Công nghệ

Xã hội hóa để phát triển hàng không Việt Nam xứng tầm thế giới

28/11/2019, 15:08

Hội chợ Triển lãm quốc tế về Trang thiết bị và công nghệ hàng không 2019 (VIAE 2019) diễn ra trong 3 ngày từ 26 - 28/11 tại TP.HCM.

img
Mô hình máy bay thử tại triển lãm

Triển lãm hàng không tầm quốc tế lần đầu tại Việt Nam

Hội chợ Triển lãm quốc tế về Trang thiết bị và công nghệ hàng không 2019 (VIAE 2019) diễn ra trong 3 ngày từ 26 - 28/11 tại TP HCM. Ngoài việc trưng bày các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ ngành hàng không mới nhất thế giới còn có nhiều cuộc hội thảo góp phần phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam trong xu hướng hội nhập.

Bà Lương Thị Xuân, Giám đốc công ty GK Wintron, đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức triển lãm hàng không mang tầm quốc tế. Triển lãm có hơn 400 trăm gian hàng, trưng bày và giới thiệu công nghệ, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, thiết bị nội ngoại thất máy bay... trong và nước ngoài.

Tại triển lãm, nhiều công nghệ, hệ thống trang thiết bị mới nhất trong lĩnh vực hàng không được giới thiệu. “Thế giới đang có khoảng 15.000 doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ trong ngành hàng không. Việt Nam mới có quan hệ với 15% trong số đó. Vì vậy, triển lãm là dịp tốt để các hãng hàng không trong nước và quốc tế, các nhà sản xuất thiết bị hàng không gặp gỡ trao đổi về xu hướng công nghệ sản phẩm, xúc tiến thương mại… góp phần phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”, bà Xuân nói.

Trong khuôn khổ của triển lãm còn có các cuộc hội thảo về các chủ đề “nóng” trong lĩnh vực hàng không Việt Nam như: Phát triển các cảng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, Phát triển ngành quản lý bay dân dụng Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, Đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành vận tải hàng không Việt Nam...

img
Bà Lương Thị Xuân, Giám đốc công ty GK Wintron, đơn vị tổ chức triển lãm

Xã hội hóa để phát triển hạ tầng hàng không

Theo TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ Việt Nam, đến năm 2020, ngành hàng không Việt Nam tròn 65 tuổi, ông Châu đánh giá ngành hàng không dân dụng Việt Nam phát triển nhanh chóng với 10 sân bay quốc tế, 12 sân bay quốc nội. Thị trường vận tải hàng không đạt mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, bình quân hơn 16% mỗi năm.

Gần đây nhà nước đã có chủ trương đầu tư lớn vào cảng hàng không, sân bay như dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được Quốc hội thông qua; Cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nâng cấp một loạt sân bay Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phan Thiết, Điện Biên, Lào Cai... Để gia tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng hàng không Việt Nam, Nhà nước đang đẩy mạnh xã hội hóa.

img
Dù lượn gắn động cơ tại triển lãm

Tại hội thảo: "Ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới”, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, Việt Nam mới chỉ có một cảng hàng không quốc tế đầu tiên được thực hiện theo phương thức xã hội hóa là sân bay Vân Đồn, còn một số sân bay khác như: Đà Nẵng, Cam Ranh… mới triển khai xã hội hóa từng phần.

Việc triển khai xã hội hóa đầu tư vào cảng hàng không còn rất chậm, chưa hiệu quả. “Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chậm tham gia vào xã hội hóa ngành hàng không là luật và hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu rõ ràng nên khiến doanh nghiệp e ngại khi bỏ vốn đầu tư”, TS Châu nói.

Ông Phạm Doãn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, xã hội hóa được xem là giải pháp tối ưu khi phát triển ngành hàng không. Vì vậy, việc phát triển đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe khác liên quan đến an ninh, an toàn hàng không.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Tuấn Linh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường Cục Hàng không Việt Nam cho biết, khi kêu gọi xã hội hóa để phát triển hạ tầng cho ngành hàng không sẽ dẫn đến sự ra đời các hãng hàng không tư nhân. Khi xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp mới tham gia ngành hàng không Việt Nam, quan điểm của Cục Hàng không là phải theo quy hoạch đã được duyệt để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh từ cạnh tranh trong khai thác thị trường, nguồn khách, nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho phát triển của ngành hàng không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.