Xã hội

Cuộc sống người "nổi tiếng bất đắc dĩ" Đoàn Văn Vươn giờ ra sao?

21/11/2021, 06:41

Từng "nổi tiếng" bất đắc dĩ trong vụ án án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng), nay ông Đoàn Văn Vươn đang đầu tư chăn nuôi vịt biển.

Sau hơn ba năm rưỡi ngồi tù, ông cùng người em trai là Đoàn Văn Quý đã nỗ lực lao động để kiếm tiền trả nợ, nuôi các con ăn học thành người. Thương hiệu “Vươn vịt biển” giờ đây cũng đã trở nên thân quen với rất nhiều người.

img

Ông Đoàn Văn Vươn giờ đây được nhiều người biết đến với thương hiệu “Vươn vịt biển”

“Ngã đâu đứng dậy đó”

Những ngày cuối tháng 11/2021, PV Báo Giao thông về với khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Khu đầm yên ắng, thanh bình, rợp bóng cây xanh và gió lộng. Tiếng vịt biển quang quác đòi ăn khi thấy người đến gần đã phá vỡ không gian thinh lặng nơi này.

Ông Vươn mặc quần đùi, chân xỏ ủng, luôn tay làm, hết việc dưới đầm lại lên rửa chuồng trại, lo thức ăn cho bầy gia cầm, gia súc. Ở tuổi lục tuần, song nom ông vẫn khoẻ khoắn, linh hoạt.

Ông Đoàn Văn Vươn cho biết, mỗi con vịt biển có trọng lượng từ 2,5kg, cung cấp đến khách hàng có giá là 250.000 đồng. “Nếu tính chi phí để chăn nuôi thì với giá bán như vậy trong thời điểm này là không có lãi, bởi giá các loại thức ăn chăn nuôi hiện nay rất cao. Thế nhưng, vì thương hiệu và giữ mối với khách nên tôi vẫn giữ giá bán như vậy”, ông Vươn nói.
Cũng theo ông Vươn, trước đây khi dịch bệnh chưa xảy ra, mỗi đàn vịt cũng có lãi vài chục triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống. Nhưng từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống của gia đình cũng bị ảnh hưởng nhiều, bởi nguồn thu chủ yếu của cả nhà là từ đàn vịt biển.
“Nhiều nhà hàng ngừng hoạt động nên đầu mối lấy vịt cũng không còn. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng, nhiều đầu mối giao hàng hiện phải tạm ngừng do dịch. Tôi cũng hiểu đây là khó khăn chung chứ không phải của riêng mình”, ông Vươn chia sẻ.

“Nhà bốn miệng ăn trông chờ cả vào “ông già” và đàn vịt này”, ông Vươn nói vui, kể về hai người con, một đang học đại học, một vừa ra trường nhưng chưa xin được việc làm.

Nhìn khuôn mặt tươi cười và khung cảnh thanh bình, đầm ấm trong căn nhà nhỏ ấy, chúng tôi biết ký ức của câu chuyện sóng gió gần 10 năm trước với ông đã trôi qua.

Ông Vươn bảo: “Những việc trái với quy định pháp luật, phải trả giá bằng thời gian chấp hành án, gia đình cũng phải đối diện với nhiều khó khăn vất vả, nên đến bây giờ cũng thấm. Chỉ mong rằng ổn định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, các con được học hành, có công ăn việc làm tử tế, vậy là vui”.

Bao nhiêu năm qua, cuộc sống của ông Vươn và cả gia đình vẫn gắn bó chặt với mảnh đất nơi bãi bồi này. Ông vẫn nhớ, sau khi chấp hành án trở về, cảnh tượng vùng đầm hoang tàn, hàng trăm cây ăn quả, hàng ngàn cây chuối già cỗi không người chăm sóc, cây cỏ um tùm, ngay cả con đường từ trên đê về dưới nhà đầm cỏ móc chắn cả lối đi.

Xác định “ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”, ông Vươn xắn tay vào, làm cật lực ngày đêm để cải tạo, dọn dẹp khu đầm, rồi mày mò tìm cách trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả.

“Tôi nghĩ, cuộc sống càng phát triển càng cần những sản phẩm sạch để phục vụ bà con nhân dân và tôi đã chọn vịt biển, là loài có khả năng chịu được nước mặn để nuôi”, ông Vươn cho hay.

Nhớ lại ngày đó, ông Vươn không quên được những ân tình của những bà con xóm giềng, thậm chí cả người xa lạ đã giúp mình gây dựng lại sau vấp ngã. Như anh Nguyễn Việt Hồng, ở Phú Quốc, Kiên Giang đã tặng cho ông 100 con giống để nuôi thử. Tuy nhiên, lần nuôi đó chưa có kinh nghiệm nên không thành công.

Ông Vươn lại mày mò nghiên cứu, tự làm thức ăn cho đàn vịt biển với đầy đủ các chất dinh dưỡng là thức ăn có sẵn trong tự nhiên và các nguyên liệu khác, giúp con vịt phát triển nhanh hơn, kháng thể tốt hơn, chịu đựng được các điều kiện chăn nuôi ở đây và đặc biệt là cho ra sản phẩm sạch, thịt thơm ngon, không bị hôi như những giống vịt thông thường.

“Sau khi thấy những con vịt đầu tiên phát triển tốt, khả năng thích nghi cao, tôi bắt đầu khởi nghiệp từ đàn vịt với 1.000 con, rồi cứ thế nhân lên. Tôi đã đi đăng ký thương hiệu và phát triển thương mại. Giờ người ta gọi tôi là Vươn “vịt biển”, ông Vươn vui vẻ kể.

Bình yên sau biến cố

img

Khu đầm Cống Rộc, nơi xảy ra biến cố khiến hai anh em ông Đoàn Văn Vươn phải đi tù

Trải qua những ngày sóng gió, phải chấp hành án phạt tù vì những sai lầm, nhưng điều khiến ai gặp ông Vươn cũng nể phục bởi sự bình thản và tâm thái an nhiên.

Suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi nhận thấy ông Vươn đều tràn đầy vui vẻ và lạc quan.

Ông kể, trong các năm 2016 - 2018, trang trại vịt sạch của gia đình ông luôn luôn có từ 6.000-7.000 con vịt đủ chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Còn hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà hàng quán ăn đóng cửa, việc tiêu dùng của bà con cũng hạn chế hơn nên đàn vịt nuôi chỉ khoảng hơn 2.000 con các loại.

Nhưng không vì thế mà Vươn “vịt biển” nản chí. Cứ khoảng 4h sáng mỗi ngày, vợ chồng ông đều dậy sớm để vận chuyển vịt lên gửi xe khách giao cho các nhà hàng ở Hà Nội, Sơn La, Ninh Bình…

img

Đàn vịt biển của ông Đoàn Văn Vươn

“Nếu một con vịt nuôi cám công nghiệp thì sau 55 ngày có thể xuất chuồng được, nhưng nếu nuôi theo công nghệ vịt biển sạch, phải 4-5 tháng mới có thể xuất chuồng. Dù khó khăn vất vả nhưng tôi vẫn kiên trì bám trụ với mục tiêu đưa được sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường”, ông Vươn chia sẻ.

Ngoài vịt biển, gia đình ông Vươn cùng ông Đoàn Văn Quý - em trai ông Vươn cùng cải tạo đầm áng, trồng thêm sả, thả cá, nuôi lợn gà. Ông Vươn tâm sự: “Chúng tôi mong muốn tận dụng từng mét đất, từng vùng nước của khu đầm để tạo nên hiệu quả kinh tế cao nhất, bù đắp cho những năm tháng ngồi tù”.

Điểm lại diễn biến chính trong vụ án Đoàn Văn Vươn

- Năm 1993, ông Đoàn Văn Vươn (SN 1963) trú tại thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng được UBND huyện Tiên Lãng giao cho 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển thuộc xã Vinh Quang, Tiên Lãng để nuôi trồng thủy sản, trong thời hạn 14 năm…

- Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định cưỡng chế diện tích đất kể trên và đưa ra kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham gia cưỡng chế.

- Ngày 5/1/2012, lực lượng cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng với sự tham gia của cả trăm cảnh sát cơ động đã được huy động để cưỡng chế thu hồi đất. Tại đây, anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn đã nổ súng chống đối lại lực lượng cưỡng chế khiến 6 cán bộ tham gia lực lượng cưỡng chế bị thương.

- Ngay sau đó, hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã bị bắt, đầu thú, bị khởi tố tội Giết người và chống người thi hành công vụ.

- Ngày 10/2/2012, Thủ tướng Chính phủ sau khi nghe báo cáo toàn bộ sự việc đã kết luận việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Vươn là trái luật. Nhiều quan chức huyện Tiên Lãng sau đó bị khởi tố, cách chức, chuyển công tác vì liên quan đến vụ việc này.

- Ngày 30/7/2013, TAND Tối cao tuyên phạt Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý mỗi người 5 năm tù giam. Một số người liên quan đến vụ việc như vợ, con, anh, em họ cũng bị tuyên án tù án treo đến 33 tháng tù giam.

- Ngày 31/8/2015, anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý được đặc xá tha tù trước thời hạn theo quyết định của Chủ tịch nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.