Làm báo cùng Giao thông

Xã bị dân "tố" thông đồng với cát tặc "đua" nhau chở quá tải

27/05/2014, 07:20

Tấm biển giới hạn tải trọng trên tuyến đường đường vào vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được xây dựng lên vài ngày lại bị đập nát. Hậu quả, cát tặc vô tư khai thác cát, chở quá tải.

Tấm biển giớ hạn tải trọng trên tuyến đường đường vào vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhiều lần được xây dựng lên vài ngày lại bị đập nát. Hậu quả, cát tặc vô tư khai thác cát, chở quá tải. Thế nhưng, chính quyền xã sở tại lại chưa hề biết (!?).

Người dân chỉ bảng hiệu bị đập phá hơn 20 lần, nhiều xe tải chở cát, sỏi thường xuyên ngang qua khu vực này.
Người dân chỉ bảng hiệu bị đập phá hơn 20 lần, nhiều xe tải chở cát, sỏi thường xuyên ngang qua khu vực này.

Người dân tố xã thông đồng với cát tặc

Theo PV Báo Giao thông quan sát, trên tuyến đường vào đường vào vườn Quốc gia Kon Ka Kinh qua xã Ayun, huyện Măng Yang, trụ gắn các tấm biển giới hạn trọng tải này được xây dựng kiên cố, thế nhưng biển thông báo giới hạn thì biến mất. Thế là xe chở cát quá tải nhiều năm nay cứ vô tư chở cát. Bức xúc, người dân tại đây xây những trụ bằng đá để hạn chế các loại xe lớn, thế nhưng vài ngày sau lại bị phá, hiện trạng của chỉ còn những đống đá ngổn ngang. Nhiều người dân xung quanh khu vực các bảng hiệu bị đập phá, cho biết: “Nếu tính tiền xây dựng hàng chục lần các trụ này thì phải xây được cả ngôi nhà cấp bốn rồi ấy chú ạ".  “Dân nơi này ai chẳng biết, nó nằm sờ sờ ở giữa mặt đường. Nhưng chẳng qua người ta sợ bị thù vặt nên im lặng cho qua chuyện. Đường của nhà nước, có phải của nhà tôi đâu mà tôi lo, lo rồi khéo rước họa vào thân”, một người dân bức xúc, nói.

Ông Ngô Đình Chinh (54 tuổi) trú tại xã thôn 5, xã Ayun, cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc về việc xe tải chở cát, sỏi có trọng tải lớn cứ chạy ầm ầm trên con đường. Chỉ một vài năm nữa thôi thì con đường này cũng nát như ruộng cày. Nếu chính quyền các cấp không ra tay thì con đường không biết sẽ thế nào”. Chỉ cho PV Báo Giao thông biết các bãi cát, sỏi ở khu vực này bị cấm từ lâu, nhưng mặc dù ngày hay đêm, các phương tiện chuyên chở và hút cát trái phép vẫn hoạt động bình thường. “Ngày nào xe tải cũng chạy qua đường này, lại còn đi ngang qua UBND xã.

Mỗi chiếc xe cát chở ít nhất 20 khối cát, sạn, tải trọng ước tầm 30 đến 40 tấn. Trong khi con đường chỉ có biển báo giới hạn là 10 tấn. Khoảng 20 đến 30 chuyến xe tải chở cát, sạn hành con đường này, đa số xe chạy ban đêm, tầm giờ khuya. Thế nên tấm bảng hiệu bị đập nát không ai nhìn thấy cũng là chuyện thường. Chắc cánh tài xế và các chủ xe thấy cái bảng giới hạn này “rác mắt” nên đập đi cho dễ dàng vận chuyển vật liệu ấy mà”, ông Chinh và một số người dân nhận định.

Nhiều người dân khi chúng tôi hỏi sao không báo cáo với chính quyền xã thì những người cho biết, các cuộc họp dân đều đã nói, tiếp xúc cử tri nói và phản ảnh, nhưng vẫn chẳng có điều gì thay đổi. Nêu đích danh sự sai phạm của chính quyền xã Ayun, ông Chinh cho rằng chính quyền xã có sự bao che, dung túng cho chủ bãi cát, sỏi và quan liêu trong công việc.

Ông Chinh cho biết đã nhiều lần làm đơn kiện lên huyện Mang Yang  về vị Phó Chủ tịch xã có nhiều sai phạm liên quan đến tư cách đạo đức lối sống và lạm dụng chức quyền tư lợi cá nhân, thu tiền sai quy định, kể cả xúc phạm văn hóa bản địa ảnh hưởng đến phong tục người Ba Na… Ông nói thêm: “Tôi đã nhiều lần kiện lên lãnh đạo các cấp về sai phạm của ông Thanh. Không phải vì tư thù cá nhân, mà vì chúng tôi quẫn bách. Người dân nơi này không ai dám đứng lên nói cả. Họ vì miếng cơm manh áo nên đành im lặng”. Trong đó có việc cấm khai thác cát sạn trái phép trên địa bàn, nhưng ông Thanh, Phó Chủ tịch xã đã thông đồng với các chủ bãi để cho họ khai thác. Nhiều lần họp dân chúng tôi đã nói thẳng những vấn đề này.

Một phiếu thu sai quy định do ông Thanh, Phó chủ tịch xã ký
Một phiếu thu sai quy định do ông Thanh, Phó chủ tịch xã ký

Một người chủ của bãi sạn khu vực xã (yêu cầu dấu tên) cũng xác nhận: “Chung chi cho mấy ổng một năm tới mấy chục triệu chớ ít chi. Ổng có ăn thì tụi tui cũng có ăn. Lâu lâu đám cưới đám cò ổng nhắn tin xin ít đồng, chẳng lẽ lại không cho”.

Xã đẩy trách nhiệm lên huyện

Theo lời người dân phản ánh, PV tìm về UBND xã Ayun, tại đây ông Phạm Văn Thanh- Phó Chủ tịch xã tiếp chúng tôi. Khi nêu hiện trạng của các tấm bảng giới hạn tải trọng bị đập phá trên 20 lần thì vị Phó Chủ tịch xã này cho biết: “Chưa hề nghe người dân và công an xã phản ánh về điều này”.

Đối với việc khai thác cát, sạn và xe quá tải chạy ở con đường thì ông Thanh xác nhận: “Có nhiều xe cát, sạn chạy ban đêm đã làm cho đường này một số đoạn bị hỏng. Một số đoạn đường bị lún 4 đến 5cm”. Khi hỏi về trách nhiệm của xã trong công tác quản lý thì ông Thanh cho biết: “Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mang Yang quản lý con đường, nên xã không có thẩm quyền quản lý. Còn việc khai thác cát, sạn trái phép và kiểm tra xe có trọng tải thì công an huyện mới có quyền xử lý, chúng tôi làm gì có quyền”.

Một điểm khai thác cát, sỏi trái phép tại xã Ayun.
Một điểm khai thác cát, sỏi trái phép tại xã Ayun.

Được biết, công trình đường vào vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, huyện Man Yang ngang qua xã Ayun. Công trình có tổng vốn đầu tư là 13,3 tỷ đồng, với quy mô chiều dài toàn tuyến là 17km, nền đường rộng 6,5 mét, mặt đường rộng 3,5 mét. Theo ông Phan Lê Nguyên- Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mang Yang cho biết: “Con đường liên xã này còn gọi là đường 573 vào vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tải trọng dưới 10 tấn. Con đường mới được bàn giao cho xã quản lý và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2013. Hiện nay vẫn đang được trong thời gian bão trì. Thế nên con đường được bàn giao cho UBND xã Ayun quản lý”.

Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.