Hỏi - Đáp

Vụ tố cáo "cú lừa thế kỷ": Những tình huống pháp lý nào có thể xảy ra?

16/09/2022, 09:00

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, có thể xảy ra 2 tình huống. Một, tố cáo là thật; Hai, người đăng bài không đúng hoặc không hoàn toàn đúng.

Vụ việc một cô gái tên N.T.V.A. (27 tuổi, quê ở Bắc Giang) bị tố cáo có hành vi lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền lớn, với những màn kịch tinh vi, dù chưa rõ thực hư nhưng đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.

img

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, hành vi lừa đảo khác với hành vi gian dối.

Hành vi lừa đảo là đưa ra thủ đoạn gian dối khiến người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Còn lừa dối là hành vi làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không có yếu tố chiếm đoạt mà có thể chỉ gây thiệt hại.

Trong vụ việc tố cáo "cú lừa thế kỷ" nói trên, luật sư Cường cho rằng những nội dung trong bài đăng tố cáo hiện mới chỉ là thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng từ cơ quan chức năng nên chưa thể nhận định về hành vi của người bị tố cáo.

Để cơ quan chức năng có thể làm rõ vụ việc "cú lừa thế kỷ" này, người bị hại, nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng, đưa ra các tài liệu chứng cứ và phối hợp với các cơ quan chức năng để chứng minh mình là nạn nhân của vụ việc lừa đảo thì mới có căn cứ để xử lý.

Còn trường hợp trở thành nạn nhân bị lừa dối, bị chiếm đoạt tài sản nhưng không trình báo, không yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết cũng không có căn cứ để giải quyết.

Như trong sự việc trên, thông tin "bóc phốt" đưa lên mạng xã hội chưa được xác thực, cơ quan chức năng cũng chưa vào cuộc xác minh nên chưa thể kết luận được sự việc này là đúng hay không.

Theo nội dung đăng tải, chị L. cho biết gia đình mình không tố cáo, đã bỏ qua và không đề nghị cơ quan chức năng xem xét, việc đưa thông tin lên chỉ là có tính chất cảnh báo. Do đó, cơ quan chức năng sẽ không vào cuộc để xác minh đối với vụ việc này.

Trường hợp các nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ xem xét phân loại đơn. Nếu nội dung đơn và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo để tiến hành xác minh.

Trường hợp đơn thư trình bày về việc vay mượn tiền, vay mượn tài sản, chưa trả lại nhưng không có căn cứ cho thấy có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cũng không thụ lý tin báo.

Với những thông tin hiện có về vụ việc này, ông Cường cho rằng sẽ có thể xảy ra 2 tình huống: Một, những tố cáo là có thật; Hai, người đăng bài đăng tải thông tin không chính xác hoặc không hoàn toàn chính xác.

Đối với trường hợp tình huống tố cáo là có thật, thì theo luật sư Cường, những bị hại, nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng, nộp những tài liệu chứng cứ và phối hợp để chứng minh mình là nạn nhân.

Về khung hình phạt đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Cường trích dẫn Điều 174 Bộ luật Hình sự phân tích, hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể nhận án tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Với trường hợp người đăng bài đăng tải thông tin không chính xác hoặc không hoàn toàn chính xác, luật sư Cường cho hay, người bị tố cáo cũng cần phải có đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý nếu những thông tin cáo buộc là sai sự thật.

Tùy vào mức độ ảnh hưởng, hậu quả gây ra mà người đưa thông tin sai sự thật sẽ buộc phải gỡ bỏ bài đăng hoặc có thể bị xem xét xử lý về hành vi đưa thông tin không đúng sự thật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.