu, chỉ đạo các bị can lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Các bị can còn lại với trò giúp sức. Đây được xem là vụ lừa đảo lớn nhất tỉnh Hậu Giang từ trước đến nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.