Pháp đình

Vũ “nhôm”: "Sao ông Minh, ông Chiến làm lãnh đạo, tôi lại vào tù?"

05/01/2020, 12:47

Tại phiên tòa sáng nay, Vũ "nhôm" cho biết, không hiểu sao đến giai đoạn ông Minh và ông Chiến làm lãnh đạo Đà Nẵng, mình lại vướng vòng lao lý.

img
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Sáng nay (5/1), TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP Đà Nẵng.

Ba lần gửi văn bản xin rút lại tiền?

Tại phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ) hỏi bị cáo này về việc nhận chuyển nhượng nhà đất công sản và dự án bất động sản ở TP Đà Nẵng. Trong đó, có dự án 29 ha thuộc Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước.

Cụ thể, luật sư Trạch hỏi: "Theo hồ sơ vụ án, năm 2006, Công ty TNHH Deawon (Hàn Quốc) được UBND TP Đà Nẵng cho phép đầu tư vào dự án 29 ha trên nguyên tắc liên doanh với một Công ty Việt Nam để tiến hành khai thác. Sau đó, ông Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011) chấp thuận để Công ty Daewon đầu tư vào Khu đô thị mới Đa Phước theo hướng giao khu đất xây dựng nhà biệt thự, liền kề cho Phan Văn Anh Vũ để liên doanh với Công ty Daewon thực hiện dự án. Bằng cách nào ông nhận được dự án 29 ha này?"

Bị cáo Vũ khai, Công ty Cổ phần Xây dựng 79 (do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT) nhận được dự án 29 ha sau khi đối tác là Công ty Deawon gửi văn bản cho UBND TP Đà Nẵng đề nghị cho liên doanh với doanh nghiệp của bị cáo.

Thời điểm đó, dự án 29 ha được Sở Tài nguyên và môi trường theo dõi, trực tiếp chịu sự quản lý của ông Văn Hữu Chiến (khi đó là Phó Chủ tịch Đà Nẵng). Khi doanh nghiệp của Vũ liên doanh với đối tác nước ngoài thì khu đất 29 ha này chưa phải là đất sạch.

Sau khi nhận bàn giao xong, Phan Văn Anh Vũ chưa thể triển khai ngay dự án do Cơ quan điều tra Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ có văn bản thanh tra dự án.

Vũ nói thời điểm đó, ông ta rơi vào bế tắc dù đã đầu tư tiền vào dự án. “Tôi đã 3 lần gửi văn bản cho thành phố để xin lại số tiền đã nộp vào dự án”, Vũ khai và nói các nội dung này không được đưa vào cáo trạng, có thể gây khó khăn cho quá trình xét xử.

Tuy nhiên, luật sư Trạch giải thích, các tình tiết ông Vũ nêu đã có trong một số bút lục ở hồ sơ vụ án, chỉ không xuất hiện trong cáo trạng. Tiếp tục trả lời luật sư về nguồn tiền dùng để mua nhà đất công sản và dự án bất động sản ở Đà Nẵng, ông Vũ trình bày nếu tài sản do cá nhân bị cáo mua thì bị cáo sẽ chi tiền của mình ra để đầu tư. Còn nếu các Công ty của Vũ góp vốn mua tài sản thì sử dụng tiền của pháp nhân đó.

"Sao lại dùng từ thâu tóm kinh khủng như vậy?"

Trả lời câu hỏi của người bào chữa cho mình: "Vì sao ông thành lập 5 công ty như trong cáo trạng nêu?", Phan Văn Anh Vũ nói việc cáo trạng cáo buộc ông ta thành lập và góp vốn vào 5 doanh nghiệp để thâu tóm, đầu cơ đất đai ở Đà Nẵng là không phù hợp.

“Mình là người đi mua, sao lại dùng từ thâu tóm kinh khủng như vậy”, Vũ còn lý giải thành lập, góp vốn ở 5 công ty với mục đích duy nhất để kinh doanh bất động sản và việc làm này đúng pháp luật.

Bị cáo Vũ còn cho rằng số lượng doanh nghiệp càng nhiều thì càng có lợi trong việc đầu tư các dự án, vay được nhiều vốn ngân hàng và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách của TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, bị cáo Vũ cũng cho hay một số lãnh đạo tiền nhiệm trước ông Trần Văn Minh đã có nhiều bằng khen, giấy khen dành cho bị cáo. Nhưng đến giai đoạn ông Minh và ông Chiến làm lãnh đạo Đà Nẵng, Vũ lại vướng lao lý.

Luật sư Trạch hỏi bị cáo Vũ, có suy nghĩ gì khi bị Viện KSND truy tố 2 tội danh trong vụ án này? Trả lời, Phan Văn Anh Vũ nói bản thân cảm thấy bàng hoàng khi nhận được cáo trạng. Bị cáo mong HĐXX xem xét những gì ông ta đã trình bày hoàn toàn đúng sự thật và xem xét việc Vũ phản bác cáo trạng trong phần xét hỏi.

“Tôi dù sao cũng đã lĩnh 30 năm tù, HĐXX vụ án này có tuyên phạt tôi thêm 5-10 năm tù cũng không làm thay đổi bản chất vụ án”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng 79 nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.