Xã hội

Xác minh tài sản, thu nhập hơn 10.000 người, phát hiện 2 người vi phạm

06/01/2023, 15:15

Trong 430.000 người kê khai tài sản, thu nhập có 10.662 người được xác minh tài sản, chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

Hơn 10.000 người được xác minh tài sản, thu nhập

Sáng 6/1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngành Thanh tra năm 2023.

img

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo, năm 2022, ngành Thanh tra đã tiến hành 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, ngành đã kiến nghị chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.000 tỷ đồng, 8.777ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng và 574ha đất.

Ban hành hơn 145.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân với số tiền 5.641 tỷ đồng, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và hơn 8.600 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.

Năm 2022, Thanh tra Chính phủ cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, có trên 54.000 cán bộ, công chức, viên chức đã được chuyển đổi vị trí công tác.

Trong tổng số 430.000 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập có 10.662 người được xác minh tài sản, thu nhập song chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực, 39 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 36 người.

Thanh tra Chính phủ cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao; phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế...

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại trong năm qua, như chất lượng một số cuộc thanh tra còn thấp, một số việc thanh tra còn chậm so với kết hoạch. Công tác tự kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn yếu, rất ít vụ việc được phát hiện qua kênh này.

Năm 2023, ngành Thanh tra xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các lĩnh vực công tác; tăng cường thanh tra quản lý nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu; tập trung thanh tra những lĩnh vực, địa phương còn nhiều vi phạm; đẩy mạnh giám sát xử lý sau thanh tra, nhất là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản sau thanh tra.

Tập trung vào những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả công tác và đóng góp của ngành Thanh tra đối với thành tích chung của Chính phủ và cả nước năm 2022.

Nhấn mạnh việc thực hiện tốt Kế hoạch thanh tra năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; tập trung vào những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Lựa chọn thanh tra công vụ đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, có nhiều dư luận về biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng lưu ý ngành Thanh tra phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra và thực hiện các kết luận thanh tra; khắc phục những hạn chế còn tồn tại; đặc biệt phải làm sớm các vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham mưu hoàn thiện Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án để báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị (lần thứ hai)...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.