Thị trường

Xăng tăng giá liên tiếp, hàng hóa khó đứng yên

25/05/2015, 07:05

Giá xăng dầu tăng hai lần với tổng mức tăng hơn 3.000 đồng khiến mọi loại hàng hóa, cước vận tải khó đứng yên

42

Người tiêu dùng tính toán, thắt chặt chi tiêu sau khi xăng tăng giá

Áp lực tăng giá kép

Sáng 22/5, nhận chuyến hàng thực phẩm tươi sạch đặt tại địa chỉ quen thuộc, chị Hòa (ở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được nhân viên giao hàng thông báo: “Hôm nay tiền ship (giao hàng) tăng thêm năm nghìn đồng do giá xăng tăng”.

“Năm nghìn đồng không lớn, nhưng cái gì cũng tăng một tý, thành ra cộng dồn cả tháng cũng đáng kể. Trong khi đó, lương hai vợ chồng đâu có tăng, đành ca bài tiết kiệm vậy”, chị Hòa than.

"Tổng cộng ba lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay đã là 4.750 đồng/lít nên chắc chắn sẽ tác động mạnh tới cước vận tải hàng hóa, kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ trung gian khác tăng lên. Sức mua đang yếu mà hàng hóa tăng giá thì sức mua lại càng yếu”.

Ông Vũ Vinh Phú
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Theo chị Hòa, nhà sử dụng một ôtô, một xe máy, trung bình tiền xăng cũng hết 2,5 triệu đồng/tháng. Từ Tết đến nay, giá xăng tăng ba lần, tổng mức tăng gần 4.800 đồng/lít, tính ra tiền xăng cũng thêm hơn 700 nghìn đồng. “Tháng trước tiền điện đã thấy tăng thêm hơn 100 nghìn đồng rồi, sau đó xăng tăng, rồi hàng hóa thế nào chả tăng theo, giờ thì mỗi tháng gia đình phải tăng chi cả triệu bạc”, chị Hòa nhẩm tính.

Tăng phí 2-10 nghìn đồng cho một chuyến ship hàng là mức phổ biến được các cửa hàng, siêu thị online áp dụng sau đợt tăng giá xăng ngày 20/5 vừa qua. Chị Loan, chủ hiệu bánh trên đường Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, từ sau đợt xăng tăng giá ngày 5/5, chị đã phải trả thêm cho người ship hàng 5 nghìn đồng/chuyến, tới sau ngày 20/5 thì trả thêm 8 nghìn đồng/chuyến. “Nắng nóng thế này, xăng lại tăng giá, không trả thêm tiền người ta không đi giao hàng cho”, chị Loan giải thích.

Anh Tú, giám đốc doanh nghiệp (DN) sản xuất nước uống tinh khiết ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho hay, điện tăng giá, mỗi tháng DN đã tốn thêm hơn ba triệu đồng, nay xăng dầu tăng giá, riêng tiền hỗ trợ cho đội ngũ chuyển hàng bằng xe máy đã tăng thêm ba triệu đồng/tháng. “Trước mỗi bình nước còn lãi được hơn một nghìn đồng, giờ chỉ còn vài trăm. Áp lực tăng giá rất lớn nhưng không dễ tăng giá vì chúng tôi hầu như đổ buôn, tăng một đồng cũng dễ mất khách hàng”, anh Tú nói.

Vận tải chạy xăng khó “gồng” mãi

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, hầu hết các DN vận tải taxi đã có động thái điều chỉnh giá cước. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội, Taxi 3A, Group, Sun Taxi... đã điều chỉnh tăng 500 đồng/km; còn hầu hết các DN khác đang trình phương án điều chỉnh với cơ quan chức năng. “Vẫn biết thị trường vận tải đang cạnh tranh gay gắt, nên nhiều DN vận tải gồng mình không tăng giá từ đợt xăng tăng giá đầu tháng 5. Nhưng đến lần tăng giá xăng thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng này, DN khó “gồng” được nữa”, ông Liên nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho hay, giá xăng tăng liên tục mấy kỳ với mức tăng hơn 30%, thì chắc chắn các hãng taxi điều chỉnh cước vận tải. “Mức tăng giá vận tải chạy xăng phải ngót nghét 10% mới phù hợp, còn vận tải chạy dầu diesel do mức tăng chỉ khoảng 500 đồng từ đầu năm đến nay nên sẽ không biến động”, ông Thanh dự báo.

Không xác nhận cụ thể mức tăng giá cước vì còn đang phải tính toán, xin ý kiến cơ quan chức năng, nhưng ông Nguyễn Công Hùng, PGĐ Mai Linh Đông Bắc bộ cho hay: “Việc điều chỉnh chắc cũng sớm thôi”. Còn ông Phan Đăng Nghiêm, PGĐ Taxi Ba Sao thì cho biết, mức tăng dự kiến 500-1.000 đồng/km.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, xăng dầu là yếu tố đầu vào của ngành vận tải và các mặt hàng khác, nên khi giá xăng tăng tới 30% từ đầu năm đến nay, cộng tác động kép từ giá điện tăng, tỷ giá tăng chắc chắn làm cho chỉ số giá cả sẽ tăng cao, khiến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và DN giảm sút.

“Tháng 5, CPI của Hà Nội tăng 0,12%; TP HCM tăng 0,74% so với tháng 4, đặc biệt nhóm giao thông của hai thành phố lớn đều tăng 1,05-1,06%, chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5/5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo. Sang tháng 6, CPI cũng sẽ tiếp tục tăng từ ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng ngày 20/5 này”, ông Long dự báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.