Y tế

Vượt 60km, từ Hòa Bình người phụ nữ hàng tháng về Hà Nội hiến tiểu cầu

15/01/2022, 16:21

Nhờ có lượng tiểu cầu hiến tự nguyện nên cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng tiểu cầu cấp cứu, điều trị bệnh nhân của gần 180 bệnh viện phía Bắc.

"Mình còn sức khỏe là còn hiến"

Có mặt lại lễ tôn vinh người hiến tiểu cầu năm 2022 do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức vào ngày 15/1, chị Trịnh Thị Hồng Thu (sinh năm 1975, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết: Trong năm qua, không tính các lần hiến máu tình nguyện chị đã tham gia hiến tiểu cầu 12 lần. Mỗi lần đi hiến tiểu cầu là một lần chị vượt hơn 60km đường từ Hòa Bình về Viện Huyết học.

img

Tri ân những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2022

“Tham gia hiến máu thì từ năm 2000, nhưng hiến tiểu cầu thì 6 năm trở lại đây. Cứ đủ “cữ” 21 là mình thu xếp về Viện để hiến tiểu cầu, trừ trường hợp bận bất khả kháng. Cứ "một mình một ngựa", mình tranh thủ ngày cuối tuần là đi hiến. Có đợt giãn cách vì dịch bệnh, đi lại khó khăn, để qua chốt mình phải đưa giấy hiến máu họ mới cho đi. Với mình còn sức khỏe là còn hiến, vì ngoài kia rất nhiều người bệnh duy trì sự sống đều trông chờ vào những đơn vị máu, đơn vị tiểu cầu hiến tặng”, chị Thu cho biết.

Theo lời chị Thu, cứ mỗi lần đến lịch hiến máu hay tiểu cầu, trước đó mọi lời mời mọc, tiệc tùng chị đều gác sang một bên, chị dành sức khỏe tốt để có được những đơn vị tiểu cầu tốt nhất. “Có một lần duy nhất xuống đây hiến tiểu cầu mà bất thành vì đêm trước khi đi mình mất ngủ do gia đình có việc riêng nên chất lượng tiểu cầu không đạt. Thế mà suốt chặng đường về cứ buồn mãi, vài ngày sau sức khỏe ổn là mình lại đi hiến tiểu cầu”, chị Thu tâm sự.

Cũng có “thâm niên” hiến máu và hiến tiểu cầu, anh Huỳnh Hiểu Bình (1979, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhẩm tính: “Nhanh quá, đã 23 năm tham gia hiến máu và 13 năm hiến tiểu cầu tình nguyện. Chỉ tính riêng năm 2021 mình đã 14 lần đi hiến tiểu cầu”. Nếu ban đầu chỉ tham gia phong trào, thì bắt đầu từ lần bố anh nằm viện, cần truyền máu, anh Bình hiểu rằng “những đơn vị máu, đơn vị tiểu cầu vô cùng quan trọng với bao người bệnh”. Và anh Bình cho biết thêm, trong gia đình cũng chính chị gái anh là người truyền cảm hứng cho anh cùng nhiều người thân trong gia đình, coi việc hiến tặng máu, tiểu cầu như 1 phần trách nhiệm của mình với xã hội với những người bệnh kém may mắn hơn.

Đặc biệt nhận được sự chú ý của ngày hội tri ân là chú Trần Văn Toan (bộ đội Trường Sa đã nghỉ hưu, trú tại Mê Linh, Hà Nội). Nhiều năm xa nhà, đã đi thực hiện nhiệm vụ từ Lào Cai, Hà Tiên, ra cả quần đảo Trường Sa, chú Toan kể, nhiều khi xem tivi thấy có những gia đình có con không may mắc bệnh về máu phải lặn lội về Hà Nội để chờ có được máu điều trị rất thương. Vì thế, khi còn sức khỏe chú nghĩ cần phải góp phần sức nhỏ bé của mình.

Nhà tại Mê Linh, cách viện 18 km nhưng cứ trung bình một tháng, chú lại đến viện hiến tiểu cầu. Đến nay, chú đã hiến tiểu cầu 17 lần và vợ chú hiến 14 lần. Con trai út 18 tuổi Trần Văn Trường cũng lần đầu tiên theo bố tham gia hiến máu sáng 15/1.

23 năm được bà xã hậu thuẫn để làm tốt nhiệm vụ người lính. Giờ bà xã tiếp tục cùng đồng hành trong hành trình hiến máu và hiến tiểu cầu và thấy sức khỏe cả hai vợ chồng đều tốt là điều hạnh phúc với một người lính đã nghỉ hưu như chú .

img

“Giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng”

Tri ân những người hiến tiểu cầu

TS.BS. Trần Ngọc Quế, Phụ trách Trung tâm Máu Quốc gia, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã lây lan mạnh trong cộng đồng làm ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt có thời điểm có đến 19 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam và Thủ đô Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội. Ngành y tế cả nước vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh đồng thời phải đảm bảo đủ lượng máu và các chế phẩm máu phục vụ cho điều trị.

“Vào những thời điểm khó khăn nhất, vất vả nhất khi thiếu nguồn người hiến máu, Viện luôn nhận được sự đồng hành “kề vai sát cánh” của người hiến tình nguyện”, ông Quế nhấn mạnh

Khác với các thành phần máu khác, tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng người bệnh.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 – 5 ngày). Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 - 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường.

Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, các Trung tâm Máu lớn đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2-3 tuần là có thể hiến nhắc lại.

Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến đã được triển khai từ năm 2000 với số lượng chỉ 10 đến vài chục đơn vị tiểu cầu tiếp nhận được mỗi năm.

Trong giai đoạn 2000 - 2010, Viện chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị tiểu cầu gạn tách, con số này ở giai đoạn 2010 - 2020 là 222.187 đơn vị (tăng gấp 20 lần so với 10 năm trước đó).

Riêng năm 2021, Viện đã điều chế được 41.267 đơn vị tiểu cầu, được tiếp nhận từ 33.314 lượt người hiến. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và người hiến tiểu cầu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn.

Nhờ có lượng tiểu cầu hiến tự nguyện nên Viện Huyết học đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh/TP khu vực phía Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.