Hạ tầng

Vượt khó xây cầu trên dòng sông lịch sử

21/03/2016, 07:59

Hàng trăm công nhân trên công trường xây dựng cầu Bạch Đằng đã vượt khó, miệt mài làm việc....

thi công cầu Bạch Đằng
Công nhân Công ty CP Đầu tư xây dựng và lắp máy Trung Nam hàn rọ thép để làm cọc nhồi. Ảnh: Xuân Nguyên

Vượt khó vì tiến độ công trình

Rời đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rẽ vào khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến khu vực công trường xây dựng cầu Bạch Đằng. Lầy lội, ngổn ngang, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về công trường. Trên bờ, chỗ này là các bản bê tông chất cao ngất, chỗ kia là máy cẩu, máy xúc đang “đánh vật” với lớp đất nhão. Xa xa ngoài sông trong màn sương và mưa bụi, máy khoan nhồi đang ầm ì trên sà lan...

Ấy là vì mấy hôm nay, thời tiết đỏng đảnh, vừa có cái lạnh còn sót lại của mùa đông, vừa có cái nồm ẩm của mùa xuân. Mưa phùn giăng khắp nơi, đâu cũng chỉ thấy ẩm ướt. Chỉ khổ cho anh em công nhân. Cả công trường ngổn ngang vật tư, vật liệu, thiết bị thi công như trên bãi bùn lầy. “Nền đất dính nước mưa nhớp nháp, đi lại trơn trượt nên anh em càng phải cẩn thận trong lúc làm việc, tránh mất an toàn”, ông Phạm Đình Văn, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01 do Công ty CP Đầu tư và XDGT Phương Thành thi công cho biết.

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến thuộc tuyến nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bắc qua sông Bạch Đằng.

Dự án được đầu tư theo hình thức BOT do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Liên danh Cái Mép - Phúc Lộc - Cường Thịnh Thi - Phương Thành - Công Thành - Cienco1 - Trung Nam và Tập đoàn SE Nhật Bản là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 7.277 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án là 5,411 km.

“Mưa chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là công trình thi công phức tạp, kỹ thuật cao, áp lực về tiến độ nhưng điều kiện thi công rất khó khăn”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chỉ huy trưởng Công ty CP Đầu tư xây dựng và lắp máy Trung Nam - đơn vị thi công các gói thầu chính XL04, XL05 chia sẻ. Vị trí thi công trụ tháp nằm ngay ngã ba sông, lưu lượng tàu bè qua lại lớn nên phải đảm bảo an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, thủy văn thay đổi liên tục, nước chảy siết, rồi thủy triều lên xuống, rất khó khăn trong di chuyển thiết bị nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Như vị trí trụ tháp T30 gần bờ, khi nước rút, sà lan mắc cạn, khó di chuyển để khoan hay chở thiết bị thi công.

Để đảm bảo tiến độ, các đơn vị thi công đều tập trung lượng lớn nhân công, thiết bị trên công trường. Nhưng như vậy có nghĩa là phải giải quyết được bài toán nơi ăn chốn ở cũng như điều kiện làm việc cho người lao động. “Riêng công ty chúng tôi đang tập trung hơn 200 CBCNV trên công trường. Vì vậy, Công ty phải đảm bảo điều kiện ăn ở, làm việc cho anh em tốt nhất có thể như ăn thì có bếp ăn tập thể, ngủ có điều hòa, tắm có bình nóng lạnh, thậm chí có cả máy giặt. Phải quan tâm anh em, có thế anh em mới yên tâm làm việc”, ông Văn cho biết.

Cũng theo ông Văn, về thu nhập, anh em nào làm đủ công, thấp nhất cũng được 8-9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu có sáng kiến hay thực hiện công việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí sẽ được công ty khen thưởng kịp thời.

Anh Dương Văn Chí, thợ hàn Công ty Trung Nam, vừa miệt mài hàn những mối nối của rọ thép để làm cọc khoan nhồi vừa chia sẻ: “Công việc tuy không có gì căng thẳng nhưng phức tạp, đòi hỏi phải chính xác cao. Mặt bằng thi công chật hẹp, vật tư, thiết bị lớn nên khó khăn trong di chuyển. Như đoạn rọ thép để làm cọc nhồi, cả chục người chúng tôi phải hàn mất hai ngày, xong nối lại với nhau để được rọ dài khoảng 60m.

Lúc đó mới cẩu xuống sà lan để đưa ra thi công ở trên sông”. Thợ điện Phan Phú Thuận phấn khởi: “Vất vả nhưng anh em chúng tôi được lo đầy đủ về điều kiện làm việc, ăn ở, rồi cả trang bị bảo hộ lao động nên yên tâm, cố gắng khắc phục khó khăn, làm việc tốt. Thu nhập cũng được từ 8 triệu đồng trở lên...”.

An toàn là trên hết

Ông Hoàng Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết, khởi công từ ngày 25/1/2015 đến nay, công trình tập trung số lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân gần 900 người cùng khối lượng máy móc khổng lồ, trong khi đó mặt bằng công trường chật hẹp, thời gian thi công ngắn, tiến độ gấp. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn mọi mặt, nhất là an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu.

Dự án cầu Bạch Đằng được thực hiện ở ngã ba giao giữa sông Cấm và sông Bạch Đằng, là cửa ngõ ra vào nhiều cảng quốc tế của TP Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung. Vì thế, lưu lượng tàu quốc tế và các phương tiện giao thông thủy hàng hải lưu thông lớn.

“Công tác đảm bảo an toàn hàng hải có ý nghĩa sống còn đối với tiến độ thi công, nhất là các trụ tháp dây văng giữa sông Bạch Đằng”, ông Việt Anh nói và cho biết thêm, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, công ty đã ký kết hợp đồng với Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải, cắm phao khống chế phân luồng giám sát việc thực hiện điều tiết hàng hải 24/24h...

100% cán bộ công nhân viên làm việc tại dự án phải tham gia lớp huấn luyện an toàn và cấp chứng chỉ an toàn lao động. Công nhân thi công trên công trường được cấp phát quần áo, thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, ngay trên công trường còn phát động các phong trào thi đua “Sạch - Đẹp - Gọn gàng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Đảm bảo an toàn lao động - Ý thức và hành động”...

Ông Nguyễn Anh Sáng, Phó ban Quản lý dự án cầu Bạch Đằng cho biết, hàng ngày, mạng lưới giám sát viên an toàn của tư vấn giám sát và chủ đầu tư thị sát, kiểm tra hiện trường các gói thầu, kịp thời phát hiện những sự việc mất an toàn trên công trường, những hành vi làm ảnh hưởng đến vệ sinh, ô nhiễm môi trường, chụp ảnh, lập biên bản sự việc, tổng hợp đối chiếu với quy chế thưởng phạt để có thông báo phạt trừ kinh tế đối với các nhà thầu, tổ đội, cá nhân vi phạm.

“Qui định về an toàn trên công trường nghiêm như vậy nên ngay cả nhà thầu thi công chúng tôi cũng phải có đội ngũ phụ trách an toàn thường xuyên kiểm tra. Nếu thấy anh em nào chủ quan là nhắc nhở ngay, thậm chí không cho làm việc nếu không đủ bảo hộ lao động”, ông Văn nói.

“Đến nay, dự án đã triển khai được hơn một năm, công trình chưa có bất kỳ sự cố mất an toàn nào xảy ra”, ông Việt Anh cho biết và nhấn mạnh: “Ngày 18/3 vừa rồi công trình được Bộ GTVT chọn làm nơi tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN. Đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm để chúng tôi cố gắng cao nhất đưa dự án về đích đúng tiến độ mà vẫn đảm bảo an toàn mọi mặt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.