Điều tra

Vụ nhà máy thép hơn 1.700 tỷ: Có thể khởi tố nhóm bị can nào?

28/04/2020, 08:39
image

Sẽ có những nhóm bị can nào liên quan đến vụ án nhà máy thép hơn 1.700 tỷ đồng mà Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố?

img
Nhà máy gang thép Vạn Lợi có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng vừa được bán đấu giá 205 tỷ đồng

Tổ chức tín dụng và chủ đầu tư có nhiều dấu hiệu sai phạm

Liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra trong quá trình đầu tư, xây dựng Nhà máy gang thép Vạn Lợi (thuộc Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh) mà Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với người dân, luật sư và đại diện HĐND tỉnh này.

Ông Trần Dũng (61 tuổi, sống gần nhà máy) cho biết: Năm 2007, khi nghe tin nhà máy được xây dựng, dân chúng ai cũng mừng vì sẽ tạo công ăn việc làm cho con em, đồng thời kéo theo các ngành nghề liên quan phát triển. Thế nhưng nào ai ngờ, sau gần 15 năm đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhà máy vẫn chỉ là đống… sắt vụn.

Video Nhà máy gang thép Vạn Lợi tan hoang sau gần 15 năm đầu tư xây dựng

“Trên đất nước ta, còn rất nhiều địa phương khó khăn. Thế mà khi quyết định cho đầu tư, cơ quan chức năng đã không tính toán kỹ, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Điều người dân mong mỏi bây giờ không chỉ dừng lại ở khởi tố vụ án, cơ quan điều tra phải tìm ra và xử lý nghiêm những cán bộ gây ra hậu quả này. Phải có những con người cụ thể, cá nhân chịu trách nhiệm chứ không thể kiểu “cha chung không ai khóc”.

Đồng quan điểm, Luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (có trụ sở tại TP Hà Tĩnh) cho biết: “Một dự án gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên 1.554 tỷ đồng và hơn 164.000 USD là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Việc khởi tố vụ án là tiền đề cho việc tiếp tục điều tra, tiến tới khởi tố bị can và truy tố”.

img
Luật sư Phan Văn Chiều (Ảnh NVCC)

Đề cập đến bị can trong vụ án, luật sư Chiều nêu quan điểm: Có 2 nhóm bị can có thể sẽ bị khởi tố là các tổ chức tín dụng và chủ đầu tư dự án.

Lý do, việc cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được pháp luật quy định rất cụ thể và phải trải qua các khâu thẩm định, xét duyệt rất chặt chẽ.

Cụ thể, theo Điều 7, Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (ban hành theo Quyết định số 1627/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), để tổ chức tín dụng xem xét và quyết định cho vay thì ngoài các điều kiện cơ bản, khách hàng còn phải: “Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả”. Đây là một trong các điều kiện quan trọng quyết định việc cho vay hay không cho vay của tổ chức tín dụng. Và cũng chính là nội dung tiên quyết ảnh hưởng đến tính khả thi của việc trả nợ.

Do vậy, trong quá trình vay, việc thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có khả thi và có hiệu quả hay không luôn được đặt lên hàng đầu.

img
Nhiều thiết bị, máy móc được che đậy qua loa nằm phơi mưa nắng

Bên cạnh đó, điều kiện: “Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết” cũng là một điều kiện cần mà khách hàng phải đáp ứng để được các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay hay không.

Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi được khởi công vào năm 2007 và theo chủ đầu tư cam kết đến tháng 8/2010 cho ra sản phẩm đầu tiên. Thế nhưng cho đến cuối năm 2010, chẳng những không có sản phẩm nào, dự án còn bị ngưng trệ và dừng hẳn cho đến nay. Rõ ràng tính khả thi dự án không cao.

Cũng theo luật sư Chiều, một nguyên nhân nữa dẫn đến dự án bị ngưng trệ là do năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề, không đáp ứng cho quá trình thực hiện dự án.

img
Thời điểm hiện tại, nhiều kết cấu nhà xưởng, công trình phụ nằm phơi mưa nắng, bám rong rêu, cỏ dại

“Tóm lại, dự án này có “vấn đề” ngay từ khâu thẩm định ban đầu cho đến quá trình thực hiện. Chủ đầu tư dự án và các tổ chức tín dụng cho vay có dấu hiệu của nhiều sai phạm trong các khâu: đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện…”, luật sư Chiều nói.

HĐND tỉnh sẽ "theo sát" quá trình điều tra vụ án

Liên quan đến việc khởi tố vụ án này, trước đó Đại tá Đặng Hoài Sơn, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng có liên quan trên địa bàn Hà Tĩnh.

"Cơ quan An ninh điều tra, VKS, TAND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, để sớm xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời thu hồi tài sản cho Nhà nước", Đại tá Sơn nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "HĐND tỉnh đồng tình, ủng hộ quyết định khởi tố vụ án của Công an tỉnh để từ đó điều tra và xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm với quan điểm không có vùng cấm. Không chỉ trước đây, bây giờ mà cho đến khi kết thúc vụ án, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục có các hoạt động giám sát chặt chẽ đối với vụ án này", bà Y nói.

img
Những khung sắt của kho xưởng và máy móc nằm trơ trọi giữa mưa nắng

Như Báo Giao thông đã đưa tin: Ngày 16/6/2007, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh quyết định khởi công xây dựng Nhà máy Liên hợp gang thép (còn gọi là Nhà máy Gang thép Vạn Lợi) với tổng mức đầu tư lên đến 1.764 tỷ đồng với công suất 500.000 tấn/ năm. Trong đó, tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 876 tỷ đồng, công suất 250.000 tấn/ năm.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất gần 26ha tại phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh. Dự tính mỗi năm sẽ cho nguồn thu 5.000 tỷ đồng, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh sẽ nộp ngân sách cho địa phương 250 tỷ và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động địa phương. Dự án này triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức ngân hàng chịu cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư là 15% còn lại.

Theo chứng nhận đầu tư, trong giai đoạn 1 thực hiện dự án, có 3 ngân hàng tham gia cho Công ty Gang thép Hà Tĩnh vay vốn và đã giải ngân gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hơn 600 tỉ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần 50 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 70 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi chưa kịp "khai sinh" thì dự án đã phải "khai tử" và gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD. Đến cuối tháng 7/2015, Dự án Liên hợp Gang thép bị chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 26/4/2019, Nhà máy Gang thép Vạn Lợi được bán đấu giá với giá 205 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.