Tài chính

Xăng dầu giảm nhiệt, tàu cá vươn khơi

Giá xăng dầu giảm, ngư dân thêm quyết tâm vươn khơi sau những ngày tháng dài để tàu nằm bờ, dù nỗi lo thu không đủ chi vẫn thường trực.

Vơi nỗi lo chi phí nhiên liệu

Sáng sớm, tiếng tàu cá tại âu thuyền Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) rền vang. Nhiều con tàu rồ ga, trực chỉ về phía cửa biển ra ngư trường đánh bắt truyền thống.

img

Ngư dân tại cảng cá Cửa Sót chuẩn bị ngư cụ, nhu yếu phẩm cho chuyến đánh bắt dài ngày

Ông Nguyễn Tèo, chủ tàu cá QNg-94917 TS đang tranh thủ các công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho tàu cá xuất bến, cho hay, hơn 7 tháng qua, giá nhiên liệu tăng liên tục, cá đánh bắt được về bán không đủ bù chi phí nhiên liệu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, vừa qua Thủ tướng đã có chỉ đạo với đề xuất của Bộ NN&PTNT về hỗ trợ 6 tháng lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90 của Chính phủ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động.
Theo Thứ trưởng Tiến, Thủ tướng giao cho Bộ LĐ,TB&XH xây dựng kế hoạch và Bộ NN&PTNT đang đợi Bộ LĐ, TB&XH thông tin về việc hợp tác.
Đại diện Bộ LĐ, TB&XH cho Báo Giao thông biết, Bộ đã nhận được chỉ đạo của Thủ tướng và đang trong giai đoạn nghiên cứu xem xét các giải pháp.

Hồng Hạnh


Tương tự tại cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) không còn nhiều tàu thuyền neo đậu như trước.

Hầu hết tàu nằm bờ dài hạn đã vươn khơi sau nhiều tháng.

Ngư dân Phan Bá Thuận (trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) khi hay tin giá dầu giảm mạnh đã hồ hởi đi đặt mua dầu, chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu tháng 8.

Theo anh Thuận, mỗi chuyến biển của anh tốn khoảng 1.800 lít dầu.

Khi giá dầu đạt đỉnh, mỗi chuyến tiêu tốn hơn 52 triệu đồng, nay giá dầu giảm giúp anh tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng.

“Giá dầu giảm xuống mức này đã mừng rồi, dù chi phí vẫn còn cao. Hiện nay đang mùa cá nục, cá ngừ… tôi tranh thủ ra khơi đánh bắt, được chừng nào hay chừng đó”, anh Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, con tàu 700 mã lực của anh vươn khơi 4 chuyến thì 2 chuyến lỗ, chỉ mong chuyến này đánh bắt được nhiều để bù vào những chuyến đi trước.

Tương tự, thời điểm này, ngư dân các cảng cá tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng đều đang tất bật cho những chuyến đánh bắt sau nhiều tháng phải nằm bờ.

Tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), mỗi ngày có hàng chục con tàu lớn, nhỏ nối đuôi nhau vươn khơi bám biển.

Ngư dân Trần Thanh Tịnh, chủ tàu câu mực xa bờ chia sẻ, thời điểm giá dầu tăng cao, ngư dân đứng ngồi không yên, đi thì lỗ, không đi không biết làm gì. Để chuẩn bị ra khơi, từ những ngày trước đó, ông đã phải gọi điện cho các bạn thuyền để mong đủ người ra khơi.

“Trung bình chi phí mỗi chuyến đi biển khoảng 10 - 15 ngày, tuỳ theo thời tiết. Mỗi chuyến đi như vậy tàu cá của tôi tiêu tốn từ 40 - 50 triệu đồng. Với giá dầu đã giảm, chuyến đi biển lần này đã tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng”, ông Tịnh nói.

Tại xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, một trong những địa phương có số lượng tàu, thuyền nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với 594 chiếc, trong đó, hơn 320 tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 90 CV trở lên), khoảng 1 tuần trở lại đây, không khí trên bến dưới thuyền sôi động hẳn.

Ngư dân Nguyễn Tiến, chủ một tàu đánh bắt xa bờ cho hay, trung bình mỗi chuyến đi biển, tàu của ông tiêu thụ khoảng từ 600 - 800 lít dầu diesel. Với việc giá dầu đã giảm, chuyến đi biển lần này ông Sơn tiết kiệm được từ 5 - 7 triệu đồng.

Để ngư dân an tâm bám biển

img

Khác với cảnh đìu hiu khi giá dầu tăng cao thì nay ngư dân Hà Tĩnh có thể yên tâm bám biển với những mẻ cá đầy khoang

Giá xăng dầu giảm, tàu thuyền nối đuôi nhau vươn khơi bám biển, song nhiều ngư dân cho biết, họ vẫn chưa thể vơi hết nỗi lo.

Chủ tàu QT-91399TS Nguyễn Văn Lợi (khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, chi phí 1 chuyến thời điểm cuối năm 2021 khoảng 350 triệu đồng thì hiện nay đã lên đến 400- 500 triệu đồng.

Trong đó ngoài tiền dầu, các thứ khác như luyn, đá và các đồ dụng cụ khác đều đã tăng so với trước.

Ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt (huyện Gio Linh) cho biết, có những chiếc tàu mỗi chuyến đi biển chi phí bình quân trên 350 triệu đồng, nhưng khi về bán hải sản chỉ thu lại được 150 triệu đồng, lỗ 200 triệu đồng.

“Một số thuyền nhỏ đi đánh bắt hàng ngày, trước đây chi phí khoảng 1,5- 2 triệu đồng thì hiện nay tăng cao, nhưng sản lượng đánh bắt chỉ khoảng 1 triệu đồng”, ông Hùng cho hay.

Trao đổi với PV, nhiều chủ tàu cá kiến nghị, để ngư dân an tâm bám biển, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách điều tiết giảm hoặc giữ giá xăng dầu ở mức hợp lý.

Bởi lẽ, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45- 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề.

Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10-15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35-48%.

Vì thế, ngư dân mong Nhà nước có các cơ chế chính sách để hỗ trợ như giảm lãi suất vay, đầu tư vốn…

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định cho hay, cần có thêm các chính sách để trợ giá, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Bởi nếu tàu cá nằm bờ kéo dài nhiều thì dịch vụ hậu cần cũng “chết” theo.

“Hàng hóa tiêu thụ cho các tàu cá năm nay giảm hơn so năm ngoái đến 40%. Dịch vụ thu mua thủy sản cũng khốn đốn không kém, cá về bờ ít, sản lượng thu mua không đủ chuyến nên không đủ lượng hàng để xuất, phải lưu kho, mà lưu kho thì phải tốn thêm phí…”, ông Thiện nói.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 6.790 tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có hơn 1.200 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, khai thác đạt 39.415,1 tấn.

Ngư dân Quảng Bình đang mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ giá nhiên liệu để họ an tâm bám biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng kiến nghị, để ngư dân yên tâm ra khơi, Nhà nước nên sớm ban hành các chính sách hỗ trợ, nếu không sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi tàu phải nằm bờ.

Tàu cá miền Tây bắt đầu bám biển trở lại

Sau thời gian dài tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng do giá nhiên liệu tăng cao, nhiều chủ tàu cá ở miền Tây bắt đầu cho tàu ra khơi trở lại.

Ông Đoàn Quốc Lượm, ngư dân làm nghề lưới vây ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, 4 tàu cá của gia đình vẫn cố gắng duy trì đánh bắt, chấp nhận hòa, thậm chí lỗ bởi “tàu nằm bờ thì không biết làm gì”. “Chi phí cho 4 tàu của gia đình khoảng 12.000 lít dầu, giá khoảng 320 triệu đồng. Giờ giá dầu giảm xuống ngư dân mừng lắm!”, ông Lượm nói.

Anh Ngô Quốc Lập (hành nghề ghe ốc ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, nếu trước đây, chi phí mỗi chuyến đi khoảng 100 triệu đồng thì nay đã giảm xuống được khoảng hơn 10 triệu đồng/chuyến.

Tại tỉnh Cà Mau có 4.500 tàu khai thác thủy sản, đa số các tàu cá nằm bờ thời gian qua là tàu nhỏ, vốn ít. Một số tàu lớn cố duy trì hoạt động để đảm bảo nguồn cung cho đối tác. Hiện tại, số lượng tàu cá ra khơi đã nhiều. Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tỉnh đã hỗ trợ chi phí cước thuê bao của thiết bị giám sát hành trình.

Còn tại Sóc Trăng, ông Lư Tấn Hòa, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, địa phương có 996 tàu cá. Trong đó, có 336 phương tiện khai thác đánh bắt xa bờ. Khoảng một tháng trước có hơn 150 tàu tạm ngưng hoạt động, hiện nay phần lớn đã ra khơi.

Gia Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.