Thị trường

Vui, buồn Tết của doanh nhân Việt

05/02/2019, 18:30

Sau một năm tất bật lo toan quản trị kinh doanh, những ông chủ doanh nghiệp chỉ mong đón Tết giản dị bình an, dành thời gian cho gia đình.

img
Ông Nguyễn Anh Quân và ông Trần Văn Lĩnh

Sau một năm tất bật lo toan quản trị kinh doanh, những ông chủ doanh nghiệp chỉ mong đón Tết giản dị bình an, dành thời gian cho gia đình. Song với họ, Tết chỉ thực sự an vui trọn vẹn khi cả doanh nghiệp và gia đình cùng sung túc, êm ấm…

Lỗ cũng phải lo thưởng Tết, chia cổ tức

Chiều muộn ngày cuối năm, xếp lại những tệp giấy tờ ngổn ngang trên bàn làm việc, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước chia sẻ: Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cận kề nhau nên công ty phải gấp rút hoàn thành rất nhiều việc, trong đó có chia thưởng cho công nhân và cổ tức cho cổ đông trước Tết để động viên các bộ phận sau một năm làm việc cật lực.

Là một trong những nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, ông chủ Thuận Phước nhận định, 2018 là năm không thuận lợi đối với ngành thủy sản xuất khẩu do ảnh hưởng bởi thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm nên sản lượng chế biến tôm giảm. Bên cạnh đó, số lượng lao động trong ngành năm nay cũng giảm mạnh do bị ngành du lịch và xuất khẩu lao động “hút” mất.

“Ngành xuất khẩu thủy sản năm nay còn phải đối mặt với khó khăn khi Mỹ đánh thuế chống bán phá giá cao và áp dụng nhiều hàng rào kỹ thuật như kiểm tra dư lượng kháng sinh, vi sinh nhiều hơn; hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường sang EU đến nay vẫn chưa hoàn tất và có hiệu lực. Trong bối cảnh này, để giữ được kim ngạch xuất khẩu như năm ngoái đòi hỏi nỗ lực của tất cả doanh nghiệp. Riêng Thuận Phước đi theo hướng sản xuất, chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và tìm thêm thị trường xuất khẩu có uy tín nên giảm bớt được ảnh hưởng từ Mỹ. Doanh thu của công ty năm nay dù thấp hơn năm trước nhưng vẫn giữ được ở mức tốt. Do đó, dự kiến mức thưởng Tết năm nay công nhân vẫn giữ được mức bằng năm ngoái, trung bình 12 triệu đồng/người. Công ty cũng cố gắng chia cổ tức cho cổ đông mức tương đương năm ngoái là 15%”, ông Lĩnh cho biết.

Là người đứng đầu DN chuyên dệt may xuất khẩu với hơn 15 nghìn lao động, thời gian nghỉ Tết của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên gần như không có. “Lịch nghỉ Tết ta không trùng với Tết tây do vậy thường có sự vênh nhau trong việc bố trí kế hoạch làm việc. Trong khi mình nghỉ thì họ vẫn đi làm bình thường, đặc biệt những đơn hàng đã ký với đối tác vẫn phải đảm bảo đúng tiến độ. Đây chính là bài toán buộc DN xuất khẩu trong nước phải tự cân đối sắp xếp hợp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Dương chia sẻ.

Càng cận Tết, công việc càng đổ về nhiều, trong đó việc tính toán doanh thu lợi nhuận cả năm và lên chiến lược kế hoạch sản xuất cho năm sau chiếm không ít thời gian của những vị lãnh đạo như ông Dương. “Tổng công ty có 14 đơn vị thành viên thì có tới 10 đơn vị trong năm 2018 làm ăn khá, doanh thu tăng từ 10-15%. Do vậy, chắc chắn mức thu nhập và thưởng Tết năm nay của người lao động tại các đơn vị này sẽ khá hơn năm trước. 4 đơn vị còn lại, mới đi vào hoạt động, năng suất lao động chưa cao, quản trị chưa thật tốt nên bị rơi vào tình cảnh thua lỗ. Tuy nhiên, dù có lỗ thì cũng vẫn phải lo trả lương thưởng nhằm động viên tinh thần, giữ chân người lao động”, lãnh đạo Tổng công ty may Hưng Yên cho hay.

img
Ông Trần Văn Long và ông Nguyễn Xuân Dương

Thăm gia đình, khai bút, làm thơ

Sau một năm bộn bề lo toan với công việc kinh doanh, vị Chủ tịch HĐQT Thuận Phước chia sẻ về kế hoạch nghỉ Tết vô cùng giản dị của mình: “Tôi sẽ dành vài hôm nghỉ Tết để sum họp với gia đình chứ không có ý định đi đâu xa. Mấy ngày Tết phải tranh thủ nghỉ ngơi để năm tới còn giải quyết câu chuyện lâu dài cho sản xuất kinh doanh của công ty. Chúng tôi chuẩn bị cho việc mở rộng vùng nuôi riêng từ 70ha mặt nước năm nay lên 150ha năm tới; Đồng thời, xây dựng thêm một phân xưởng trong miền Nam và tìm thêm một phân xưởng gia công nữa để có cơ sở nhận thêm nguồn nguyên liệu phục vụ những thời điểm hiếm nguyên liệu”.

Còn Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, dù đóng cửa phòng làm việc từ ngày 29 tháng Chạp song không có nghĩa công việc dừng lại. “Đời sống lao động trong ngành dệt may rất vất vả, có nhiều hoàn cảnh éo le. Do vậy, những ngày sát Tết, lãnh đạo công ty thường phân chia nhau đi thăm hỏi động viên những cán bộ nhân viên ở lại trực hoặc không có điều kiện về quê, hoặc đang phải điều trị tại bệnh viện. Sang năm mới lại đi chúc Tết, “xông đất” những đơn vị thành viên mở hàng; tổ chức một ngày khai xuân cho người lao động trước khi bắt tay trở lại công việc…”. Với lịch làm việc dày đặc, ông Dương bảo chỉ cần dành 2 ngày bên gia đình là đủ. “Tôi vẫn có thể đi thăm họ hàng, vẫn dành thời gian khai bút làm thơ để giải tỏa stress, cân bằng lại bản thân”, ông Dương chia sẻ.

Và những doanh nhân không có Tết!

Còn đối với ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 (đơn vị sáp nhập từ ba hãng taxi là Thành Công, Sao Hà Nội và Ba Sao), năm nay sẽ là cái Tết “sáp nhập” đầu tiên.

“Đây là Tết đầu tiên của taxi G7 nên công việc vẫn được đặt lên hàng đầu, Ban lãnh đạo công ty xác định ngoài lịch trực luân phiên vẫn phải trong tâm thế túc trực cao điểm. Tất nhiên sẽ cố gắng thu xếp được thời gian để anh em sum họp với gia đình, thăm hỏi họ hàng nội ngoại”.

Là người lăn xả trong ngành taxi ở Hà Nội hơn 20 năm, ông Quân cho biết hoạt động của ngành taxi trong 4 năm qua thay đổi rất nhiều bởi sự bùng nổ của KHCN khiến taxi truyền thống đối mặt với nhiều thách thức khi các đơn vị ứng dụng gọi xe của nước ngoài gia nhập thị trường, làm thay đổi quan điểm và dịch chuyển xu hướng tham gia của khách hàng. Dẫn tới các hãng taxi truyền thống bị sụt giảm doanh thu, giảm người lao động và số lượng xe. “Tốc độ giảm doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 15%, đã có đơn vị phá sản. Vì vậy, việc sáp nhập các hãng lại là điều tất yếu của các đơn vị taxi giai đoạn này. Sự ra đời của G7 cũng nhằm mục đích xây dựng chất lượng dịch vụ tốt của taxi chính thống, khắc phục những điểm yếu trước đây...”, ông Quân chia sẻ.

Việc ra đời G7 và sau đó là Liên minh taxi Việt những ngày cuối năm 2018, theo ông Quân đã tạo ra một mô hình mới giúp quản lý của cơ quan nhà nước gọn nhẹ hơn, giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp và chi phí của xã hội. Chia sẻ về khoảng thời gian kể từ thời điểm chính thức sáp nhập (đầu tháng 10/2018) tới nay, ông Quân với vai trò là Tổng giám đốc điều hành hơn 3.000 xe (lớn gấp 3 lần so với hãng taxi Thành Công trước đây ông từng điều hành) cho hay: “Công việc nhiều hơn nhưng mang lại hiệu quả, đời sống cán bộ công nhân viên tốt lên, khách hàng phản hồi tích cực cả về chất lượng dịch vụ và giá khi chúng tôi kiên quyết không tăng giá vào giờ cao điểm, có hệ thống kiểm soát giá... Chúng tôi cũng mừng khi mô hình mới vận hành nhưng đã được cơ quan ban ngành, nhất là Bộ GTVT ghi nhận nỗ lực”.

Tất bật hơn tất cả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt Trần Văn Long chia sẻ, ông chẳng bao giờ có Tết: “Những người làm nghề lữ hành như chúng tôi, dịp nghỉ lễ cũng chính là thời gian cao điểm. Nhân viên theo tour đã đành, song lãnh đạo cũng phải tập trung theo dõi sát sao để xử lý các sự cố phát sinh”. Làm việc thời công nghệ, ông Long cho hay những người chủ hãng lữ hành không nhất thiết phải ngồi một chỗ để điều hành. “Có thể đón giao thừa bên gia đình song tâm trí vẫn rối bời công việc và công việc. Thời gian nghỉ Tết của tôi nếu có chỉ có thể từ ngoài rằm trở ra mà thôi”, ông Long tâm sự. Người đứng đầu hãng du lịch này cũng không quên chia sẻ với nhân viên khi phải làm hết công suất trong những ngày Tết. “Hướng dẫn viên theo tour vào dịp nghỉ Tết rất tội, tuy nhiên đây là đặc thù nên họ phải xác định tâm lý ngay từ đầu. Bù lại, thu nhập trong dịp này cao gấp 200-300% so với ngày thường. Không những thế, mức thưởng Tết cũng được trả theo hiệu quả công việc nhằm động viên khích lệ anh em làm việc”, ông Long chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.