Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Nội dung còn nhiều băn khoăn là quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79).
Việc sửa đổi Luật Đất đai là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Trong đó quy định thu hồi đất là một trong những nội dung được nhân dân đặc biệt quan tâm.

Việc liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng song lại chưa làm rõ được sự cần thiết.
Có thể nói, thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có vai trò quan trọng trong quản lý và sử dụng đất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và lợi ích cho cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất trên thực tế có vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không lại là điều đáng bàn.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều tranh cãi, khiếu kiện bởi nhiều khi việc thu hồi chưa rõ ràng. Đơn cử như không ít các dự án bất động sản thực chất chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp tư nhân cũng được gắn mác "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Chính vì thế, không ít diện tích đất của người dân được thu hồi với giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi mét vuông. Về sau, cũng diện tích đó, chủ đầu tư chuyển đổi, san lấp mặt bằng rồi bán ra với giá vài chục triệu đồng, tạo ra bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liệt kê cụ thể hàng trăm trường hợp, trong đó có các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: Xây dựng công trình công cộng, công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật; dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc liệt kê có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.
Song cũng có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình và; chưa lường hết các trường hợp cần thu hồi để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện...
Việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa được yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, cũng như đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn thời gian qua và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là việc khó, nên việc còn có nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, hiện nay, quy định của dự thảo về nội dung này vẫn còn mập mờ, chưa rõ ràng. Nếu liệt kê các trường hợp thu hồi sẽ không thể liệt kê hết được, có khi càng liệt kê càng thiếu.
Xác định dự án có vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không chỉ cần căn cứ vào mục đích của dự án thu hồi đất.
Theo đó, dự án không có lợi nhuận là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự án vì mục tiêu lợi nhuận, mang lại lợi nhuận cho một bộ phận, doanh nghiệp, một tổ chức thì đó không phải là vì lợi ích quốc gia công cộng.
Do đó, thay vì quy định cụ thể từng dự án thì nên xác định các tiêu chí làm thước đo để xác định mục tiêu của dự án: Dự án thu hồi đất có lợi nhuận hay không có lợi nhuận?
Khi xác định được mục tiêu của dự án, sẽ áp dụng quy định bồi thường, thu hồi đất, chính sách ưu đãi... phù hợp.
Bởi dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ có cách tiếp cận khác, áp dụng đơn giá đền bù khác. Không đánh đồng nó với các dự án mang lại lợi nhuận cho tư nhân, để thu hồi đất với giá rẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận