Pháp đình

Vụ nâng khống vốn điều lệ ở Bệnh viện Hòa Bình: Tòa bác yêu cầu khởi kiện

02/11/2019, 13:41

Phía nguyên đơn đã không chứng minh được việc tự ý bổ sung 11,035 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty là đúng.

img
TAND tỉnh Hải Dương đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi hủy bỏ Biên bản cuộc họp và các nghị quyết được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp ngày 24/12/2018

Sau nhiều ngày nghị án, ngày 1/11, TAND tỉnh Hải Dương đã ra phán quyết liên quan đến tranh chấp giữa một số cổ đông cũ và mới tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (tỉnh Hải Dương).

Cụ thể, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Huân và yêu cầu độc lập của bà Phạm Thị Chiển. Ngoài ra, tòa cũng không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Hải Dương và bà Phạm Hải Ninh về khôi phục thành viên HĐQT đối với ông Dương; khôi phục thành viên Ban kiểm soát đối với bà Ninh; Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của bà Phạm Thị Chiển về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự về công nhận tư cách cổ đông của ông Nguyễn Đức Huân, không công nhận tư cách cổ đông của bà Loan, ông Hùng, ông Hoàn.

Trước đó, ngày 24/10, TAND tỉnh Hải Dương đã tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên. Tại phiên tòa ngày 24/10, phía nguyên đơn không đưa ra được bất cứ cơ sở pháp lý nào chứng minh việc 3 cổ đông sáng lập tự ý nâng khống 11,035 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ của công ty lên 27,735 tỷ đồng là đúng. Luật sư phía bị đơn cho rằng, luật sư phía nguyên đơn đã đánh tráo khái niệm giữa vốn góp của cổ đông và vốn chủ sở hữu. Việc các cổ đông tự định giá tài sản đất của công ty chỉ là thỏa thuận giữa các cổ đông, không dựa trên bất kỳ căn cứ nào.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có trụ sở chính tại phố Phạm Xuân Huân, Khu đô thị mới phía Đông, phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Người đại diện pháp luật hiện nay là bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT. Bệnh viện có tiền thân là Công ty CP Khám, chữa bệnh Đa khoa Hòa Bình, được thành lập ngày 22/11/2002 bởi ba Cổ đông sáng lập (CĐSL) là ông Nguyễn Đức Huân, bà Phạm Thị Chiển và ông Trần Văn Thắng.

Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ do cổ đông góp là 1,85 tỷ đồng và ông Nguyễn Đức Huân làm Chủ tịch HĐQT. Đến ngày 31/12/2008 (theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán- tư vấn định giá ACC-Việt Nam), vốn góp chủ sở hữu từ ba CĐSL là 7,1 tỷ đồng.

Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Công ty CP Khám, chữa bệnh Đa khoa Hòa Bình đã kết nạp các cổ đông khác để cùng góp vốn đầu tư và tính đến tháng 2/2008 đã huy động thêm được 9,6 tỷ đồng vốn góp của 4 cổ đông. Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của tất cả các cổ đông thực tế là 16,7 tỷ đồng (cũ 7,1 tỷ + mới 9,6 tỷ).

Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, khi kết nạp các cổ đông mới và góp thêm 9,6 tỷ đồng như đã nói trên, 3 CĐSL ban đầu đã đăng ký lại cho công ty với số vốn điều lệ là 27,735 tỷ đồng, chênh lệch 11,035 tỷ đồng với số vốn góp thực tế.

Để hợp thức hóa số tiền 11,035 tỷ đồng không góp thực, ngày 2/1/2010, ba CĐSL ban đầu (dưới danh nghĩa là HĐQT) đã tự định giá diện tích 5.350,95m2 đất thuộc quyền sử dụng của công ty với giá trị là 18,135 tỷ đồng và sau khi trừ đi 7,1 tỷ đồng (vốn góp trước đó), họ đã tự coi giá trị chênh lệch 11,035 tỷ đồng là vốn góp bổ sung của 3 CĐSL.

Cách xử lý này không được Chi cục Thuế TP Hải Dương và các Công ty kiểm toán độc lập công nhận. Vì diện tích 5.350,95 m2 đất là tài sản của công ty, không phải là tài sản cá nhân của 3 CĐSL bổ sung. Từ việc làm trái quy định của 3 CĐSL, công ty đã bị Chi cục Thuế TP Hải Dương xử lý truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt tiền thuế lên đến hàng trăm triệu đồng.

img
Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Từ tháng 10/2017 - 9/2018, ông Vũ Văn Khoa (BS của Bệnh viện Việt Đức) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thu Trang đã nhận chuyển nhượng một số cổ phần từ các cổ đông của công ty. Ngày 30/9/2017, tại Đại hội đồng cổ đông, bà Trang được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT, là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Khám, chữa bệnh Đa khoa Hòa Bình.

Liên quan đến số tiền chênh lệch 11,035 tỷ đồng như đã nói ở trên, công ty (do bà Trang là đại diện) đã có ý kiến yêu cầu khắc phục, đề nghị các CĐSL ban đầu góp bổ sung vốn phần còn thiếu để công ty có nguồn tài chính hoạt động. Tuy nhiên, các CĐSL một mặt yêu cầu công ty hợp thức hóa số tiền góp vốn; mặt khác tuyên bố không góp thêm một đồng nào cho công ty.

Tiếp tục thực hiện quyền cổ đông theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2014, ông Khoa đã trực tiếp triệu tập cuộc họp bất thường của ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 24/12/2018. Tại cuộc họp này, căn cứ Nghị quyết của ĐHĐCĐ, Công ty lập và nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm vốn điều lệ của công ty ở mức 16,7 tỷ đồng – mức thực tế mà các cổ đông đã đóng góp.

Sau đó, một số cổ đông đã khởi kiện ra tòa, đề nghị TAND tỉnh Hải Dương hủy bỏ Biên bản cuộc họp và các nghị quyết được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp ngày 24/12/2018 cùng một số yêu cầu khác.

Tuy nhiên, khi Tòa án còn đang trong quá trình thụ lý để xử lý vụ việc thì nhiều tháng qua, một số cổ đông cũ và một số người khác đã nhiều lần gây rối tại bệnh viện; bôi nhọ, xúc phạm các y bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.