Xã hội

Vụ phá rừng tại Hồng Thủy: Số cây bị đốn hạ tại hiện trường là bao nhiêu?

17/04/2021, 16:41

Thông tin lãnh đạo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế nói về số cây bị đốn hạ trong vụ phá rừng khu vực Hồng Thủy, A Lưới bị cho là ít so với thực tế…

img

Một trong những gốc cây mới bị đốn hạ trong vụ phá rừng tại khu vực Hồng Thủy. Ảnh: L.K

“Có 5 cây đã bị chặt..., một số cây thuộc gỗ nhóm 7 nhóm 8 để làm quan tài”

Liên quan đến vụ phá rừng tại khu vực Hồng Thủy (huyện A Lưới), tại họp báo thường kỳ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quý I/2021, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho biết, đây là khu vực giáp ranh (với Đakrông của tỉnh Quảng Trị) rất phức tạp.

“Có một điểm ở khu vực này là người của địa phương khác vào để khai thác, mang tính chất nhỏ lẻ nhưng rất phức tạp, đẩy chỗ này thì họ qua chỗ kia, đẩy Thừa Thiên Huế họ ra Quảng Trị, họ dùng biển số xe giả, phương tiện hết niên hạn sử dụng, thậm chí kiểm lâm sử dụng xe máy đi họ chèn cả xe máy...”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, khu vực trên nằm xa khu dân cư, từ thôn Pa Ay (xã Hồng Thủy) lên khoảng 7km và hiện nay chưa giao được cho người dân vì xa quá và tạm thời giao cho UBND xã Hồng Thủy quản lý. Theo Nghị định 75 thì có một khoản ngân sách do Nhà nước cấp cho UBND xã Hồng Thủy và UBND xã Hồng Thủy đã hợp đồng lại với một nhóm cộng đồng ở thôn Pa Ay để quản lý bảo vệ khu rừng này, do ông Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Pa Ay làm nhóm trưởng.

“Việc quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng là chủ trương rất đúng đắn, gắn kết cộng đồng bản địa đối với rừng. Nhưng thật ra thì nguồn ngân sách, nguồn hưởng lợi 300 nghìn đồng/hecta cũng chưa đáp ứng được đời sống của bà con. Cho nên gần như công việc đều Kiểm lâm phải cáng đáng cả”, ông Tuấn cho biết thêm.

img

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại buổi họp báo chiều 15/4. Ảnh: D.L

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cũng cho biết, Kiểm lâm biên chế năm 2016 là 301 biên chế nhưng đến hiện nay là khoảng 253 biên chế. Trong con số “sụt giảm” này gồm những người nghỉ hưu và nghỉ trước tuổi vì cực khổ quá, đến nay vẫn chưa tuyển lại được.

“Chúng tôi bóp chỗ này thì hở chỗ khác nên rất khó khăn, chúng tôi phải dựa vào Bộ đội Biên phòng cũng như địa phương và chúng tôi đã có quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng, trong tuần tới chúng tôi cũng ký kết quy chế phối hợp với Đakrông và hôm qua Chi cục Kiểm lâm đã gửi văn bản cho Quảng Trị để phối hợp 2 bên vì vùng này rất phức tạp”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho hay.

Đáng chú ý, nói về vụ phá rừng trên, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết “thực ra ở đó có 5 gốc cây đã bị chặt và các cây như bạng, phò lái, một số cây thuộc gỗ nhóm 7 nhóm 8… để làm quan tài.

“Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm A Lưới cũng như Phòng Thanh tra Pháp chế thì 5 gốc cây này có 4 gốc cây chặt hạ từ đầu năm 2020, thậm chí hiện nay các gốc cây này đã bị mối rừng đục gỗ và chúng tôi đã lập biên bản tại hiện trường cũng như lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm A Lưới về vụ việc này. Số gỗ mà chúng tôi bắt giữ ở trong này trong 4 vụ (3 vụ của Kiểm lâm và 1 vụ của Công an huyện A Lưới) là hơn 4,99m3.

Còn 1 gốc cây được khai thác sau ngày 15/3/2021, tức là lần cuối cùng chúng tôi kiểm tra và ghi nhận ở đó. Trong clip phản ánh thì nếu tinh có thể thấy dấu sơn của Kiểm lâm đã đánh dấu đã kiểm tra tại khu vực này”, ông Tuấn nói.

img

Phía Hạt Kiểm lâm A Lưới sau đó nói rằng con số đơn vị này đã báo cáo lên và Sở NN&PTNT thông tin tại buổi họp báo trên chỉ là báo cáo “tạm thời”, chưa phải chi tiết cụ thể... Ảnh: L.K

Tuy nhiên, thông tin về số cây bị "lâm tặc" đốn hạ trên sau đó bị cho là còn ít với thực tế, bởi số lượng cây bị đốn hạ trong vụ phá rừng nói trên tại khu vực Hồng Thủy vừa được ghi nhận là nhiều hơn; những gốc cây này không hề có dấu sơn của kiểm lâm cũng như bị mối mọt như lời ông Tuấn nói. Phía Hạt Kiểm lâm A Lưới sau đó nói rằng đó chỉ là báo cáo “tạm thời”, chưa phải chi tiết cụ thể…

Có giảm những vẫn “nóng”

Tại buổi làm việc với các đơn vị về công tác quản lý, bảo vệ rừng chiều 16/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, các lực lượng chức năng thời gian vừa qua đã tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc; từ đó làm giảm số vụ và giảm diện tích rừng bị phá qua mỗi năm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng phá rừng vẫn diễn ra phức tạp, do đó các lực lượng cần huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp cũng như sự chung tay, góp sức của người dân, chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tổ chức truy quét nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép tại những khu rừng tự nhiên, rừng giáp ranh. Cương quyết điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Liên quan đến việc các đối tượng từ nơi khác đến phá rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức quản lý chặt chẽ công tác tạm trú, tạm vắng, những người không có nhiệm vụ vào rừng, nhất là những khu vực dễ bị tác động. Ngoài ra cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân cũng như vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tố giác tin báo tội phạm.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc với UBND tỉnh chiều 16/4, từ năm 2016 đến năm 2020, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng bắt giữ và xử lý 2.736 vụ vi phạm; tịch thu 2.624,821 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách trên 20,2 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 699 vụ, xử lý hình sự 18 vụ. Đã tổ chức 2.417 đợt truy quét với 60.922 công, xử lý, tịch thu 955,579 m3 gỗ, 82 máy cưa xăng, tháo dỡ 375 lán trại và 8.239 bẫy các loại.

Lực lượng Kiểm lâm đã bám sát địa bàn rừng, kết hợp với ứng dụng ảnh viễn thám, đã kiểm tra và kịp thời phát hiện sớm và ngăn chặn 311 vụ phá rừng, với tổng diện tích 69,38 ha tại các địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy. Diện tích rừng bị phá đều thuộc trạng thái rừng nghèo, chủ rừng là UBND xã, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ và hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng tự nhiên.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, lực lượng Kiểm lâm đã bắt giữ và xử lý 73 vụ vi phạm pháp luật Lâm nghiệp, tịch thu 42,619 m3 gỗ các loại, nộp ngân sách 137.042.000 đồng (giảm 25 vụ và 39,745 m3 gỗ so với cùng kỳ năm trước).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.