Hồ sơ tài liệu

Vụ “Tài liệu Panama”: Trung Quốc, Nga tố Mỹ "giật dây"

07/04/2016, 06:07

Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản bác cho rằng, Mỹ đứng sau "giật dây" vụ việc này.

Nga và Trung Quốc tố Mỹ đứng sau giật dây vụ Tài l

Nga và Trung Quốc tố Mỹ đứng sau giật dây vụ Tài liệu Panama

Chưa thấy quan chức Mỹ

Trong 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca rò rỉ, 140 lãnh đạo, người nổi tiếng, vận động viên trên thế giới... bị lộ tên nhưng tuyệt nhiên không có dấu vết của bất cứ quan chức nào tại Mỹ. Mặt khác, Tài liệu Panama cho thấy, Công ty Luật Mossack Fonseca đã hợp tác thành lập 1.000 công ty tại Mỹ, hầu hết ở bang Nevada và Wyoming từ năm 2001. Điều đáng nói, hai bang Nevada và Wyoming đều là những bang có luật cho phép bảo mật thông tin.

Nhờ đó, phần lớn các công ty này đều thoát khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý tài chính Mỹ cũng như mọi ánh mắt nhòm ngó. Giám đốc điều hành Viện Chính sách Kinh tế và Thuế - ông Matthew Gardner nhận định: “Những công ty ma Mossack Fonseca thành lập tại hai bang Wyoming và Nevada của Mỹ để làm vỏ bọc, tránh bị truy tố và bị phát hiện dù với bất cứ mục đích nào”.

Trong những nghi vấn đó, Nga và Trung Quốc lên án việc tiết lộ Tài liệu Panama là hành động “tấn công thông tin” và cáo buộc chính phủ Mỹ đứng sau “giật dây” và giấu nhẹm các thông tin liên quan tới quan chức Mỹ. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, đây là một âm mưu của Mỹ nhằm vào Tổng thống Nga, nước Nga và người dân nước này. Ông  Dmitry Peskov nói: “Tổng thống Putin, Nga, đất nước Nga, sự ổn định của quốc gia và cuộc bầu cử sắp diễn ra là mục tiêu của vụ rò rỉ Tài liệu Panama, đặc biệt nhằm gây bất ổn cho đất nước Nga". Ông Dmitry Peskov dẫn chứng việc nhiều nhà báo tham gia cuộc điều tra này xuất thân từ cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và mật vụ Mỹ.

Thực tế, Tài liệu Panama là dự án điều tra được Hiệp hội các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) và Dự án Tố cáo Tham nhũng, Tội phạm (OCCRP) cùng hơn 100 hãng truyền thông trên toàn thế giới, phối hợp điều tra hơn 1 năm. Trang web của OCCRP cho biết, OCCRP là “chương trình phi lợi nhuận, với sự hợp tác của nhiều trung tâm điều tra phi lợi nhuận trong khu vực và các cơ quan truyền thông lợi nhuận độc lập trải dài từ Đông Âu tới Trung Á. OCCRP được hỗ trợ bởi Quỹ Dân chủ Mỹ (UNDEF), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Xã hội mở của Mỹ”.

Tiếp tục những cáo buộc và nghi ngờ Mỹ đứng sau Tài liệu Panama, tờ Hoàn cầu của Trung Quốc chỉ trích truyền thông phương Tây luôn luôn kiểm soát các vụ rò rỉ thông tin như vụ Wikileaks hay gián diệp Edward Snowden. Mỗi lần bị rò rỉ thông tin mật, Mỹ luôn hạn chế tối đa những thông tin bất lợi, trong khi đẩy mạnh các thông tin liên quan tới các lãnh đạo khác như Tổng thống Nga Vladimir Putin.  

Mỹ siết luật chặn trốn thuế

Phản ứng trước những thông tin rò rỉ liên quan tới 1.000 công ty được đăng ký tại Mỹ, Vụ trưởng Hình sự thuộc Bộ Tư Pháp Mỹ Leslie Caldwell cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đang “xem xét các tư liệu này” và từ chối cung cấp thêm thông tin. Song, Tổng thống Obama yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ siết chặt quy định mới và kêu gọi Quốc hội cải tổ hệ thống thuế doanh nghiệp để ngăn chặn hoạt động trốn thuế.

Hôm qua, một ngày sau khi tuyên bố đưa Panama trở lại danh sách “các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác” (ETNC), Pháp kêu gọi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa Panama vào danh sách đen các “thiên đường trốn thuế”. Năm 2012, Pháp đã đưa Panama ra khỏi danh sách đen sau khi hai nước ký thỏa thuận về chống gian lận thuế.

Hôm qua, Công ty luật Mossack Fonseca gửi đơn khiếu nại lên Văn phòng Tổng chưởng lý Panama và cơ quan chức năng sở tại khi cho rằng các tin tặc nước ngoài đã tấn công và đánh cắp các tài liệu bị rò rỉ. Ông này cũng tuyên bố có bằng chứng cho thấy đối tượng đứng sau vụ tấn công này là những tin tặc đến từ châu Âu, song từ chối cho biết thông tin cụ thể.

Ông Obama nói: “Những thông tin từ Tài liệu Panama cho thấy, trốn thuế đang là vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Những công ty này không vi phạm pháp luật nhưng kiếm tiền nhờ lách luật. Khi các công ty khai thác các lỗ hổng pháp lý, nó sẽ cản trở các hoạt động đầu tư thực sự giúp nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đồng thời, nó khiến những người Mỹ cần mẫn chăm chỉ làm ăn cảm thấy bị đủ tầng lớp chèn ép”.

Trước đó, ngày 5/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thông báo loạt quy định mới “đánh” vào các doanh nghiệp Mỹ đã hoặc có ý định trốn thuế bằng cách chuyển trụ sở như mua một doanh nghiệp nước ngoài ở các nước đánh thuế thấp. Các quy định sẽ giảm lợi nhuận trong các vụ sáp nhập với công ty nước ngoài kiểu này của các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời khiến những vụ sáp nhập trong tương lai khó thực hiện hơn.

Báo cáo “láo” để lấy tiền

Trong hàng loạt cái tên xuất hiện trong Tài liệu Panama có danh tính một người Canada gốc Việt. Người này là Eric Van Nguyen, luật sư, 32 tuổi. Những thông tin trong Tài liệu Panama cho thấy, Eric Van Nguyen đăng ký thành lập một công ty ở Samoa, Nam Thái Bình Dương và một công ty vô danh khác tại quần đảo Virgin của Anh. Cả hai địa danh này nổi tiếng là “thiên đường trốn thuế” cho những người lắm tiền.

Trước đó, theo Theo tờ Toronto Star (Canada),  năm 2014, Eric Van Nguyen từng bị cáo buộc gian lận 290 triệu USD trên thị trường chứng khoán. Khi đó, nhiều nhà đầu tư bỏ tiền mua lại những cổ phần bị thổi giá cao hơn giá trị thực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.