Chất lượng sống

Vụ xúc xích Vietfoods: Không xin lỗi, DN sẽ kiện QLTT

31/05/2016, 07:24
image

Vietfoods tính khởi kiện đòi lại sự công bằng trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất về công tác quản lý...

Hàng của Vietfoods bị trả về từ thị trường phải cấ

Theo Vietfoods, DN đã bị thiệt hại nặng nề vì thông tin sản phẩm xúc xích của họ bị thu hồi do có chất cấm. Ảnh: Lê Sơn

Chi cục QLTT Hà Nội nói gì?

Mới đây, cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) cho biết, sẽ xem xét khởi kiện Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội nếu cơ quan này không thừa nhận sai phạm trong việc ra quyết định tạm giữ hơn 1 tháng đối với 2,2 tấn xúc xích do Vietfoods sản xuất.

Đại diện Vietfoods cho rằng, DN đã bị thiệt hại nặng nề, sau khi Chi cục QLTT Hà Nội công bố thông tin sản phẩm xúc xích của họ có chứa chất gây ung thư. Cụ thể, cơ sở này đã phải nhận lại hơn chục tấn sản phẩm từ khách hàng, nhà máy phải ngừng hoạt động, hàng trăm công nhân nghỉ việc, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng... Trong khi đó, cơ sở này vẫn chưa nhận được lời xin lỗi từ Chi cục QLTT Hà Nội.

Sáng 30/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội (đơn vị kiểm tra, tạm giữ hơn 2,2 tấn xúc xích Vietfoods với lý do nghi vấn chứa chất cấm) cho biết: “Vụ việc này mới chỉ được phản ánh một chiều, còn nhiều nội dung khác chưa được đề cập tới”.

Tương tự, ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho hay: “Đây đã trở thành vụ việc lớn, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận và thông tin với báo chí. Hiện chúng tôi đang xin ý kiến của TP Hà Nội, Bộ Công thương, cần có tiếng nói chung để thống nhất quản lý. Tuy nhiên, tôi khẳng định lực lượng QLTT làm vì lợi ích của người dân, trách nhiệm với cộng đồng. Còn nếu chỉ vì quyền lợi của một số người, DN thì rất khó”.

Được biết, ngày 23/5, Chi cục QLTT Hà Nội đã ra quyết định trả lại lô hàng xúc xích bị tạm giữ do không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, trước đó, ngày 26/4, cũng chính cơ quan trên đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Vietfoods và công ty phân phối bởi lý do: “Sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp an toàn thực phẩm...”.

Quyết định trên dựa vào kết quả kiểm nghiệm xúc xích Vietfoods có chứa chất sodium nitrate với hàm lượng từ 55-100mg/kg. Theo danh mục chất phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, chất sodium nitrate là chất giữ màu, chất bảo quản, được phép sử dụng trong các sản phẩm pho mát, song lại không nói đến sản phẩm thịt, xúc xích. Vì vậy, Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng, xúc xích Vietfoods  không an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tới ngày 23/5, Bộ Y tế có công văn tham vấn gửi Chi cục QLTT Hà Nội khẳng định, Vietfoods không sai, các sản phẩm của cơ sở này an toàn cho người sử dụng.

Xem thêm video Nước tiểu cho biết gì về sức khỏe của bạn?

Không cấm cũng không cho phép?

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, liên quan tới vụ việc trên, Cục QLTT, Bộ Công thương đã gửi văn bản bao gồm câu hỏi về chất phụ gia sodium nitrate, sang Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, để có phương án thống nhất quản lý trên cả nước. Đại diện Cục ATTP cũng đã xác minh thông tin trên và cho biết, sẽ sớm gửi công văn trả lời.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết: Theo quy định, chất sodium nitrate (E251) nằm trong danh mục cho phép, chỉ được sử dụng trong pho mát. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 8, Thông tư Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP của Bộ Y tế ban hành năm 2012 nêu rõ: “Nếu như các chất phụ gia thực phẩm không có trong danh mục Việt Nam cho phép, nhưng được quốc tế cho sử dụng mà nước ta chưa kịp cập nhật thì Bộ Y tế sẽ xem xét”.

DN hoàn toàn có thể khởi kiện

Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng): Trong vụ việc thu hồi sản phẩm Vietfoods, Chi cục QLTT Hà Nội là cơ quan ra quyết định xử lý về mặt hành chính. Nếu Vietfoods có đủ cơ sở chứng minh quyết định hay hành vi xử lý trên là sai thì hoàn toàn có cơ sở khởi kiện Chi cục QLTT Hà Nội lên Tòa án các cấp có thẩm quyền tại TP Hà Nội.

Đồng thời, DN cũng có quyền yêu cầu Chi cục QLTT Hà Nội bồi thường thiệt hại với điều kiện phải thống kê cụ thể con số thiệt hại kể từ khi có quyết định thu hồi, hành vi thông tin gây bất lợi đối với sản phẩm của mình.

Theo ông Giang, đây chính là điều khoản “mở” để xử lý mọi tình huống cho những chất chưa nằm trong danh mục cho phép. “Điều khoản “mở” này xây dựng để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới như: Australia, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, EU… cho phép hàm lượng Sodium Nitrate trong sản phẩm thịt, xúc xích lên tới 500mg/kg, như vậy hàm lượng này trong sản phẩm Vietfoods chỉ 50-100mg/kg là an toàn", ông Giang phân tích.

Qua đây, ông Giang nhận định: “Ban đầu, Chi cục QLTT Hà Nội ra quyết định tạm dừng lưu thông là hợp lý. Song tạm dừng rồi phải tiếp thu, cập nhật các văn bản Nhà nước để có hướng giải quyết cho thật đúng, không nên bằng mệnh lệnh hành chính mà làm khó DN sản xuất kinh doanh". Theo ông Giang, để xác định trách nhiệm trong vụ việc này, Chi cục QLTT Hà Nội cần có tiếng nói giải thích...

Tuy nhiên, trước câu hỏi tại sao không đưa sodium nitrate vào danh mục chất được phép sử dụng trong thực phẩm, vị Phó cục trưởng lý giải: “Việc đưa một chất vào danh mục cho phép hay chất cấm cần có thời gian để chứng minh. Một quy trình ra văn bản rất khó khăn, phải xin ý kiến quá nhiều đơn vị. Do vậy, thời gian không cho phép nên mới xây dựng một điều khoản “mở” để đáp ứng hội nhập. Theo đó, nếu các nước khác (cùng tham gia WTO) được phép sử dụng hoạt chất này thì Việt Nam cũng không ngoại lệ".

Được biết, Thông tư Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP của Bộ Y tế đã có hiệu lực được 4 năm (từ năm 2012).

Không chỉ tại Hà Nội, chiều 23/4, Chi cục ATVSTP Nam Định cùng cơ quan chức năng đã kiểm tra cơ sở kinh doanh xúc xích tại địa chỉ 199 đường Vũ Hữu Lợi, phường Cửa Nam, TP Nam Định, phát hiện 1,5 tấn hàng hóa không có và thiếu hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trong đó có, 442 gói xúc xích nhãn hiệu Tokyo và Hồ Lô Vietfoods có dấu hiệu sử dụng phụ gia sodium nitrat (E251).

Toàn bộ số hàng hóa trên đã được các lực lượng chức năng tạm giữ để điều tra làm rõ. Đáng nói thông tin trên được đăng tải trong website chính thức của Cục ATTP. Tuy nhiên, khi trao đổi lại với PV ngày 30/5, đại diện Cục lại cho rằng, “có sự nhầm lẫn, sẽ cho sửa lại”?!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.