Chất lượng sống

Vụ “Tàu thép 67”: Không đền bù thỏa đáng, ngư dân kiện ra tòa

15/05/2017, 07:35

Các đơn vị đóng tàu phải khẩn trương đền bù theo đúng hợp đồng, nếu không thỏa đáng ngư dân sẽ khởi kiện.

17

Hệ thống van dầu của tàu vỏ thép BĐ 99567 TS mới đưa vào hoạt động đã hư hỏng, rỉ sét

“Soi” đâu cũng thấy hư hỏng

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, trong số hơn chục đơn kiến nghị của các chủ tàu vỏ thép trên địa bàn về thực trạng tàu mới hạ thủy đã hư hỏng, đơn vị chức năng đã kiểm tra 7 tàu và phát hiện nhiều điểm bất cập. Kết quả cho thấy, bốn tàu cá vỏ thép (BĐ 99279 TS, BĐ 99016 TS, BĐ 99144 TS, BĐ 99086 TS) đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng bị hư hỏng ở một số bộ phận như: Vỏ tàu và thân tàu đều bị rỉ sét, máy phát điện bị lỗi, hầm bảo quản không tốt, không giữ được lạnh, máy chính bị hỏng hộp số... Trong khi đó, ba tàu vỏ thép BĐ 99018 TS, BĐ 99179 TS, BĐ 99027 TS đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương chung thực trạng xuất hiện hư hỏng, bong tróc, rỉ sét tại vỏ tàu, mặt boong, trang thiết bị trên boong tàu...

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho hay, trong số 7 tàu đóng tại Công ty Nam Triệu, ngư dân sử dụng, có 1 chiếc chìm, 6 chiếc đang bị trục trặc, hoạt động không ổn định.

Ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cũng phản ánh trong 9 tàu vỏ thép ngư dân hạ thủy đưa vào khai thác thời gian qua có 4 tàu đang bị hư hỏng đều do Đại Nguyên Dương và Nam Triệu đóng. Từng trực tiếp giới thiệu Nam Triệu đến với ngư dân, ông Tân tự nhận mình có phần trách nhiệm và “hối hận vì đã làm điều này”. Kết quả kiểm tra cho thấy, Nam Triệu và Đại Nguyên Dương vi phạm hợp đồng đóng tàu sắt cho ngư dân, thay vì tàu vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản, đơn vị này lại đóng bằng thép Trung Quốc.

Theo ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, thép không được đóng đúng quy cách. Hồ sơ thiết kế vỏ thép tàu dày 1cm thì bị rút xuống còn 8mm. Thép bên trong cũng bị giảm từ 8mm xuống còn 6mm bề dày. “Thép mỏng dính như thế với loại tàu đi khơi xa, không rỉ sét mới lạ”, ông Ba nói.

Tại cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh Bình Định, 2 đơn vị đóng tàu và các chủ tàu vỏ thép, ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhận trách nhiệm thiếu sót trong việc tự chuyển đổi sang thép Trung Quốc nhưng cho rằng, “các thép này có giá trị tương đương nhau và không phải cứ thép Trung Quốc là xấu”.

Hỗ trợ ngư dân kiện ra tòa

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Định, trước mắt các đơn vị đóng tàu chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện và vỏ tàu cho chủ tàu. Ngoài ra, Đại Nguyên Dương và Nam Triệu đồng ý hỗ trợ 100% chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới vây sang lưới chụp nếu chủ tàu có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định; hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra…

Tuy nhiên, theo các ngư dân cần phải xử lý từ các vấn đề hợp đồng ký kết đến kỹ thuật như hộp số phải đồng bộ để tàu hoạt động ổn định nhất. Thiệt hại do tàu thép hư hỏng là rất lớn, việc đền bù rất khó thỏa đáng. Ông Đinh Công Khánh (trú thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát)- chủ tàu vỏ thép BĐ-99086 cho hay, chỉ tính riêng chuyến biển đầu tiên sau khi tàu hạ thủy (tháng 9/2016), tàu hư hỏng khiến ông thiệt hại 200 triệu đồng. Thống kê tại huyện Phù Mỹ, trong 9 tàu vỏ thép hạ thủy có đến 8 tàu làm ăn thua lỗ. Nhiều chủ tàu cho biết, đã đến kỳ đáo hạn trả nợ gốc, lãi nhưng tàu nằm bờ vì hư hỏng, ngư dân không thể ra khơi đánh bắt để trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi cho toàn bộ các chủ tàu tham gia chương trình từ 11 lên 16 năm. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả vì các lý do: Tàu được giao kém chất lượng phải sửa chữa dài ngày; diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, ngư trường...

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định cho hay, hiện có 11 ngư dân vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để đóng tàu vỏ thép nhưng quá hạn trả nợ. Theo quy định, “nợ xấu” này sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng, cần thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 công ty nói trên đóng. Ai sai, phải chịu trách nhiệm. Tại cuộc họp về tàu thép với các đơn vị đóng tàu và ngư dân, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh các tàu thép bàn giao cho ngư dân không đạt chất lượng. Sắp tới, tỉnh báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Đồng thời, phía các công ty phải có giải pháp sửa chữa, bảo hành, hỗ trợ cụ thể các thiệt hại cho ngư dân. Nếu ngư dân khởi kiện ra tòa vì chậm sửa chữa, đền bù thỏa đáng, tỉnh giao cho Chủ tịch UBND các huyện ven biển hỗ trợ người dân về các thủ tục pháp lý.

Ông Châu cho rằng, các công ty đã làm không đúng theo hợp đồng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân về các vấn đề kỹ thuật tàu vỏ thép để “đánh tráo” vật liệu, máy móc. Nếu nói hỏng do ngư dân thiếu kỹ năng, bảo dưỡng thì các tàu khác cũng phải hư hại như thế. Đằng này đổ lỗi cho ngư dân là không sòng phẳng.

Ông Phan Trọng Hổ đánh giá, qua kiểm tra thực tế, hầu như toàn bộ các tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công. Đây là “lỗ hổng” lớn trong quá trình đóng - giao nhận tàu vỏ thép Nghị định 67/NĐ-CP cấp thiết cần phải được bổ sung để khắc phục vấn nạn trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.