Vụ phá rừng Mang Yang: Đề nghị kỷ luật các đơn vị quản lý

28/07/2017, 19:21

Ông Kpă Thuyên- Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai đề nghị xử lý kỷ luật các đơn vị để xảy ra phá rừng.

20170706_112337

Hình ảnh PV ghi lại tại khu vực rừng bị phá ở xã Lơ Pang, huyện Mang Yang

Ngày 28/7, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ông Kpă Thuyên- phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký ban hành văn bản số 2862/UBND - NL, về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; thông tin kết quả kiểm tra tình trạng khai thác rừng trái phép tại xã Lơ Pang (Mang Yang). 

Công văn do ông Kpă Thuyên ký nêu rõ: Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND huyện Mang Yang chỉ đạo các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng tiếp tục tổ chức tuần tra truy quét để phát hiện, ngăn chặn và xử kịp thời các vụ khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn.

Ông Thuyên, đại diện cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đề nghị UBND huyện Mang Yang; Sở NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm Mang Yang, công ty TNNH MTV Kông Chiêng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan do không làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra phá rừng trên địa bàn... 

20170712_133126

Cũng trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Long Sơn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho rằng việc xử lý kỷ luật đối với đơn vị quản lý để xảy ra phá rừng ... "cùng lắm cũng chỉ rút kinh nghiệm thôi". 

Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ UBND huyện Mang Yang cho biết, hiện huyện đã tổ chức làm báo cáo nhận khuyết điểm; đồng thời sắp tới sẽ tiến hành họp kỷ luật sau khi để xảy ra phá rừng do báo chí phản ánh. 

Như Báo Giao thông đưa tin, ngày 6/7, nhóm PV đã vào rừng thuộc địa bàn xã Lơ Pang (Mang Yang) để tìm hiểu tình hình thực tế sau khi tiếp nhận tin phản ánh rừng bị phá do người dân phản ánh. Sau thực tế, nhóm PV đã trực tiếp báo cáo với ông Nguyễn Như Phi, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang về vụ việc. Ông Phi yêu cầu cơ quan chức năng ngay lập tức triển khai lực lượng tổ chức truy quét và kiểm đếm rừng bị thiệt hại trong tối cùng ngày (6/7).

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, qua kiểm đếm, tại tiểu khu 527, đoàn kiểm tra phát hiện 16 cây bị khai thác, có khối lượng 19,978m3. Trong đó, số gỗ đã cưa, xẻ và vận chuyển đi là 10,617m3, còn lại hiện trường 8 cây, lóng gỗ có khối lượng 9,361m3 không sử dụng được. Tại tiểu khu 528 thuộc rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Chiêng quản lý, đoàn kiểm tra phát hiện 2 cây bị khai thác có khối lượng 1,509m3. Theo UBND huyện Mang Yang, nguyên nhân do 3 hộ gia đình khó khăn tại làng Hlim đã vào rừng khai thác gỗ, vận chuyển về làm nhà.

Qua điều tra của cơ quan chức năng huyện Mang Yang, trong vụ phá rừng tại xã Lơ Pang cho thấy, có 3 gia đình người dân do nghèo khó nên đã nhờ cộng đồng làng vào rừng cưa gỗ để làm nhà ở.

Băn khoăn về việc người nghèo khó vào rừng cưa gỗ làm nhà, ông Nguyễn Như Phi, chủ tịch huyện Mang Yang cho biết, "trước đây, người nghèo trực tiếp sinh sống ở địa phương có rừng được phép khai thác một số gỗ để làm nhà theo quy định ban hành. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ "lệnh" đóng cửa rừng vào tháng 6/2016, nên nghiễm nhiên chính sách này bị bãi bõ. Bên cạnh đó, Quyết định 33, về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTG giai đoạn 2) của Chính phủ được ban hành năm 2015  nhưng cho đến nay vẫn chưa có vốn để triển khai. Người nghèo không có tiền để xây nhà nên buộc phải "làm liều" vào rừng cưa gỗ để làm nhà.

Ở đây, người dân họ khai thác để làm nhà sinh sống chứ không mục đích thương mại. Tuy nhiên, khai thác gỗ trái phép là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Vậy nên, đây là băn khoăn lớn của người dân thuộc các khu vực do cộng đồng dân làng bảo vệ rừng. Họ là những người bảo vệ rừng nhưng chính sách vẫn chưa đáp ứng đầy đủ để giúp người dân sống đảm bảo với quyền lợi của họ. Vậy nên, Chính phủ cần phải sớm nghiên cứu để giúp người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.