Y tế

Vướng dịch Covid-19, kho dự trữ máu cạn kiệt

07/09/2020, 08:29

Tại nhiều địa phương tình hình dự trữ máu đang ở mức báo động nghiêm trọng, nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu để điều trị cho bệnh nhân.

img
Hai bệnh nhi mắc tan máu bẩm sinh phải vượt tuyến để được truyền máu

Vượt tuyến vì không thể đợi

Mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh từ khi mới chào đời, tháng nào cô bé Ma Thị Hoàn (9 tuổi, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) cũng phải đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chiêm Hóa để truyền máu. Nhưng tháng này do dịch bệnh, bệnh viện huyện đã cạn kiệt máu, nên bệnh nhân buộc phải chờ mà chưa biết khi nào đến lượt.

Chẳng thể gắng gượng nổi vì cơ thể suy yếu, mệt mỏi vì thiếu máu, gia đình đã phải đưa cô bé vượt gần 300km lên Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư tại Hà Nội với hy vọng sẽ có máu truyền.

Tương tự, bệnh nhi Lò Đức Thắng, mới hơn 7 tháng tuổi, nhà ở huyện miền núi Thuận Châu, tỉnh Sơn La được gia đình đưa lên điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. Mẹ bé Thắng cho hay: “Tôi cũng muốn cho con điều trị ở gần nhà nhưng đợi hơn 1 tuần rồi, bệnh viện tỉnh vẫn chưa có máu, không dám chờ đợi lâu hơn nên đành bắt xe đi suốt một đêm đưa con đến Viện để mong sao con kịp truyền máu”.

Một trường hợp khác, sau những ngày “cầm cự” điều trị, chị Nguyễn Thị N. (Hà Nội) phải mổ lấy thai gấp. Em bé đã chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình nhưng tiểu cầu của chị vẫn ở mức rất thấp, tiếp tục trông chờ vào nguồn máu hiến của cộng đồng.

Trước đó, chị N. đã mang thai đến tuần thứ 36 nhưng tiểu cầu chỉ còn 5g/l, trong khi giới hạn bình thường là 150 - 400 g/l. Cách đây 3 tháng chị đã phải nhập viện để truyền khối tiểu cầu, có xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng…

Đang mang thai ở tuần thứ 34, chị Trần Thị T. phải nhập viện gấp tại Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư vì thiếu máu, tiểu cầu giảm sâu. Chị T. được chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu từ năm 2019, nhưng khi mang thai thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Chị T. cũng đối mặt với nhiều nguy cơ: Thiếu máu nuôi dưỡng thai, khả năng xuất huyết cao do giảm tiểu cầu.

Với bất cứ ai, việc tiểu cầu giảm sâu đều nguy hiểm (có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não…), nhưng với phụ nữ mang thai thì còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Sức khỏe của mẹ con chị T. đều phụ thuộc vào việc truyền máu… trong khi nguồn máu luôn khan hiếm.

Báo động thiếu máu tại nhiều nơi

Dịch Covid-19 đã khiến “cơn bão” thiếu máu lan rộng ra nhiều tỉnh, thành. Không chỉ ở Tuyên Quang, Sơn La, Thanh Hóa… mà ngay tại Hà Nội lượng máu dự trữ cũng đang sụt giảm nghiêm trọng.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng máu, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư cho biết, hiện kho dự trữ máu đủ cầm cự cho công tác điều trị và hỗ trợ cầm chừng với các trường hợp cần máu khẩn cấp.

Tuy nhiên, nếu hoạt động hiến máu tiếp tục ngưng trệ thì nguy cơ thiếu máu là hiện hữu. Hiện Ngân hàng cũng đã nhận được công văn “cầu cứu” từ địa phương đang trong tình trạng thiếu trầm trọng như: Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An…

Nói về tình hình dự trữ máu tại địa bàn Thanh Hóa, BS. Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học & Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho hay: “Với con số 260 đơn vị máu đang có trong kho dự trữ hiện nay, chỉ đủ duy trì 2 - 4 ngày, trong khi theo lịch đến ngày 8/9, mới có đợt hiến máu tiếp theo”.

Được biết, ngoài 100 bệnh nhân mắc bệnh lý máu cần truyền máu thường xuyên, 400 bệnh nhân thận, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa còn tiếp nhận rất nhiều ca bệnh cấp cứu ngoại khoa khác. Do đó, trung bình mỗi ngày, bệnh viện cung cấp 100 đơn vị máu, có ngày cao điểm lên tới gần 600 đơn vị máu để cứu chữa cho bệnh nhân.

“Với tình hình hiện nay thì chỉ cần vài bệnh nhân cùng cấp cứu một lúc thì kho máu cạn kiệt và những bệnh nhân sau không còn cơ hội… Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên rất nhiều kế hoạch hiến máu đã hoãn lại ở phút chót”, ông Thạch cho hay.

Giải pháp tình thế hiện nay đang được Thanh Hóa thực hiện là với các bệnh nhân nặng sẽ được truyền máu cầm chừng để duy trì; đồng thời, huy động người nhà bệnh nhân và vận động các đơn vị trên địa bàn tham gia hiến máu tình nguyện khẩn cấp.

Tình trạng này cũng tương tư ở Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Ths. BS. Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng đơn vị truyền máu, Trung tâm Huyết học, Bệnh viện tỉnh Phú Thọ cho hay, hiện Bệnh viện đang quản lý, điều trị cho khoảng 900 bệnh nhân tan máu, đông máu và bệnh lý máu khác, song tình hình thiếu máu ở giai đoạn này đang rất trầm trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.