Bạn cần biết

Vụ sập lan can trường học: Làm rõ trách nhiệm thiết kế, thi công

13/12/2017, 07:05

Trước hết phải kiểm tra thiết kế, nếu thiết kế sai, không đảm bảo chất lượng thì trách nhiệm thuộc về thiết kế.

15

Lan can tầng 2 trường Tiểu học Văn Mô vỡ vụn khiến 13 học sinh bị thương

Lan can thiếu sự liên kết?

Trường Tiểu học Văn Mô (xã Văn Mô, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), nơi diễn ra sự cố sập lan can khiến 13 học sinh bị thương đã xuống cấp, hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan.

Ngày 12/12, hiện trường vụ sập lan can trường Tiểu học Văn Mô, tỉnh Bắc Ninh) khiến 13 học sinh bị thương xảy ra chiều 11/12 vẫn chưa được thu dọn. Những mảnh vỡ từ con tiện lan can tầng 2 rơi xuống nằm vương vãi trên sân ở tầng 1, cạnh đó là những đôi dép của các học sinh bị thương trong vụ tai nạn. Trên lan can tầng 2 tòa nhà, nơi xảy ra sự việc, một lan can bằng nhôm đã được dựng tạm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, trên những con tiện được sử dụng làm lan can trước đó, hầu như không có thép chờ để liên kết với phần giằng lan can. Thông tin PV Báo Giao thông tìm hiểu, tầng 1 của ngôi trường được xây dựng năm 1998 và tầng 2 được xây dựng năm 2002.

Quan sát những hình ảnh từ hiện trường, anh Đức Thắng, một kiến trúc sư cho biết, đây là dạng lan can con tiện xi măng, tuy nhiên thi công không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, không thấy có sự liên kết giữa giằng lan can với con tiện. “Con tiện chỉ có thép cấu tạo của chính nó mà không có thép chờ (nối từ thép trong lõi con tiện) để liên kết với phần giằng lan can. Phần tải trọng bản thân của hệ lan can cùng với tay vịn (tức là phần giằng trên các con tiện) khá lớn, cộng với việc liên kết con tiện với giằng phía dưới không đảm bảo dẫn đến khi có 1 lực tác động ngang vào hệ lan can này, dễ dàng bị sập đổ”, anh Thắng phân tích.

Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, tính đến ngày 12/12, bệnh viện vẫn đang theo dõi và điều trị cho 5 học sinh trong vụ việc. Trong số 5 cháu đang điều trị tại viện, trường hợp cháu Vương Quốc A. là nặng nhất và đã được phẫu thuật ngay trong đêm 11/12, hiện sức khỏe Quốc A. vẫn đang được theo dõi sát sao. Còn lại 4 cháu đã dần ổn định và cần tiếp tục theo dõi. 8 học sinh còn lại được điều trị tại Bệnh viện huyện Yên Phong và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đều đã ổn định sức khỏe.

Vũ Anh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, một công trình trường học được xây dựng có thể sử dụng ít nhất 50 năm. Với công trình tầng 2 trường Tiểu học Văn Môn (mới được 15 năm) vẫn đang còn thời gian khấu hao. Cũng theo ông Liêm, nếu thi công đúng thì phần thi công lan can con tiện xi măng này phải đảm bảo được những phần thiết yếu như: Bên trong con tiện phải có lõi thép và lõi thép đó được kéo dài ra 2 đầu con tiện, kết nối với phần bê tông ở 2 đầu trên, dưới thành lan can. Giữa các con tiện (khoảng cách thường là 50-70cm) được xây gắn kết với nhau bằng những viên gạch và trên mặt những viên gạch đó cũng phải đặt thép, sau đó được đổ bê tông tạo sự liên kết tất cả các chi tiết thành một khối vững chắc mới đảm bảo. “Trường hợp va chạm mạnh khiến một trong những điểm của lan can bị tác động sẽ có chỗ khác đỡ và như thế mới không đổ được”, ông Liêm nói.

Về trách nhiệm khi để xảy ra sự cố, theo ông Liêm, trước hết phải kiểm tra thiết kế, nếu thiết kế sai, không đảm bảo chất lượng thì trách nhiệm thuộc về thiết kế. Hoặc nếu thiết kế đúng, nhưng thi công sai thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Ngoài ra, phải xem nhà đầu tư có thuê tư vấn giám sát hay không để quy trách nhiệm cho nhà đầu tư tự giám sát công trình nhưng không đảm bảo chất lượng hoặc tư vấn giám sát đã lơ là trách nhiệm.

Ông Đặng Đình Đồi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Môn cho biết, trước khi vụ sập lan can xảy ra, nhà trường đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng về việc cơ sở vật chất nhà trường đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho thày và trò trong quá trình giảng dạy, học tập.

Chờ kết quả giám định chất lượng công trình

Chiều 12/12, ông Vũ Xuân Lộc, Trưởng công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố sập lan can trường Tiểu học Văn Môn là vào đầu giờ chiều 11/12, các cháu học sinh chơi đuổi bắt ở khu vực lan can tầng 2. Cụ thể, có 3 học sinh đuổi bắt 13 học sinh và khi đó 13 học sinh đã chạy dồn nhau vào khu vực lan can. Do lan can có các con tiện bê tông xuống cấp lâu ngày nên sập đổ, khiến các cháu cùng kéo nhau rơi xuống. 

“Hiện, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, đồng thời làm rõ việc xây dựng trường có đảm bảo chất lượng, an toàn hay không. Tuy nhiên, chưa có kết quả chính thức vì còn phụ thuộc vào cơ quan giám định chất lượng công trình”, ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, nhà trường chỉ là đơn vị sử dụng chứ không phải đơn vị xây dựng công trình, do đó họ không có trách nhiệm trong việc này. “Đây là do các cháu nô đùa với nhau để xảy ra sự cố. Công trình này đã được xây dựng từ lâu nên bị xuống cấp nhiều. Hiện, trụ sở trường mới đang trong quá trình xây dựng nên chưa được đưa vào sử dụng”, ông Lộc thông tin thêm.

Bà Nguyễn Thị Thức, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Phong cho hay, sau sự cố, Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tập trung khắc phục, rà soát các điểm hư hỏng, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh yên tâm học, giáo viên yên tâm giảng dạy. Đồng thời, đề nghị huyện và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu trường mới để các cháu có thể chuyển sang đó, đảm bảo an toàn, yên tâm học tập. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.