Bạn cần biết

Xác định tác nhân gây “vệt nước vàng” ở vùng biển Chân Mây

30/03/2017, 19:04

Vệt nước vàng ở khu vực biển Thừa Thiên-Huế là do sự xuất hiện và phát triển mạnh loài tảo Giáp Gonyaulax polygramma.

Tao- Giap- Gonyaulax- polygramma- gay- nen- vet- n

Nước biển màu vàng bất thường tại vùng biển Cảnh Dương, Chân Mây (Thừa Thiên- Huế) là do một loài tảo. Ảnh A.K

Chiều nay (30/3), Sở TN&MT Thừa Thiên- Huế đã có báo cáo gửi Bộ TN&MT và UBND tỉnh về  nguyên nhân gây ra hiện tượng vệt nước vàng bất thường trên biển ở khu vực biển Cảnh Dương, Chân Mây (huyện Phú Lộc).

Theo đó, nguyên nhân gây ra hiện tượng vệt nước vàng trên biển ở khu vực biển Cảnh Dương, Chân Mây là do sự xuất hiện và phát triển mạnh của loài tảo Giáp Gonyaulax polygramma, gây ra hiện tượng tảo nở hoa nước (thủy triều đỏ) làm nước biển đổi màu, có mùi tanh hôi, đồng thời làm giảm nồng độ oxy trong nước ở một số thời điểm làm cho thủy sản trong khu vực có hiện tượng nổi trên bề mặt.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên-Huế, hầu hết các thông số quan trắc về chất lượng nước biển như: pH, ôxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), amoni (NH4+ tính theo N), nitrit (NO2-); photphat (PO43- tính theo P), xyanua (CN-), thủy ngân (Hg), tổng Phenol, crom tổng số, cadimi (Cd), asen (As), chì (Pb), mangan (Mn), đồng (Cu), kẽm (Zn), tổng dầu mỡ khoáng, coliform có giá trị đo đạc, phân tích đều đảm bảo giới hạn cho phép. Riêng các vị trí tại bến cảng Chân Mây có giá trị thông số amoni (NH4+); hàm lượng tổng chất rắn lở lửng (TSS) vượt QCVN quy định.

Cũng theo báo cáo của Sở TN&MT, ngoại trừ các thông số amoni (NH4+), tổng chất rắn lở lửng (TSS) có khác biệt, kết quả phân tích các thông số còn lại của các mẫu nước biển tại vùng xuất hiện vệt vàng và vùng không xuất hiện vệt vàng có chất lượng tương đương nhau.

Về kết quả quan trắc tảo phù du, ở thời điểm quan trắc ngày 23/3 kết quả phân tích định tính và định lượng tảo phù du tại bốn điểm cho thấy có sự khác nhau đáng kể về số lượng loài và mật độ các loài tảo phù du. Về số lượng loài, tại vị trí không xuất hiện vệt vàng có số lượng loài cao nhất, ở vị trí vùng nước bình thường gần khu vực có vệt vàng có số loài thấp hơn, và ở khu vực vùng nước có vệt vàng có số lượng loài rất thấp .

Về mật độ, tại vị trí không xuất hiện vệt vàng, vị trí vùng nước bình thường gần khu vực vệt vàng có mật độ tảo thấp ghi nhận là 56730 tế bào/lít và 651960 tế bào/lít. Tại các vị trí quan trắc vùng nước vệt vàng có mật độ rất lớn, ghi nhận là 14.013.270 tế bào/lít và 8.925.355 tế bào/lít, trong đó có loài tảo Giáp Gonyaulax polygramma Stein 1883 (thuộc lớp Dinophyceae) chiếm ưu thế tuyệt đối với 14.006.670 tế bào/lít và  8.918.000 tế bào/lít.

Trong thời gian rất ngắn, khu vực biển Cảnh Dương và biển Lăng Cô tại Thừa Thiên-Huế liên tục xuất hiện các vệt nước có màu vàng, màu đỏ. Sở TN&MT Thừa Thiên-Huế đã đề nghị Bộ TN&MT bổ sung và tăng cường hoạt động quan trắc tại các khu vực trên nhằm hỗ trợ địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, từ sáng đến trưa cùng ngày (23/3), người dân địa phương phát hiện nước biển tại vùng vịnh Chân Mây và sông Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) xuất hiện hiện tượng có màu vàng bất thường. Sau khi nhận thông tin, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã về kiểm tra, lấy mẫu nước để phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.