Xã hội

“Vua” siêu máy bơm chống ngập mất ăn, mất ngủ

01/10/2017, 11:05

“Nổ máy đi, quay liên tục, quay hết cỡ vào”, ông Cường ra hiệu cho kỹ thuật vận hành hệ thống bơm.

14

Ông Nguyễn Tăng Cường

Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung từng được biết đến với những biệt danh: Cường thép, Cường cẩu, Cường cầu… Và giờ đây, ông lại thêm biệt danh mới khi đã chế tạo siêu máy bơm thông minh chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM.

15 tiếng rút lại còn 15 phút

Sáng 26/9, chúng tôi đến khu vực máy bơm được Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đặt sát mép bờ sông của khu biệt thự Sài Gòn Pearl. Ông Nguyễn Tăng Cường tiếp chúng tôi khi mới từ miền Bắc trở vào. “Giờ thì cảm thấy thanh thản, bớt căng thẳng. Mấy hôm trước mất ăn mất ngủ. Tôi rất tự tin với công việc của mình nhưng nói thật cũng áp lực bởi sự kỳ vọng của người dân”, ông Cường chia sẻ.

Buổi trò chuyện nhiều lúc bị gián đoạn bởi liên tục những cuộc điện thoại của bạn bè, đồng nghiệp và cả lãnh đạo một số đơn vị gọi đến chúc mừng thành công bước đầu của ông với dự án ấp ủ 7 năm trời đem lại niềm vui sướng cho người dân Sài Gòn. “Nổ máy đi, quay liên tục, quay hết cỡ vào”, ông Cường ra hiệu cho kỹ thuật vận hành và chăm chú quan sát hệ thống bơm.

"Chúng tôi đã cam kết với thành phố và người dân, nếu làm không hiệu quả sẽ không lấy tiền. Ngoài việc bị mất tiền, chúng tôi còn bị mất uy tín, tôi làm để chứng minh công nghệ bởi chúng tôi là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Nếu không tự tin thì chúng tôi đã không làm."

Ông Nguyễn Tăng Cường

“Bạch, bạch, bạch….”, tiếng máy nổ giòn nhưng không quá ồn ào để ảnh hưởng đến cư dân xung quanh. Dòng nước từ hệ thống cống được hút và đẩy ra phía sông Sài Gòn. Điều đáng chú ý là miệng cống được thiết kế chìm dưới mặt nước nên dòng nước được đẩy ra nhẹ nhàng. Đứng trên bờ gần như không thấy nước được bơm ra và chịu mùi hôi của dòng nước cống.

Trước khi đẩy nước ra sông, hệ thống lọc rác đã lọc những chất thải để đùn lại thành từng cục, sau đó tách ra qua một đường ống để đẩy ra bên ngoài. Công nhân dùng cẩu để cẩu lên bờ thu gom. Như vậy, rác từ hệ thống cống đã được lọc ra mà không thải ra sông Sài Gòn. Vì trời không mưa nên máy chỉ chạy vài phút đã hút hết lượng nước trong hệ thống cống của cả một vùng rộng lớn dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh nên được tạm nghỉ.

Trước đó, vào ngày 19/9, TP.HCM có một trận mưa khá lớn, đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập 55cm dẫn đến ùn tắc, dân đi lại rất khổ sở. Hệ thống siêu máy bơm chạy trong 25 phút đã hút hết nước. Ngày 21/9, triều cường cũng khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập 57cm và hệ thống bơm này chỉ hoạt động 15 phút đã hết ngập.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đã ngập hơn chục năm nay. Nhưng mấy ai biết rằng, ở đây cũng có một máy bơm của Trung tâm chống ngập đặt sát bên cạnh máy của ông Cường để hút nước. “Nhưng cứ mỗi lần đường ngập, máy bơm này phải mất 15 tiếng đồng hồ mới hút hết nước, nhanh lắm cũng 7 tiếng. Giờ hệ thống của tôi chỉ hút chưa tới 15 phút đã cứu ngập cho toàn bộ khu vực 75ha này. Mọi người sẽ tự đánh giá hiệu quả như thế nào”, ông Cường nói.

15
Ông Nguyễn Tăng Cường luôn theo sát dự án siêu máy bơm chống ngập cho khu vực 75ha trên đường Nguyễn Hữu Cảnh trong nhiều tháng qua

Không thể cứ ngập lại nâng đường, thay cống

Đâu là căn nguyên ông dốc hết tâm lực cho siêu máy bơm này? Ông Cường chia sẻ: Tình trạng úng ngập tại TP.HCM diễn ra thường xuyên và kéo dài hàng chục năm qua. Nhiều dự án đã làm nhưng chưa thực sự hiệu quả. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, cốt nền của thành phố là +1,6m đến +1,65m. Trong khi mực thủy triều đạt +1,35m, tức chênh nhau chỉ 0,3m. Mỗi khi mưa kết hợp triều cường thì độ lệch áp rất nhỏ nên nước không thoát được dẫn đến ngập.

Tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đưa ra độ chênh áp đối với hệ thống cống là từ 0,1-0,3%. Tức cứ 1.000m chiều dài cống, độ chênh áp phải đạt thấp nhất 1m, trung bình 2m, tốt nhất 3m. Trong khi thực tế, độ chênh áp hệ thống cống tại TP chỉ đạt 0,3% so với tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng nên gần như cống không có độ dốc. Mỗi khi có mưa, triều cường nước cứ lờ đờ chứ không thoát ra được. “Nhiều người cứ thấy ngập rồi nâng đường, cống nhỏ thì thay cống. Đó là vòng luẩn quẩn. Cách chống ngập như vậy thiếu căn cơ, không khoa học mà gây nhiều hệ lụy cho đô thị, người dân”, ông Cường khẳng định.

Trong khi nguồn ngân sách khó khăn, mình phải tìm ra giải pháp tối ưu, tiết kiệm, vì vậy ông Cường nghĩ đến việc dùng bơm. Khi ông đưa ra ý tưởng, nhiều nhà khoa học phản biện rằng thành phố đã dùng bơm nhưng không hiệu quả. Rồi bơm của ông sản xuất trong nước liệu có bằng nhập khẩu? Nhưng ông vẫn kiên trì, thậm chí còn khẳng định “không hết ngập không lấy tiền”. Ông Cường và đội kỹ sư nghiên cứu ra một loại bơm đặc chủng riêng cho TP.HCM. “Cống của mình đang bé, tốc độ chảy lờ đờ. Tôi dùng bơm để làm cho chảy nhanh, gấp 2 lần đã tốt, gấp chục lần thì quá tốt. Cứ dựa vào nguyên lý đó mà tôi làm”, ông Cường nói.

Nhiều nhà chuyên môn tiếp tục phản biện rằng hệ thống cống là cống hở, liệu dùng bơm có bị hụt hơi (hay gọi là hở E)? Họ nói đúng, nhưng ông Cường đã lường trước và chế tạo loại bơm mà không khí vào vẫn bơm được. Khe hở của máy bơm lớn nên hút được bùn, rác để không bị kẹt. Máy bơm còn hút được rác, tách ra, tự động đùn lại, rồi vớt lên một cách nhẹ nhàng mà công nhân không phải chui xuống cống. Dưới hệ thống cống đặt một thiết bị tự động, khi mực nước lên khoảng 3/4 cống, hệ thống sẽ báo cho kỹ sư vận hành biết để khởi động máy bơm.

“Bơm này mỗi giờ tiêu thụ 160 lít dầu, tức khoảng 2,4 triệu đồng. Tôi tính mỗi năm khu vực này có khoảng 30 vụ ngập, như vậy chỉ tốn 72 triệu đồng cho máy bơm. Hai đợt vận hành thử vừa rồi đã cho thấy hiệu quả máy bơm của chúng tôi. Giờ mà đưa xuống cho khu vực quận 7, hoặc khu nào ngập do triều cường thì một phát ăn ngay”, ông Cường khảng khái nói.

Người thích làm những thứ "nặng ngàn cân"

Bỏ ra tới gần 88 tỷ đồng để làm máy bơm chống ngập cho TP.HCM, nhưng ông chủ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung lại khẳng định, mục đích chính không phải vì tiền mà chỉ muốn khẳng định thêm một giải pháp chống ngập hiệu quả. Bởi theo ông Cường, nếu đạt thỏa thuận cho thành phố thuê bơm với giá 12 tỷ đồng mỗi năm, thì số tiền ấy sau khi trừ chi phí nhân công vận hành, bảo dưỡng máy móc cũng sẽ không dư gì nhiều.

Trò chuyện một cách thân tình, chúng tôi còn được biết ông chủ của siêu máy bơm này là người đã từng tiên phong trong nhiều lĩnh vực khác và được bạn bè chiến hữu đặt những biệt danh thân thương như: “Vua cầu, vua thép, vua cẩu”. Những biệt danh này gắn liền với thành tích của ông như: Người đầu tiên chế tạo ra thép chịu nhiệt 1.300 độ C cung cấp cho Nhà máy xi măng Bỉm Sơn; Sản xuất ống gang dẫn axit cho Nhà máy lân Super Lâm Thao; Làm tàu rải ống ngoài khơi cho ngành Dầu khí… Những thứ ông Cường quyết làm cho bằng được là những thứ "nặng ngàn cân" bởi ông đánh đổi cả danh dự, uy tín của cá nhân và doanh nghiệp để bảo lãnh.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là làm chiếc cần cẩu sức nâng 1.200 tấn cho Thủy điện Sơn La. Ngày ấy, doanh nghiệp ông thắng thầu nhưng phải rất khó khăn mới được nhận việc, bởi nhiều cấp lãnh đạo hoài nghi về năng lực của doanh nghiệp trong nước và lo lắng cho sự an toàn của hàng triệu đồng bào vùng hạ lưu.

Ông Cường đã phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh năng lực sản phẩm do công ty mình sản xuất không thua kém nhập khẩu. “Tôi nói với mọi người rằng ở hạ nguồn cũng có cả vợ con, bạn bè, đồng bào tôi. Tôi lấy danh hiệu Anh hùng Lao động của công ty, của cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng năm 2000 ra đặt cược, lúc đó họ mới tin”.

Cuối cùng, hệ thống cần cẩu sức nâng 1.200 tấn của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã góp phần vào sự thành công của dự án Thủy điện Sơn La và được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.