Xã hội

Xanh ngắt Mường La sau trận lũ cuốn trôi cả làng

02/09/2019, 07:41

Sau hai năm lũ dữ cướp đi sinh mạng của 15 người, vùi lấp cả bản làng dưới tan hoang đá phủ, giờ sắc xanh sự sống đã hiện diện ở Nậm Păm...

img
Vợ chồng anh Cà Văn Tiên nhớ lại trận lũ quét lịch sử

Gượng dậy từ hoang tàn

Những ngày đầu tháng 8, trở lại với Mường La, PV Báo Giao thông không khỏi ngỡ ngàng bởi thung lũng hoang tàn toàn đá vùi lấp sau trận lũ dữ lịch sử năm 2017 giờ đã thấp thoáng sắc xanh. Đó là những sắc xanh của ruộng, của vườn, của cây cối được bà con lật đá, cố gắng canh tác trên những mảnh đất ít ỏi không còn bị đá bao phủ.

Từ trung tâm thị trấn Ít Ong về hướng xã Nậm Păm, trên tuyến tỉnh lộ 109, mặt đường vẫn đầy đất đá gồ ghề, tuy nhiên xe ô tô 7 chỗ, bán tải gầm cao vẫn có thể di chuyển được. Bên đường, những ngôi nhà mới dựng lên, phía bên bờ suối là những mảnh ruộng đang được các mẹ, các chị tranh thủ xuống cấy. Những mảnh ruộng, mảnh vườn bé bé, nằm xen kẽ giữa những hòn đá tảng to như cái giường, có tảng đá to như cái nhà, là minh chứng cho trận lũ kinh hoàng năm ấy.

Nằm ở trung tâm xã là công trình Trạm Y tế đã hoàn thành và bàn giao đưa vào phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người dân. Cách đó không xa, ngôi trường tiểu học đang được khẩn trương hoàn thành để đón các cháu học sinh tựu trường.

Cửa hàng tạp hóa bên đường của gia đình anh Lò Văn Phong (39 tuổi, bản Hua Nặm, xã Nậm Păm) nhỏ xinh, nhưng cũng đầy đủ những mắm muối, mỳ tôm, sữa, trứng… Anh Phong nhớ lại, thấy tiếng động ầm ầm như bom dội, mọi người trong gia đình hò nhau chạy, tí nữa còn không kịp, người anh trai còn bị nước lũ cuốn trôi đi một đoạn, may mà vẫn bơi vào được.

Trận lũ năm ấy đã cuốn trôi hết đồ đạc hàng hóa của gia đình anh Phong, ước tính thiệt hại lên đến 100 triệu đồng. Sau lũ, gia đình anh phải đi ở nhờ anh em họ hàng trong bản hơn một tháng, đợi đến khi Nhà nước làm xong mặt bằng thì gom cây cối, cùng với số tiền huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, rồi vay thêm vốn ngân hàng làm lại ngôi nhà khoảng 150 triệu đồng để vừa ở, vừa bán hàng.

img
Nhà dân bị lũ tàn phá khi quét qua năm 2017

Tại một ngôi nhà còn nguyên mùi vôi vữa ở bản Hốc, xã Nậm Păm, anh Cà Văn Tiên (33 tuổi) vừa đi nương về, mồ hôi thấm ướt áo. Chỉ tay về tảng đá to gần nhà, anh Tiên bảo chỗ đó vốn là nhà cũ. “Ngày xưa nhà mình ở ngay cầu, sát bờ suối. Nhà làm kè cũng kiên cố lắm, ấy vậy mà lũ dữ đổ về, chúng tôi gọi nhau chạy lên chỗ cao hơn, quay lại thì chả thấy nhà đâu nữa, chỉ thấy toàn đá là đá”, anh Tiên kể.

Sau lũ, gia đình anh Tiên đã được hỗ trợ 30 triệu đồng tiền mặt, các nhà hảo tâm người thì ủng hộ vài triệu người thì vài trăm cùng các nhu yếu phẩm khác. Anh Tiên vay ngân hàng 100 triệu đồng nữa, dựng lên ngôi nhà này, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn vì giờ thu nhập chính của cả gia đình phụ thuộc vào số tiền 2 triệu đồng từ việc làm bảo vệ cho nhà trường của anh.

“Trước khi xảy ra trận lũ kinh hoàng ấy, gia đình còn có đất để làm ruộng, nhưng giờ toàn đá thế này, chúng tôi phải thuê máy xúc lật đá lên, cố tìm những khoảnh đất nhỏ để cấy lúa”, anh Tiên chia sẻ và cho biết thêm, lúc lật đá tìm đất canh tác vất vả lắm, những hòn đá to như cái bàn, những gốc cây cổ thụ bị lũ cuốn tạo nên những lớp bùn đất dày cả chục mét. Những viên đá to thì cho máy xúc chôn xuống dưới sâu, những viên nhỏ huy động sức người xếp sang một bên, còn lớp đất phù sa thì để lên trên mặt, rồi dẫn nước về để cấy.

“Nhà tôi thuê máy làm khoảng hơn 2 ngày thì xong, tính ra chi phí hết khoảng 10 triệu đồng, không có tiền trả, giờ đang còn phải nợ. Đấy là ruộng nhà tôi gần dễ làm chứ nhiều nhà khác ở xa, nhiều viên đá to bồi lấp thì làm sẽ tốn thời gian, tốn tiền hơn nữa…”, anh Tiên nói.

Không để “thung lũng chết”

img
Bản làng mới ở Nậm Păm, Mường La hiện tại

Ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm nhớ lại: Cơn lũ quét đêm 2 rạng sáng 3/8/2017 làm 15 người chết và mất tích, 12 người bị thương, 398 ngôi nhà bị thiệt hại, 15 điểm trường, 7 công trình văn hóa bị ảnh hưởng, 282,1% ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 2.500 con gia súc, gần 16.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Lũ quét đã cuốn trôi hai đường dẫn lên cầu cứng Nậm Păm, làm QL279D bị tắc hoàn toàn, 7 xã bị cô lập; 15km tỉnh lộ 109 từ ngã ba bản Nà Lốc đi xã Ngọc Chiến và 67km các tuyến đường trên địa bàn bị hư hỏng…

Sau 2 năm bà con cũng đã khôi phục lại tương đối số ruộng nương để cấy lúa. Dân cư ngày trước chủ yếu nằm ở hai bên đường, giờ đã được quy hoạch chuyển toàn bộ bản sang một bên chân núi, khu vực giáp suối giờ đã cải tạo thành ruộng để sản xuất. Từ năm 2017-2019, huyện Mường La tập trung chỉ đạo trồng trên 224ha cây ăn quả các loại; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò và dê cho 170 hộ có nhà bị sụp đổ hoàn toàn, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò, 2 con dê; hộ có nhà bị hư hỏng nặng mỗi hộ được hỗ trợ 2 con dê.
Bà Quàng Thị Duyên, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La


“Thời điểm sau khi lũ rút, khu vực bên trong xã bị cô lập hoàn toàn, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn phải vòng qua đồi, sau hai ngày lũ quét mới vào đến bản đầu tiên. Những đội cứu hộ phải lội bộ cả chục km trong địa hình toàn đá, đá lấp xấp nước vào bản; hoặc dân bản phải lội bộ mấy tiếng ra đầu cầu Nậm Păm trong khi đội cứu trợ bắc thang cõng đồ ăn, nước uống lên cầu, thả xuống cho bà con ở đầu cầu bên kia. 10 ngày sau lũ quét, cây cầu Nậm Păm đã được khôi phục. Một con đường cứu trợ hình thành bằng cách san gạt những tảng đá lớn dưới lòng suối, giúp công tác cứu trợ và khắc phục sự cố thuận lợi hơn”, ông Cẩn kể.

Theo ông Cẩn, ngay sau khi trận lũ xảy ra, huyện đã làm 128 nhà khung sắt lắp ghép bằng tôn để tạm thời khắc phục chỗ ở cho người dân. Đến ngày thứ 10, huyện, xã đã tổ chức họp tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, quy hoạch 5 điểm ổn định dân cư trên địa bàn xã cho các hộ dân ở các bản Hua Nặm, Huổi Liếng, Bản Hốc, Bản Bâu, Bản Piệng, Huổi Sói. Tiếp đó, hỗ trợ sản xuất như cung ứng cây giống, xoài, nhãn, bưởi da xanh… hỗ trợ dê, bò giống. Ngoài ra, hỗ trợ cho các hộ mất nhà hoàn toàn 1 năm gạo ăn, 57 hộ bị sập nhà 6 tháng gạo ăn, 169 hộ bắt buộc phải di dời 3 tháng gạo ăn và thường xuyên hỗ trợ cho bà con vào dịp giáp hạt.

“Đến nay, diện tích đất ruộng bị cuốn trôi khoảng 50ha, đến 6/2019 đã khôi phục lại gần hết. Đời sống của nhân dân đến thời điểm này cơ bản đã ổn định. Bà con nhân dân hi vọng được Đảng và Nhà nước quan tâm nâng cấp đường tỉnh lộ 109 và sớm hoàn thiện một số cầu cống để yên tâm sản xuất và phát triển”, ông Cẩn đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.