Thời sự

Vui Xuân rông dài: Doanh nghiệp “khát” lao động đầu năm

12/03/2015, 23:30

Nhân sự “nhảy việc”, mải vui hội hè sau Tết khiến các doanh nghiệp “đau đầu” với bài toán tuyển lao động.

Một công ty tại KCN Bình Dương tuyển số lượng lớn,

Một công ty tại KCN Bình Dương tuyển số lượng lớn, phúc lợi ưu đãi nhưng lao động tìm đến chỉ lèo tèo - ảnh: Đình Dân

Bảng tuyển dụng treo khắp nơi

Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2015 tới nay, tại hầu hết các KCN ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, các bảng tuyển dụng lao động được treo khắp nơi. Tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), các thông báo tuyển dụng đều ghi rõ: Cần số lượng nhân sự lớn, như Công ty Linh kiện điện tử SEI Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng 1.500 công nhân nữ vào làm việc trong nhà máy chuyên sản xuất và kinh doanh bảng vi mạch dẻo với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Denso Việt Nam tuyển dụng công nhân sản xuất với số lượng không hạn chế;  Công ty TNHH Panasonic Việt Nam tuyển 200 nữ công nhân lắp ráp thời vụ với thời gian làm 8h/ngày; Công ty TNHH Ryonan Electric Việt Nam tuyển dụng công nhân thời vụ ba tháng để chuẩn bị đưa dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng (chưa tính thêm phụ cấp)… 

Tại Thái Nguyên, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên có kế hoạch tuyển dụng tới 10 nghìn lao động phổ thông làm việc ở vị trí sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và điện thoại di động cho nhà máy mới. 

Tại Đồng Nai, trước cổng hầu hết các công ty ở KCN Amata, Biên Hòa 2, Long Thành (huyện Long Thành), Hố Nai, Bàu Xéo (huyện Trảng Bom)… đều có những thông báo tuyển dụng từ vài chục đến hàng trăm lao động. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như Tổng công ty May Đồng Nai (tuyển trên 2 nghìn người), Công ty Fashion Garments 2 (KCN Biên Hòa 1) cần 500 lao động…

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho biết, việc thiếu lao động sau Tết gần như đã trở thành “căn bệnh” của ngành. Năm nay, tỷ lệ thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp phổ biến ở mức 5-10%, cao hơn so với năm ngoái 3-4%. 

Người Bắc vào Nam làm công nhân giảm dần

Những năm gần đây, các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM quy hoạch xây dựng các KCX, KCN với số lượng lớn. Thực tế cho thấy, hầu hết công nhân làm việc trong các KCX, KCN này di cư từ phía Bắc vào. Tuy nhiên, theo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đồng Nai, 2-3 năm nay, số lao động nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai đã giảm mạnh so với trước. Vì vậy, những doanh nghiệp ở đây phải đối mặt ngày càng nhiều với việc thiếu lao động.

"Về lâu dài, việc quy hoạch, xây dựng các KCX, KCN cần sự khảo sát về khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương thì mới không “đẩy” doanh nghiệp phải đối mặt với câu chuyện khan hiếm lao động khó có giải pháp tháo gỡ”.

Ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCX - KCN TP HCM

Do các KCX, KCN “mọc” lên nhanh, nhưng không dựa trên nguồn lao động sẵn có ở địa phương mà chủ yếu dựa vào lao động nhập cư, nên tình trạng lao động khan hiếm sẽ khó giải quyết dứt điểm trong 1-2 năm tới. Ví dụ như năm 2015, riêng 427 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai báo cáo nhu cầu tuyển gần 48 nghìn lao động nhưng chưa nhìn thấy nguồn đâu để tuyển trong bối cảnh lao động di cư ngày càng ít đi. 

“Lý do khiến lao động di cư ít đi là vì tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung giờ cũng có các KCN, người lao động chọn làm công nhân gần nhà mà không “ly hương” nữa”, ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCX, KCN TP HCM nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp tại TP HCM ít căng thẳng hơn với việc thiếu hụt lao động sau Tết so với các KCX, KCN của các địa phương lân cận là do những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn thường tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết cùng với nhiều chế độ đãi ngộ tốt nên người lao động đã quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.