Xã hội

Xã đảo Thạnh An sau ngày Bí thư Thăng đến thăm

29/08/2016, 18:58

Sau chỉ đạo của Bí thư Thăng, giấc mơ về một ngôi trường cấp 3 trên xã đảo Thạnh An không còn xa...

4

Sau chỉ đạo của Bí thư Thăng, giấc mơ về một ngôi trường cấp 3 trên xã đảo Thạnh An không còn xa. (Trong ảnh, công trình xây trường cấp 2 - 3 đang được hối hả thi công)

Xã đảo Thạnh An nằm biệt lập với huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP.HCM khoảng 100km và cũng là xã đảo duy nhất của TP. Cách đây hơn bốn tháng, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nghé thăm. Chứng kiến sự học hành cực nhọc của các em học sinh, Bí thư Đinh La Thăng đã chỉ đạo huyện Cần Giờ thành lập một trường THPT tại đây. Nếu không kịp phải mở trước một lớp 10 để phục vụ việc học hành cho các em.

Nhọc nhằn những chuyến đò đến lớp

Những ngày trung tuần tháng 8, khi sắp đến ngày tựu trường, chúng tôi tìm về xã đảo Thạnh An. Con đường đến đảo duy nhất là những chuyến đò ngược xuôi. Một chuyến đò kéo dài khoảng 45 phút, chuyến sớm nhất là 6h30 và muộn nhất là 17h.

Đi cùng chuyến đò với tôi có chị Võ Thị Lệ Quyên, cán bộ Ban xóa đói giảm nghèo xã Thạnh An. Nghe tôi hỏi thăm về việc các em học sinh cấp 3 đến trường, chị trầm tư: “Các em khi lên cấp 3, em nào thi đậu thì vào trong trường THPT Cần Thạnh ở học nội trú, thuộc “Nhóm 2 - 6” của xã Thạnh An. Ở đây người dân gọi thế, có nghĩa là thứ 2 đi, thứ 6 về. Em nào thi rớt phải học trường bổ túc, nhưng nhiều em vì bất mãn cũng bỏ học đi làm phụ cha mẹ kiếm sống…”.

Theo lời chị Quyên, các em muốn vào học cấp 3 ở trung tâm huyện Cần Giờ phải ở nội trú, xa gia đình. Vào tháng 7, tháng 8 sóng biển còn nhẹ, đi lại dễ dàng. Bước vào khoảng tháng 11 trở đi, sóng bắt đầu vỗ mạnh, người lớn đi lại nhiều khi còn chịu không nỗi huống chi các em học sinh. Bởi thế cũng có những em không đủ sức khỏe đành bỏ học giữa chừng…

Khi nghe tôi hỏi về việc năm học sắp tới sẽ mở một lớp 10 ở xã đảo và đang xây trường cấp 3, chị Quyên phấn khởi: “Cách đây hơn 4 tháng, Bí thư Đinh La Thăng về thăm và chỉ đạo mở lớp 10 và xây trường cấp 3, không chỉ tôi mà ai cũng mừng. Điều mừng hơn nữa là năm nay các em lớp 10 đã không còn phải xa nhà đi học. Vài năm nữa trường cấp 3 cũng hoàn thành, giấc mơ về một ngôi trường cấp 3 trên xã đảo giờ không còn xa với người dân ở đây nữa”.

9

Để đến xã đảo Thạnh An, chỉ có một con đường duy nhất là trông chờ vào những chuyến đò ngược xuôi.

Đò cập bến, hiện ra trước mắt tôi là một khung cảnh nhộn của một xã đảo. Ghe, thuyền đánh cá được neo đậu kín bờ Thạnh An. Ở đây có bà Lê Thị Hoàng Loan (53 tuổi) nổi tiếng hầu như ai cũng biết. Bởi Loan đã hành “nghề chuyển cơm” hàng ngày của các gia đình trên đảo gửi cho các em học cấp 3 ở trung tâm huyện Cần Giờ đã hơn 10 năm qua.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Loan cho biết mình làm nghề tay trái này bắt nguồn khi con bà bước vào năm học cấp 3. Năm ấy thấy con mình cũng như các gia đình khác đi học đã khó khăn lại thêm tiền ăn hằng ngày rất tốn kém nên bà đứng ra nhận chuyển cơm và phân phát cho các hộ không có điều kiện đi. Cho đến hiện tại, một phần cơm hàng ngày bà Loan thu 3.000 đồng, gia đình nào gửi thêm đồ đạc bà cũng không tính thêm. Suốt 10 năm qua, ngày nào cũng thế, những cà - mèm cơm và những món ăn đặc sản trên đảo từ các gia đình ngày nào cũng đến đều đặn với các em học sinh xa nhà…

Tiếp chuyện, bà nói: “Hơn chục năm làm việc này, thấy cha mẹ các em gửi cơm để tiết kiếm, nhưng vẫn phải cho thêm tiền để các em sinh hoạt, rất tốn kém. Nhiều em đã phải nghỉ học vì không có điều kiện. Tôi cũng có một cháu đang học cấp 3, tôi chỉ mong có một ngôi trường cấp 3 ở xã đảo này để các em đi học thuận tiện, cha mẹ không còn tốn kém. Năm nay lớp 10 đã được học tại đây, tôi rất mừng. Tôi mong sao sắp tới toàn bộ các lớp cấp 3 đều được học ở đây…”

Niềm vui của những em học sinh...

Được biết, sau khi có sự chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, các cơ quan liên quan đã chuẩn bị cho các em lên lớp 10 sẽ được học tại trường THCS Thạnh An. Cách trường THCS này khoảng 300 mét, một công trình đồ sộ đang tấp nập thi công. Đây là công trình xây trường cấp 2 và mở rộng thêm cho các khối cấp 3 sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thăng.

3

Vật liệu được chuẩn bị để xây trường cấp 2 – 3 tại xã Thạnh An.

Cầm trên tay bộ sách lớp 10 vừa xin từ các anh chị năm ngoái về, em Nguyễn Thị Kim Phụng (SN 2001) cười tươi cho biết em vẫn đang chuẩn bị hành trang để bước vào năm học mới. Em cho biết trước khi bước vào cấp 3 em rất lo lắng vì sợ xa gia đình, là con gái mỗi lần đi lại qua đò rất mệt. Bên cạnh đó, gia đình cũng sẽ tốn nhiều chi phí hơn khi em đi học xa. Ngày nghe tin lớp 10 được học ngay tại xã đảo em không giấu được niềm vui. Em cũng mong khi lên lớp 11 và 12 cũng sẽ được học tại đây để thời gian rảnh được phụ giúp gia đình.

Tương tự, em Lê Thị Hồng Loan (SN 2000) cũng không giấu được niềm vui rạng rỡ của mình. Em cho biết em ở với dì, điều kiện đi học rất khó khăn, mỗi lần đi đò em thường hay bị say sóng nên khi bước vào lớp 10 em vừa mừng vừa lo. Ngày nghe tin được học ngay gần nhà, em vui mừng chạy về kể với dì rồi tất bật chuẩn bị hành trang bước vào năm học mới.

2

Sau chỉ đạo của Bí thư Thăng, giấc mơ về một ngôi trường cấp 3 trên xã đảo Thạnh An không còn xa. (Trong ảnh, Em Lê Thị Hồng Loan chia sẻ niềm vui với PV Báo Giao thông) 

Bà Nguyễn Kim Anh (45 tuổi) cho biết cũng đang có hai người cháu, một người đang học lớp 11 và năm nay lên lớp 10. “Mong ước có một ngôi trường cấp 3 tại xã đảo này không chỉ riêng tôi mà ai cũng mong. Giờ nghe mở lớp 10 tôi mừng lắm, đặc biệt là nghe tin trong vài năm nữa các khối cấp 3 sẽ được học tại đây. Mừng thì rất mừng nhưng tôi mong sao khi các giáo viên qua giảng dạy vẫn đảm bảo chất lượng như ở trường THPT Cần Thạnh” – bà Kim Anh bộc bạch.

Cử giáo viên từ trưởng THPT Cần Thạnh ra giảng dạy

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, việc chuẩn bị lớp học cho học sinh lớp 10 đã chuẩn bị xong. Theo đó, trường THCS Thạnh An sẽ dồn học sinh lại và dành ra một phòng để các em học sinh lớp 10 học, nhưng bàn ghế, dụng cụ phục vụ giảng dạy phải chở từ trường THPT Cần Thạnh qua để phù hợp với lứa tuổi các em.

Cũng theo bà Cẩm, ở xã đảo Thạnh An năm qua có 47 em học sinh thi lên lớp 10 và có 30 em trúng tuyển. Trong số 30 em trúng tuyển, hiện chỉ có 28 em đến trường THPT Cần Thạnh nộp hồ sơ. UBND huyện đã có chỉ đạo xã yêu cầu vận động 2 em còn lại đến lớp. Đối với 17 em không trúng tuyển cũng sẽ được học bổ túc ngay tại nhà văn hóa xã Cần Thạnh do giáo viên của trường THPT Cần Thạnh giảng dạy.

11

Trường THCS Thạnh An, nơi các em học lớp 10 sẽ học.

Đối với những em học sinh học lớp 11, 12 trường cũng có hỗ trợ tiền đò, tiền ăn uống cho các em. Các giáo viên được cử từ trường THPT Cần Thạnh qua giảng dạy cũng sẽ được hỗ trợ phí đi đò, ăn uống. “Giáo viên ở trường THPT Cần Thạnh khi có môn ở lớp Thạnh An sẽ đi đò qua dạy giảng dạy, không nhất thiết phải ở bố trí ở lại. Việc này Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo hiệu trưởng trường THPT Cần Thạnh. Qua đó, tăng cường giáo viên qua lớp ở xã Thạnh An dạy y như ở trường THPT Cần Thạnh nhằm đảm chất lượng cũng như đáp ứng nguyện vọng của bà con. Khi nào trường cấp 3 được đưa vào sử dụng mới tuyển thêm giáo viên về giảng dạy” – bà Cẩm nói.

Bà Cẩm cũng cho biết, hiện tại trường THCS – THPT đang trong quá trình xây dựng và được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.