Pháp luật

Vụ mua bán trẻ tại chùa Bồ Đề: Đã bắt 2 nữ quản lý

04/08/2014, 12:16

Ngày 3/8, lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội, xác nhận đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi "mua bán trẻ em".

Ngày 3/8, lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội, xác nhận đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi “mua bán trẻ em”.

Hai đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt.
Hai đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt

Theo Tuổi trẻ, Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi) là người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi) quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng triệu tập 3 nghi phạm khác để điều tra.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định việc hai nghi phạm bị bắt đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng.

Được biết, cuối tháng 10/2013, mọi người ở chùa Bồ Đề phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở cổng chùa trong tình trạng dây rốn chưa rụng. Do đó, nhà chùa đã đưa vào để chăm sóc, nuôi dưỡng, đặt tên bé trai này là Cù Nguyên Công. Vào thời điểm đó đã có gia đình người dân trên địa bàn quận Long Biên nhận làm bố mẹ đỡ đầu và thường xuyên chăm sóc.

Đến tháng 11/2013, bé Cù Nguyên Công bị mắc bệnh nặng nên phải nhập viện nhiều ngày để điều trị và được đưa về nhà chùa vào cuối tháng 12/2013.

Tuy nhiên, bé Cù Nguyên Công đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề vào những ngày đầu tiên của tháng 1/2014 mà không ai biết lí do tại sao, kể cả bố mẹ đỡ đầu của bé.

Qua điều tra, cơ quan công an đã xác định vào thời điểm này, bé Cù Nguyên Công đã được Nguyễn Thị Thanh Trang cùng Phạm Thị Nguyệt và một số người, thỏa thuận mang trẻ em cho người khác nuôi để lấy tiền, thực chất là mua bán. Số tiền được xác định là 35 triệu đồng.

Ngay sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Thanh Trang đã khai nhận hành vi “mua bán trẻ em” được nuôi tại chùa Bồ Đề của mình.

Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ có bao nhiêu trẻ em được nuôi tại chùa Bồ Đề đã bị đem cho, bán và có hay không sự liên quan của sư thầy Thích Đàm Lan đến vụ việc này.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vụ việc này chưa có dấu hiệu liên quan đến trụ trì chùa Bồ Đề là Ni sư Thích Đàm Lan. Công an Hà Nội cũng triệu tập Ni sư Thích Đàm Lan để phục vụ công tác điều tra nhưng không có dấu hiệu liên quan nên Ni sư này không bị bắt giữ. Nguyễn Thị Thanh Trang cũng khai tại cơ quan điều tra là nhà chùa và Ni sư Thích Đàm Lan không biết gì.

Tại cơ quan điều tra, Ni sư Thích Đàm Lan cho biết, Trang làm công tác phục vụ, trông trẻ, khai báo thủ tục tạm trú, tạm vắng với Công an phường khi tiếp nhận trẻ. Gần đây, Trang có đưa một cháu nhỏ vào chùa, Ni sư Thích Đàm Lan thấy người lạ nên hỏi thì Trang trả lời là cháu lên chùa chơi. Cháu bé này không thuộc danh sách đối tượng khai báo với các cơ quan chức năng đang sinh sống tại chùa. Nhà chùa không biết việc làm của Trang.

Các trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Ảnh: Gia đình Việt Nam).
Các trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Ảnh: Gia đình Việt Nam).

Như báo chí đã phản ánh, chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) - nơi từng được mệnh danh là "thiên đường" của những "mầm sống bị bỏ rơi" đang chao đảo trước nghi vấn của dư luận: kênh trung gian mua bán trẻ mồ côi.

Có nguồn tin cho biết, mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền "lại quả" (?) Cũng có thông tin rỉ tai, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng (?).

Tuy nhiên, làm việc với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, cả chính quyền phường Bồ Đề và sư trụ trì Thích Đàm Lan đều phủ nhận những thông tin trên. Sư thầy Thích Đàm Lan còn khẳng định, nếu làm sai sẵn sàng đi tù.

Tuy nhiên, phân tích dưới góc độ pháp lý, một số luật sư cho rằng, việc chùa Bồ Đề nhận quá nhiều trẻ em vào chùa nuôi như vậy là không đúng vì trong Luật Nuôi con nôi và Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rất rõ về việc này.

Thứ nhất là thực hiện việc nhận và nuôi trẻ như vậy không đảm bảo đúng mục đích nuôi con nuôi vì nuôi con nuôi là nhằm xác lập lâu dài mối quan hệ cha - mẹ và con; giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Thứ hai là sư Trụ trì Chùa không có tài sản riêng và không đủ điều kiện thực tế để nuôi dưỡng trẻ em. Việc giáo dục, nhất là giáo dục của nhà chùa đối với trẻ có thể ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển về giới tính hoặc tâm lý đối với trẻ nên nuối trẻ trong một môi trường như thế nào cũng cần phải xem xét. Hiện tại với số lượng trẻ em, phụ nữ, người già mà chùa Bồ Đề đang nuôi là quá tải, không đảm bảo về cơ sở, vật chất cho tất các các đối tượng.

Thứ ba là pháp luật chỉ cho phép đăng ký nuôi con nuôi giữa cá nhân với cá nhân; vì vậy trường hợp nhà chùa đứng tên nhận con nuôi như biên bản bàn giao con nuôi giữa Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định và ni sư Thích Đàm Lan mà báo đăng lên là không đúng.

Như vậy, việc sư trụ trì nhà chùa nhận nuôi con nuôi là không đúng theo tinh thần pháp luật cũng như không đảm bảo cho trẻ phát triển bình thường về thể chất cũng như vấn đề tâm sinh lý.

P.Vy (tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.