Hạ tầng

Vượt sóng xây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

12/05/2014, 06:23

Cầu Thị Nại (Bình Định) đang giữ kỷ lục là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với 7,5km. Dù được xây dựng trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với sóng to, gió lớn, bùn nhão dày cả chục mét...

Cầu Thị Nại (Bình Định) đang giữ kỷ lục là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Cầu Thị Nại (Bình Định) đang giữ kỷ lục là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam


Cây cầu vươn ra biển lớn


Vào đầu những năm 2000, ông Hoàng Văn Thọ nay là Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế đường bộ là người được giao làm Chủ nhiệm đồ án thiết kế cầu Thị Nại. Lúc đó, khi đặt chân đến đây ông cũng chưa thể hình dung sau này nơi đây sẽ là một khu kinh tế sầm uất. Toàn bộ khu vực này là một vùng hoang vu, hai bên bờ toàn sú vẹt, xung quanh không một bóng người. Muốn sang bán đảo Phương Mai đều phải đi thuyền. Với những ai không quen sóng biển là say sóng như chơi bởi nơi đây có sóng to, gió lớn chẳng khác nào giữa trùng khơi, biển lớn.
 

"Điều lo lắng nhất khi ấy là việc bảo vệ các thiết bị thi công bị nước mặn ăn mòn. Có nhiều thiết bị chưa xong, công trình đã hư hỏng nặng. Đối với các thiết bị của Công ty 473, khi hoàn thành công trình gần như hỏng hết. Chỉ còn một số thiết bị bị ăn mòn nặng nhưng phải đại tu mới sử dụng được tiếp. Do vùng này toàn là nước lợ nên để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt và trộn vật liệu, toàn bộ đều phải dùng sà lan, thuyền đi gom nước ngọt từ dân”.

 

Kỹ sư Nguyễn Lê Minh

Với lợi thế là một bán đảo hướng ra biển, Thị Nại là một đầm nước lớn và sâu, có hình một cái bao tử. Lối duy nhất ra vào đầm là cửa cảng Quy Nhơn, nơi trú ngụ lý tưởng của tàu thuyền khi gặp bão. Đây còn là nơi có vị trí thuận lợi để giao lưu, kết nối với các thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia và các tỉnh Tây Nguyên nên việc xây dựng cầu Thị Nại luôn là ước mơ đau đáu của người Bình Định… Vì thế dù vẫn còn là một tỉnh nghèo, nhưng Bình Định quyết tâm xây dựng bằng được cây cầu Thị Nại có chiều dài kỷ lục và kết cấu hiện đại nhằm tạo bước đột phá, biến Quy Nhơn trở thành trung tâm kinh tế, vươn mình ra biển và Nhơn Hội trở thành một địa chỉ đầu tư lớn nhất miền Trung.

Khi cây cầu vừa được hoàn thành, một vị lãnh đạo của tỉnh từng tâm sự, rất nhiều người Bình Định biết nếu khai thác được “hết công suất” của bán đảo Nhơn Hội - Phương Mai, Bình Định sẽ có bước phát triển đột phá về kinh tế. Nhưng khi chưa có cây cầu Nhơn Hội này, mọi toan tính vẫn nằm trên giấy. Nay tất cả những dự tính dù là lãng mạn nhất của các nhà đầu tư đã có bảo đảm bằng… cầu để thành hiện thực. Cầu vượt biển Nhơn Hội không phải được xây để lập một kỷ lục mà được xây để Quy Nhơn phá thế bị biển bao vây, để Nhơn Hội trở thành một khu kinh tế năng động vào bậc nhất miền Trung, và để Bình Định thoát nghèo.
 

img


Vượt sóng, xây cầu


Khi đến đây khảo sát thiết kế, ông Hoàng Văn Thọ không khỏi ái ngại khi những điều kiện về địa chất, thổ nhưỡng cũng như khí hậu ở đây quá khắc nghiệt. Ở đầm Thị Nại, vận tốc gió rất lớn có ảnh hưởng xấu đến việc thi công cọc khoan nhồi. Các công việc cần phải thực hiện chính xác như: Đóng cọc sàn công tác, hạ ống vách, lắp đặt lồng cốt thép sẽ rất khó khăn. Không những thế, khu vực dự án nằm trong vùng có chế độ thủy văn phức tạp, một phần chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy lũ của sông Kôn và sông Thanh Hà đổ về khu vực đầm. Mặt khác, quá trình thi công còn chịu ảnh hưởng của dòng triều lên xuống từ biển qua cửa vịnh Quy Nhơn. Nơi đây cũng là vùng có sự bồi lắng rất lớn nên địa chất có nền rất yếu… Thế nhưng tất cả những yếu tố bất lợi ấy đã được các kỹ sư tư vấn thiết kế rà soát và tìm ra phương án tối ưu nhất.


“Một thuận lợi lớn nhất lúc bấy giờ là chúng tôi nhận được sự hậu thuẫn, quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư là Sở GTVT Bình Định. Kinh phí đầu tư của tỉnh rất ít, chỉ có trên 300 tỷ, trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về đơn giá nên mới đội lên hơn 500 tỷ. Vì thế khi thiết kế, chúng tôi phải căn cơ từng đồng. Công trình này được bảo đảm chất lượng cũng nhờ lúc đó tỉnh Bình Định đã lựa chọn được các nhà thầu tư vấn giám sát và thi công mạnh như: Công ty Cầu 12 (CIENCO1), Công ty 473 (CIENCO4) và Viện KHCN làm tư vấn giám sát… Sự động viên kịp thời và đặt niềm tin tuyệt đối vào đội ngũ tư vấn giám sát, thiết kế và thi công của lãnh đạo tỉnh Bình Định khiến chúng tôi nỗ lực hết mình để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình” - ông Thọ nói.


Đối với chàng trai trẻ của Công ty 473, kỹ sư Nguyễn Lê Minh hiện đang là Giám đốc dự án cầu Nhật Tân (Ban QLDA 85), ngày xây cầu cũng chính là những khoảng thời gian anh phải xa tổ ấm mới mà mình vừa xây dựng. Vừa cưới vợ được 18 ngày, anh nhận quyết định vào Thị Nại làm Phó chỉ huy công trường. Suốt 3 nằm cùng anh em công nhân ăn sương nằm gió đến ngày người vợ vượt cạn anh cũng không kịp về. 


Kể về những ngày trên công trường cầu Thị Nại, vị Giám đốc năng nổ không giấu được sự hào hứng: “Khi ấy, hầu hết anh em đều đang độ trai trẻ nên tất cả đều hừng hực khí thế. Đối với Công ty 473, việc được tín nhiệm tham gia cây cầu kỷ lục này là một vinh dự lớn lao. Công ty nhận thi công 2 gói thầu cầu dẫn đầu cầu với tổng số 49 nhịp Super T với chiều dài gần 3km. Sản lượng của riêng 2 gói thầu này lên tới gần 200 tỷ đồng trong khi trước đó sản lượng của toàn công ty mỗi năm cũng chỉ vào khoảng 150 tỷ. Với một khối lượng công việc lớn chưa từng có và được cọ xát nhiều với những bài toán hóc búa về giải pháp thi công đã khiến anh em kỹ sư, công nhân của công ty trưởng thành rất nhiều”.


Cái khó nhất đối với những người xây cầu Thị Nại khi ấy là lớp bùn yếu quá dày, có nơi lớp bùn được bồi lắng sâu đến 10m nên việc khoan cọc nhồi rất vất vả. Thời gian đầu có nhiều mũi khoan vừa làm xong đã bị hỏng hết do bị nước mặn xâm nhập. Sau nhiều lần thử nghiêm các loại dung dịch để bảo vệ lỗ khoan, cuối cùng các kỹ sư đã phải đưa ra phương án sử dụng luôn bùn tại đầm để thay dung dịch. Địa chất ở đây có rất nhiều lớp khác nhau, có lớp than đá rất cứng nhưng lại có tầng toàn là bùn hoặc là đất sét nên để phù hợp với mỗi tầng khác nhau lại phải sử dụng loại mũi khoan phù hợp. 


Kỷ niệm nhớ nhất đối với kỹ sư Nguyễn Lê Minh là quá trình 70 ngày chạy đua để bảo đảm tiến độ công trình, kịp thông xe vào ngày 2/9/2006. Chỉ trong 70 ngày ấy, những kỹ sư của Công ty 473 đã làm được 5 trụ, 7 nhịp bảo đảm thông xe kỹ thuật đúng tiến độ. Có một câu chuyện thú vị là đến khi thông xe, cây cầu này vẫn chưa kịp có tên hiệu chính thức nên mới gọi tạm là dự án “cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội”. Điều đó phần nào nói lên tiến độ xây dựng rất chóng vánh của cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này.

Tiến Mạnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.