Pháp đình

Vụ tiếp viên bị Mercedes tông: Chuyển nhượng tài sản để tránh bồi thường?

18/12/2020, 14:35

Tài xế Phong phải bồi thường cho 2 nạn nhân như thế nào khi tài sản duy nhất là căn nhà được Phong ký tên chuyển nhượng lúc đang bị tạm giam?

img

Nữ tiếp viên hàng không đi bằng nạng đến tòa

Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP.HCM vừa tuyên phạt tù 7 năm 6 tháng đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.

Bồi thường gần 1,5 tỷ nhưng tài sản đã sang nhượng

Ngoài bị TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi) còn bị buộc bồi thường hơn 400 triệu đồng cho gia đình ông Thường (tử vong) và hơn 1,4 tỷ đồng cho nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79% trong vụ tai nạn.

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong là người lái Mercedes sử dụng bằng lái xe giả, gây tai nạn làm ông Lê Mạnh Thường, tài xế Grabbike tử vong; nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường thương tật.

Vụ tai nạn xảy ra trên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận cách đây một năm, vừa được đưa ra xét xử.

Đáng chú ý là dù bị tuyên bồi thường như vậy nhưng bị cáo đã công chứng ký bán căn hộ chung cư cho mẹ ruột trong thời gian bị tạm giam và tài sản này đã được chuyển nhượng cho bên thứ 3.

Các luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị HĐXX xem xét, xử lý vì hành vi này có dấu hiệu tẩu tán tài sản để né bồi thường dân sự. Tuy nhiên, trong phần tuyên án, HĐXX đề nghị: Bị hại có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản trên bằng một vụ án dân sự khác.

img

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại phiên tòa.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Phong cho biết chỉ có tài sản là căn hộ chung cư mua với mẹ là bà Trần Hoàng Họa Mi, trong thời gian bị tạm giam đã ký công chứng bán, sang cho mẹ ruột nên không còn tài sản nào khác để bồi thường thiệt hại cho bị hại.

Phong khai, thời điểm ký giấy chuyển nhượng bị cáo đang bị tạm giam, có người ở phòng công chứng và cán bộ công an đến đưa giấy tờ cho bị cáo ký, bị cáo ký nhưng không rõ giấy tờ gì.

Tại tòa, bà Mi (mẹ của bị cáo Phong) trình bày với HĐXX, khi nghe khoản tiền bồi thường lớn, bà nghĩ mang căn nhà đi thế chấp ngân hàng để bồi thường, tuy nhiên, nhà chưa có sổ đỏ, không ngân hàng nào chấp nhận nên bà sang tên cho người khác.

Căn hộ được chuyển nhượng như thế nào trong lúc bị giam?

Theo hồ sơ mà PV thu thập được, ngày 18/6, bà Mi có đơn gởi đến Công an quận Phú Nhuận với nội dung xin gặp bị cáo Phong.

Trong đơn, bà Mi trình bày rằng bị cáo Phong là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng căn hộ A14-9 tại dự án Dream Home, quận Gò Vấp theo hợp đồng mua bán ngày 18/5/2015. Bị cáo Phong và bà Mi có nhu cầu công chứng chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trên cho bà Mi.

“Vì vậy, tôi làm đơn này kính xin Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận cho phép tôi và người đại diện Văn phòng công chứng (VPCC) Đồng Thị Hạnh, TP.HCM được gặp Phong để thực hiện các thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật”, trong đơn bà Mi nêu.

Đến ngày 22/6, văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ giữa bị cáo Phong và bà Mi được VPCC công chứng chứng nhận.

Giá trị chuyển nhượng hợp đồng giữa bị cáo Phong và mẹ ruột là 1.053.316.053 đồng (đã bao gồm khoản tiền mà bị cáo Phong đã thanh toán cho chủ đầu tư).

Bà Mi trả tiền này cho bị cáo Phong ngay sau khi văn bản chuyển nhượng được công chứng viên chứng nhận. Văn bản này được công chứng viên VPCC Đồng Thị Hạnh chứng nhận và có số công chứng.

Nói về vấn đề này, chị Lê Thường Vân (con ruột của ông Lê Mạnh Thường, tài xế Grabbike đã tử vong) chia sẻ với báo chí, việc bị cáo Phong nhanh chóng sang tên tài sản cho người khác khi đang bị tạm giam "là bất thường".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.