Xã hội

Vụ "tàu thép 67": Ngư dân phải được thiết kế, giám sát

14/05/2017, 13:47

Không có tư vấn giám sát là "lỗ hổng" lớn trong việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 hiện nay.

Le_Van_Sang_VDCE

PV trực tiếp cùng anh Sang trên tàu Sang Fish 01 "vây cá" trong chuyến biển đầu tiên nhưng liên tục hư hỏng. Ảnh Xuân Huy 

Sáng nay (14/5), trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Sang cho hay: Chuyện tàu vỏ thép hư hỏng là đương nhiên nếu các cơ quan chức năng, đơn vị đóng tàu vẫn giữ kiểu thiết kế, đóng tàu mang tính lý thuyết "trên giấy" đó.

Hơn ai hết, anh Sang có những trải nghiệm "đau đớn" trên tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 được đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) theo chính sách 1787 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển kinh tế biển. Con tàu có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng. Trong đó, anh Sang cùng anh rể Phan Bé góp hơn 4 tỷ đồng, 7 tỷ còn lại được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hỗ trợ với thời gian hoàn trả là 6 năm.

Anh Sang kể: Ngày nhìn con tàu công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn hình hài, hạ thủy tháng 7/2014 tôi mừng đến bật khóc. Bao nhiêu tâm huyết, khát vọng hiện đại hóa nghề đều dành vào Sang Fish 01 cả. Nhưng ngay những chuyến biển đầu tiên, tàu cá Sang Fish 01 đã lộ nhiều bất cập.

Theo anh Sang, chuyến đầu tiên "mở biển" tàu Sang Fish 01 vừa ra khơi thì liên tục bị hỏng tời, trục, máy kéo lưới phải đưa về bờ chữa. Cả chuyến biển lỗ nặng, (chi phí đi biển, như: xăng dầu, lương thực, nhân công) cùng công sửa ngót nghét nửa tỉ bạc.

“Có người bảo chuyến đầu hên xui. Tôi cũng quyết tâm sửa chữa để vươn khơi. 10 chuyến thì 4 chuyến tàu Sang Fish 01 gặp sự cố, chuyến còn lại thì đánh bắt không ổn định dù tàu đã mời các thợ máy, ngư dân lành nghề nhất. Càng đi biển, tôi càng lỗ nặng", anh Sang nói. 

tau-sang-fih-hu-toi

Tàu Sang Fish 01 liên tục bị hư trục tời, máy kéo, lưới vây... Ảnh Xuân Huy

Lý giải điều này, anh Sang nhận định, nguyên nhân chính khiến tàu Sang Fish 01 thường xuyên gặp sự cố là do lỗi thiết kế. Đặc biệt vào mùa đông, tàu không hoạt động được do rung lắc quá mạnh, không “đằm” như tàu vỏ gỗ. Bên cạnh đó, bên đóng tàu lắp máy cũ nên chạy yếu, kém hiệu quả. Đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm, vỏ tàu bám đầy hà cùng nhiều vết hoen rỉ.

"Giờ đọc thấy báo đài nói tàu 67 hư hỏng tôi hình dung ra ngay câu chuyện lỗi thiết kế này; nếu không giám sát chặt, phía đóng tàu không lắp đúng máy. Nói chung rất dễ bị rút ruột", anh Sang nói.

Tháng 3/2016, anh Sang quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang nhưng chưa từ bỏ khát vọng đóng tàu vỏ thép. Được chọn tham gia Nghị định 67, anh Sang xin Đà Nẵng "cơ chế riêng" đóng theo thiết kế của mình. 

Con tàu Sang Fish 05 được anh trực tiếp đóng tại cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và hạ thủy tháng 6/2016, hành nghề cá kết hợp câu lươn biển. Anh Sang đúc kết: khác với tàu "thiết kế sẵn" chìa khóa trao tay trước, tàu Sang Fish 05 hoạt động thành công và ổn định hơn. Do tự tay tôi thiết kế và tham gia giám sát toàn bộ công đoạn đóng tàu nên các chi tiết đều như ý muốn.

“Thực tế các mẫu thiết kế theo Nghị định 67 luôn gặp sự cố, đặc biệt thân tàu không có sự ổn định như tàu vỏ gỗ. Đây là bài học đau đớn cho những người đã ký tên vay tiền nhưng không được con tàu ưng ý. Mấu chốt vấn đề là ngư dân phải được cùng thiết kế, giám sát các công đoạn đóng tàu mới tránh được chuyện như ở Bình Định vừa rồi”, anh Sang nhấn mạnh.

tau-ca-sang-fish

Liên tục gặp hư hỏng, đi biển thua lỗ, anh Sang trả lại tàu Sang Fish 01. Ảnh Xuân Huy

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, việc ngư dân ồ ạt đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ là vội vàng, trong bối cảnh cả người thiết kế các mẫu tàu và ngư dân Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về vận hành, khai thác tàu vỏ thép.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, qua kiểm tra thực tế, hầu như toàn bộ các tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công. Đây là “lỗ hổng” lớn trong quá trình đóng-giao nhận tàu vỏ thép Nghị định 67/NĐ-CP cấp thiết cần phải được bổ sung để khắc phục vấn nạn trên.

Tại cuộc họp giữa các bên (cơ sở đóng tàu, UBND tỉnh, ngư dân) về tàu thép 67 Bình Định mới đây, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho rằng: Cần thuê đơn vị giám sát, đánh giá toàn bộ các tàu do 2 công ty đóng. Ai sai, phải chịu trách nhiệm.  

Đà Nẵng triển khai Nghị định 67 theo "cách riêng", ngư dân hết kêu tàu thép

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 47/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 về hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản trước khi Nghị định 67 ra đời. Cụ thể với Quyết định 47, ngư dân được hỗ trợ 500 triệu đồng với tàu từ 400-600CV, tàu từ 600-800CV được hỗ trợ 600 triệu đồng, tàu trên 800CV được hỗ trợ 800 triệu đồng, chia làm 2 đợt và lấy từ ngân sách thành phố cùng các nguồn vốn hợp pháp khác. Với Quyết định 47, ngư dân Đà Nẵng thoải mái hơn trong chủ động nguồn vốn (hỗ trợ sau đầu tư), thiết kế theo kinh nghiệm của mình. Riêng với Nghị định 67, Đà Nẵng hiện đã và đang đóng 7 tàu theo các mẫu quy định và gần như tất cả đều phải thay đổi thiết kế trước khi hạ thủy, chủ yếu là thay đổi về vỏ tàu. “Hiện chúng tôi chưa nhận được phản ánh gì của ngư dân về hư hỏng, sự cố trong khai thác các tàu 67 đã hạ thủy”, ông Tám nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.