Hồ sơ tài liệu

Vụ máy bay rơi: Hãng Lufthansa biết phi công phụ bị trầm cảm

02/04/2015, 09:45

Hãng hàng không Lufthansa cho biết, hãng này đã biết việc phi công phụ Andreas Lubitz bị trầm cảm từ trước đó.

df78cc35-7192-4d3b-a31d-25f849c5e08e-620x372.

Cơ phó Andreas Lubitz.

Hôm qua (1/4), Hãng hàng không Lufthansa cho biết, hãng này đã biết việc phi công phụ Andreas Lubitz bị trầm cảm từ trước khi xảy ra vụ rơi máy bay xuống núi Alps (Pháp) ngày 24/3, khiến 150 người thiệt mạng.

Trước đó, khi xuất hiện thông tin nghi ngờ phi công phụ là người chốt cửa buồng lái nhốt phi công chính bên ngoài, để lao máy bay xuống núi, Hãng Lufthansa cho biết: Trong thời gian đào tạo, Andreas Lubitz đã nghỉ giữa chừng một thời gian dài nhưng từ chối trình bày nguyên nhân vì sao. Trong cuộc họp báo ngay sau ngày xảy ra tai nạn, Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr khẳng định: “Lubitz đủ điều kiện để điều khiển máy bay 100%, không có bất cứ hạn chế hay vướng mắc nào”.

Đến nay, sau cuộc điều tra nội bộ, Lufthansa đưa ra một số email từ năm 2009 trong đó cho biết Lubitz đã báo cáo với giáo viên về tình trạng trầm cảm nặng của mình. Hiện, các nhà điều tra cho rằng Lubitz đã cố tình lao máy bay xuống núi. Tuy nhiên, chưa rõ động cơ dẫn đến hành động này.

Về tình hình cứu hộ, trả lời AFP, giới chức Pháp cho biết, tất cả thi thể các nạn nhân thiệt mạng đã được thu hồi. Tuy nhiên, do máy bay rơi với vận tốc 700 km/h nên không thi thể nạn nhân nào còn nguyên vẹn. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, cho tới cuối tuần này, Pháp sẽ cố gắng nhận dạng toàn bộ thi thể.

Thảm họa này đã khiến vấn đề bảo mật y tế trở thành chủ đề gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, với một số ngành nghề đặc biệt, bác sĩ có trách nhiệm thông báo với người sử dụng lao động khi nhân viên không đủ khả năng làm việc “nhất là trong các trường hợp mắc bệnh tâm thần và nguy cơ tự sát”. Ông Dirk Fischer, chuyên gia về giao thông cho rằng, các phi công phải đến khám bác sĩ do bên sử dụng lao động chỉ định; và các bác sĩ này không bị ràng buộc bởi bảo mật y tế trong quá trình làm việc với các hãng và giới chức ngành Hàng không.

Hiện tại Đức và Pháp, nếu vi phạm nguyên tắc bí mật y khoa sau khi bệnh nhân qua đời và bị người nhà bệnh nhân phản đối, bác sĩ có thể bị phạt tù và phạt tiền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.