Pháp đình

Vụ thu hồi đất bến xe Đức Trọng: Hiệp hội vận tải kiến nghị lên Thủ tướng

12/11/2020, 17:53

Việc đột ngột thu hồi đất tại Bến xe huyện Đức Trọng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải và đi lại của người dân.

img
Bến xe Đức Trọng vẫn đang hoạt động liên tục suốt hơn 10 năm qua

Ngày 12/11, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Lâm Đồng, doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã... đã ký và gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bến xe Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Lâm Đồng, năm 2008, Công ty Trường Sơn Xanh đã tham gia đầu tư vào bến xe tại huyện Đức Trọng. Sau đó, công ty được UBND tỉnh này chấp thuận cho thuê 4.345m2 đất trên Quốc lộ 20 (thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), thời hạn cho thuê là 50 năm. Nghĩa là tới ngày 10/08/2058 mới hết hạn để làm bến xe.

Bến xe huyện Đức Trọng được đánh giá là hoạt động hiệu quả, giúp ổn định tình hình an toàn giao thông và các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

Hiện nay, bến xe có 18 tuyến, bao gồm 39 phương tiện, số lượng phương tiện xuất bến khoảng 7 - 10 lượt xe/ngày, gồm 4 tuyến liên tỉnh (Đức Trọng - TP. HCM, Đức Trọng - Ninh Thuận, Đức Trọng - Đồng Nai, Đức Trọng - Đắk Nông) và 4 tuyến nội tỉnh (Đức Trọng - Đam Rông, Đức Trọng - Đà Lạt, Đức Trọng - Ma Bó, Đức Trọng - Tà Năng), hàng ngày vẫn có số lượng lớn xe ra vào bến.

Từ thực tế trên cho thấy, Bến xe Đức Trọng do Công ty Trường Sơn Xanh làm chủ đầu tư đã và đang thực hiện đúng chức năng đăng ký ban đầu; bến xe được đầu tư và sử dụng liên tục, không thuộc trường hợp bỏ hoang hay lãng phí.

Việc bến xe bị chuyển từ loại 3 xuống loại 5 là do thiếu diện tích chuẩn bến xe theo quy định của Bộ GTVT và phát sinh một số sai phạm trong xây dựng nhưng đã được Sở Xây dựng cấp phép điều chỉnh bổ sung, Công ty Trường Sơn Xanh đã nộp phạt theo quy định.

Kết luận Thanh tra số 03/2019-TT tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp khắc phục thiếu sót. Thế nhưng, ngày 16/9/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2009/QĐ-UBND về việc thu hồi đất đã cho Công ty TNHH Trường Sơn Xanh thuê khi chưa hết hạn.

Trên địa bàn huyện Đức Trọng đây lại là bến xe duy nhất đạt chuẩn bến xe khách. Nếu xoá sổ Bến xe huyện Đức Trọng chẳng khác nào đuổi các đơn vị vận tải và người dân ra đường tự tổ chức hoạt động vận tải. Điều này làm mất an ninh trật tự, ATGT và gây bát nháo hoạt động vận tải trên địa bàn. Vì vậy, Công ty TNHH Trường Sơn Xanh đã có đơn khởi kiện UBND tỉnh Lâm Đồng.

"Chúng tôi gồm một số doanh nghiệp, HTX vận tải (gọi tắt là đơn vị vận tải) đang khai thác vận tải hành khách bằng ô tô phục vụ cho nhân dân tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn cấp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân", đại diện công ty Trường Sơn Xanh nói.

Để nghị tỉnh Lâm Đồng huỷ Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 16/09/2020 về việc “Thu hồi đất đã cho Công ty TNHH Trường Sơn Xanh thuê. Đề nghị giữ lại Bến xe huyện Đức Trọng đã hoạt động ổn định chục năm nay, nhằm giúp các đơn vị vận tải tổ chức phục vụ tốt người dân nơi đây.

Mặt khác đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng xây dựng và công bố các điểm dừng đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn theo khoản 4 Điều 33 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ về Quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

"Việc UBND tỉnh Lâm Đồng đột ngột thu hồi đất tại Bến xe huyện Đức Trọng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải, đi lại của người dân địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp.

Kể từ năm 2008, khi được cấp giấy phép đầu tư, Công ty Trường Sơn Xanh đã bỏ kinh phí xây dựng các hạng mục liên quan đến việc vận chuyển hành khách và các dịch vụ đi kèm.

Vậy những người có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi phải bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp hiện đang hoạt động bình thường tại Bến xe huyện Đức Trọng", đơn kiến nghị nêu rõ.

Hiện TAND tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý vụ Công ty Trường Sơn Xanh kiện UBND tỉnh Lâm Đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.