Giáo dục

Xã “miền ngược” Tây Bắc Quảng Trị mong con đường nối Đông - Tây Trường Sơn

04/09/2022, 08:00

Đường độc đạo nhánh tây HCM lên xã Hướng Lập thường xuyên bị cô lập, người dân nơi đây mong có đường nối 2 nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh.

Từ ngã 3 tượng đài Khe Sanh ở QL9 theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chừng 60km sẽ đến A Xóc, từ cầu Sêpăng Hiêng theo con đường bê tông nhỏ sẽ đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) - Tiểu học và THCS Hướng Lập nơi vùng biên giới phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị.

Ngôi trường nằm giữa một bên là trụ sở UBND xã Hướng Lập, một bên là Trường Mầm non Hướng Lập, cạnh đó là Trạm Y tế xã và Đồn Biên phòng Hướng Lập. Nơi đây mỗi mùa mưa lũ, con đường độc đạo đến xã bị chia cắt, cô lập.

Ngôi trường “2 cấp học, 8 điểm trường”

“Khu liên cơ” này nằm nơi thung lũng núi bên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (gọi tắt đường HCM), phía trước mặt là dòng sông Sêpăng Hiêng, cùng ngọn núi cao ngất thuộc dãy Trường Sơn như “chiếc bình phong", còn được gọi là ngôi trường có “hòn non bộ cao nhất Việt Nam”.

img

Các em học sinh hoàn cảnh khó khăn tại ngôi trường khu vực biên giới phía Tây Bắc Quảng Trị phấn khởi khi nhận quà từ CLB phóng viên thường trú tại Quảng Trị

Những ngày này, các thầy cô giáo ở tận “miền xuôi” cũng đã có mặt tại 2 ngôi trường với 3 cấp học nơi vùng biên giới này để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2022- 2023.

Thầy giáo Lê Quốc Bình (SN 1985, xã Tân Lập, Hướng Hóa) cho biết, thầy Bình sinh ra và lớn lên ở Tân Lập, còn bố mẹ của thầy từ “vùng trũng” Triệu Thuận (Triệu Phong) lên vùng Tân Lập lập nghiệp theo diện kinh tế mới từ năm 1975.

Tốt nghiệp ra trường hơn 10 năm trước, thầy Bình dạy học ở ngôi trường “vùng thuận lợi” Hướng Hóa được 4 năm, rồi tình nguyện lên đường vào thực hiện nghĩa vụ “gieo chữ” nơi “vùng khó” này đã hơn 7 năm. Trường mới cùng huyện nhưng cách nhà hơn 60km, chiều thứ 6 thầy Bình từ trường theo đường HCM ngược ra Khe Sanh và đến chiều chủ nhật, hoặc sáng thứ 2 vào lại trường sớm.

“Vợ làm kế toán, 2 đứa con còn nhỏ chủ yếu nhờ ông bà nội ngoại chăm”, thầy Bình chia sẻ.

Bước vào năm học 2022- 2023, Trường PTDTBT - Tiểu học và THCS Hướng Lập có hơn 355 học sinh, gồm hơn 220 học sinh cấp tiểu học và hơn 100 học sinh cấp THCS, phần lớn là con em đồng bào Vân Kiều điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

img

Một trong những đoạn đường HCM nhánh Tây đoạn qua đèo Sa Mù bị sạt lở đã được khắc phục nhìn xuống xã Hướng Việt

Thầy Nguyễn Đình Nghĩa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT - Tiểu học và THCS Hướng Lập cho hay, ngoài điểm trường chính tại A Xóc với 2 cấp Tiểu học và THCS, còn có 7 điểm trường lẻ. Điểm trường xa nhất là Cuôi và Tà Păng cách trung tâm xã gần 20km.

“Địa hình miền núi rất phức tạp, nhiều điểm trường lẻ đi lại còn khó khăn lắm vất vả lắm, đặc biệt vào mùa mưa...”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Sơ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Hướng Hóa cho biết, địa phương có 60 trường học; trong đó có 26 trường mầm non, 34 trường phổ thong với trên 57 nghìn học sinh, trong đó học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, số học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn chiếm trên 70%.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cũng cho hay, là địa phương thuộc địa bàn có điều kiện khó khăn của tỉnh, bước vào năm học mới, hầu hết các trường đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

“Đây là những món quà hết sức ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên đối với học sinh vùng khó dịp đầu năm học mới. Những suất học bổng này góp phần khích lệ các em vươn lên học tập tốt..”, ông Sơ chia sẻ khi CLB phóng viên thường trú tại Quảng Trị đến trao tặng 50 suất học bổng và quà tặng, gồm: cặp sách, vở đến 50 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường PTDTBT– Tiểu học và THCS Hướng Lập và điểm trường Trăng – Tà Puồng (Hướng Việt) tại mùa tựu trường năm nay.

img

Trường PTDTBT - Tiểu học và THCS Hướng Lập nằm giữa trụ sở UBND xã (bên trái) và ngay phía bên phải là Trường mầm non...

Mong sớm hoàn thành đường nối đường HCM nhánh Đông và nhánh Tây

Đường HCM từ ngã 3 QL9 Khe Sanh cũng là tuyến đường huyết mạch vào các xã Hướng Việt và Hướng Lập. Từ xã Hướng Phùng vào 2 xã xa nhất nói trên ở khu vực biên giới phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị là cung đường đèo Sa Mù dài gần 20km. Từ A Xóc, trung tâm xã Hướng Lập theo đường HCM ra giáp giới địa phận tỉnh Quảng Bình khoảng 18km.

Trong đợt mưa lũ lịch sử 2 năm trước, tuyến đường này cũng bị sạt lở gây chia cắt nhiều đoạn. Việc tiếp cận 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập bị cô lập sau đó phải di chuyển theo hướng từ Quảng Bình vào nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Phải mất nhiều tháng ròng rã bám đường đảm bảo giao thông trong điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, các đơn vị ngành giao thông mới có thể hoàn thiện việc “nối thông” hàng loạt điểm bị sạt lở kinh hoàng trên tuyến đường này.

img

Đường HCM nhánh Tây đoạn qua cầu Sêpăng Hiêng

“Bà con mong con đường nối đường HCM nhánh Đông lên nhánh Tây này lắm. Đường nối này làm xong từ Hướng Lập đi về Đông Hà quá gần, gần gần gấp đôi”, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Văn Sự cho hay.

Theo ông Sự, Hướng Lập hiện có 370 hộ, với 1.700 khẩu tại 8 bản, thuộc 5 thôn. Trong đó, bản Cuôi (28 hộ, 56 khẩu) cách trung tâm xã khoảng 20km, điều kiện đi lại còn rất nhiều khó khăn, mỗi lần đi họp phải đi bộ vài tiếng. Bản Ta Păng sát Lào cách trung tâm xã khoảng 10km, đường xe máy đi được nhưng rất khó khăn.

“Bản Cuôi hồi trước cán bộ đi họp dân băng rừng lội suối 2 ngày, sáng đi gần chiều tối mới lên tới, họp dân xong tối ngủ lại, sáng mai lại lội bộ về. Bây giờ trên đó doanh nghiệp làm thủy điện, họ đầu tư khu tái định cư dưới này để chuyển các hộ dân về dưới này, hiện đã làm 3 nhà mẫu và đến năm 2023 các hộ dân sẽ chuyển về.

Bản Cựp nguy cơ sạt lở cao nhất, tỉnh cũng đã có chủ trương bố trí tái định cư, nhà cửa cho 29 hộ tái định cư dưới này đã xong, nhưng điện chưa có, tháng 12 tới sẽ đưa các hộ trên về”, ông Sự cho hay.

img

Con đường từ đường HCM vào Trường PTDTBT – Tiểu học và THCS Hướng Lập​​​

Lãnh đạo UBND xã Hướng Lập cũng cho biết, do đường xa, cây tràm, sắn bà con trồng giá trị thu lại không nhiều vì chi phí xe vận chuyển và khâu thu mua trung gian chiếm gần hết. Cây chủ lực là bời lời, trước đây được thu mua vỏ 22 nghìn/kg tươi, nhưng hiện nay “rớt giá” chỉ 5 nghìn đồng/1kg khô.

Trong khi đó, ngoài diện tích rừng được giao sản xuất, thời gian còn lại bà con ở đây không có việc gì khác để làm, UBND xã đã tuyên truyền vận động thanh niên đi xuất khẩu lao động để cải thiện thu nhập. “Không xuất khẩu được nước ngoài thì trong nước, hiện nay khoảng trên 70% thanh niên ở đây đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp, nhất là các tỉnh ở phía Nam”, ông Sự nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cũng cho biết, công tác “gieo chữ” nơi đây khoảng từ năm 1999 về trước do cán bộ biên phòng đảm trách. Những năm đầu giáo viên đây dạy học khó khăn khủng khiếp, có những người bỏ cuộc. “Như thế hệ chúng tôi bây giờ mới ăn bữa trưa chứ hồi trước không có, chỉ ăn buổi sáng và buổi tối thôi. Nếu đường nối đường HCM làm xong, các thầy cô từ Vĩnh Linh, Đông Hà lên đây gần hơn nhiều”, ông Sự chia sẻ.

img

Các em học sinh Hướng Việt, Hướng Lập ở địa bàn biên giới phía Tây Bắc Quảng Trị mùa tựu trường

Theo Sở GTVT Quảng Trị, theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Quảng Trị đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, tuyến QL9D đi từ Cửa Việt đến cửa khẩu Tà Rùng (xã Hướng Việt) dài 130km. Trong đó, đoạn từ Cửa Việt đến xã Vĩnh Ô dài 73km trên cơ sở các tuyến đường ĐT 576b, 574, 572, 571; đoạn từ Vĩnh Ô đến đường HCM nhánh Tây 36km.

Những năm qua, bằng các nguồn lực, Quảng Trị đã đầu tư 40,7km để nối đường HCM nhánh Đông với nhánh Tây, trong đó đoạn từ thị trấn Bến Quan đến trung tâm xã Vĩnh Ô dài 27,7km. Đoạn cuối tuyến từ xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập dài 33km đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, khi hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường HCM nhánh Tây nói trên, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, hỗ trợ đắc lực trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.