Xã hội

"Xâu xé" lòng sông Lại Giang: Chưa được cấp phép, đã ồ ạt khai thác

27/11/2020, 17:10

Chưa được cấp phép khai thác khoáng sản, Công ty TNHH Thành Hương ồ ạt nạo vét đất, cát lòng sông Lại Giang (TX.Hoài Nhơn, Bình Định).

img
Hoạt động nạo vét cát trên sông Lại Giang đã ồ ạt diễn ra trong một thời gian dài nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có hồ sơ cấp phép khai thác, thu hồi sản phẩm cát theo quy trình rút gọn

Đi sâu tìm hiểu Dự án nạo vét sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn), PV tiếp tục được cung cấp thông tin, ghi nhận thêm nhiều vi phạm nghiêm trọng của đơn vị thi công nạo vét này.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở TN&MT Bình Định cho biết: ngay sau khi Báo Giao thông phản ánh, Sở có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh về trình tự hồ sơ, pháp lý liên quan dự án nạo vét sông Lại Giang.

Theo đó, ngày 20/11/2019, UBND huyện Hoài Nhơn (nay là UBND thị xã Hoài Nhơn) có Tờ trình số 618/TTr-UBND về việc xin tiếp tục thực hiện Dự án nạo vét sông Lại Giang và sử dụng sản phẩm cát lẫn đất hỗn tạp để phục vụ san lấp các công trình trên địa bàn. Đến ngày 9/12/2019, UBND tỉnh Bình Định có văn bản thống nhất giao Sở TNMT tỉnh Bình Định hướng dẫn UBND huyện Hoài Nhơn thực hiện việc cải tạo, nạo vét sông Lại Giang. Trong đó yêu cầu: “các doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép khai thác, thu hồi sản phẩm cát theo quy trình rút gọn”.

Ngày 20/1/2020, Sở TNMT tỉnh Bình Định có văn bản hướng dẫn UBND huyện Hoài Nhơn yêu cầu các doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản.

img
img
Nhiều phương tiện chở cát từ sông Lại Giang hướng ra QL1, không thuộc khu hành chính, dân cư Bạch Đằng như quy định gây thất thoát tài nguyên

Ngày 23/4/2020, UBND thị xã Hoài Nhơn tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép cho nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Lại Giang.

Chỉ 3 ngày sau, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản (ngày 27/4/2020) thống nhất theo đề xuất của UBND TX.Hoài Nhơn, “cho Công ty TNHH Xây dựng Thành Hương (gọi tắt là Công ty Thành Hương) thi công nạo vét đoạn từ cầu Bồng Sơn cũ đến cầu Bồng Sơn mới, khối lượng sau khi nạo vét phục vụ san lấp mặt bằng Khu hành chính, dân cư tuyến đường Bạch Đằng, phường Bồng Sơn, phần khối lượng còn lại lập thủ tục theo đúng quy định”.

Theo chủ trương phê duyệt của UBND tỉnh Bình Định, thị xã Hoài Nhơn, Công ty Thành Hương đóng vai trò là đại diện chủ đầu tư (UBND thị xã Hoài Nhơn) triển khai dự án nạo vét, và là đơn vị đại diện chính cho các nhà thầu khác khi được UBND thị xã Hoài Nhơn chỉ định tham gia cùng nạo vét đoạn từ cầu Bồng Sơn cũ đến cầu Bồng Sơn mới.

Tỉnh quy định rõ ràng về việc lập hồ sơ cấp phép khai thác... Tuy nhiên, đến nay khi hoạt động khai thác đã diễn ra ồ ạt, không biết bao nhiêu khối lượng cát sông Lại Giang đã bị lấy đi nhưng đơn vị thi công là Công ty Thành Hương vẫn chưa nộp hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản cho Sở TNMT tỉnh Bình Định tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép.

img
Dù "hứa" sẽ quản lý, không để thất thoát khoáng sản trong quá trình nạo vét sông Lại Giang. Nhưng thực tế theo điều tra của Báo Giao thông, một khối lượng cát rất lớn đã được vận chuyển ra bên ngoài trái quy định. Trong ảnh: Bãi chứa cát do phương tiện mang logo Nam Tiến chở từ sông Lại Giang về chứa tại phường Tam Quan

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định xác nhận: hiện, Thành Hương mới chỉ có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chứ chưa có hồ sơ cấp phép. Sở TNMT đã rất nhiều lần đôn đốc các đơn vị thực hiện để được UBND tỉnh cấp phép nhưng đến nay Công ty Thành Hương vẫn chưa thực hiện.

Theo quy trình thủ tục, phải có đánh giá tác động môi trường, sau đó kèm theo hồ sơ xin phép thu hồi khối lượng cát để san lấp công trình của huyện mới đảm bảo yêu cầu. Nhưng ở đây phía doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục.

Theo Sở TNMT tỉnh Bình Định, ngày 6/5/2020, đơn vị này có văn bản hướng dẫn UBND thị xã Hoài Nhơn yêu cầu Công ty Thành Hương lập thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chây ì chưa hoàn thành để Sở trình lên tỉnh. Do đó, mới đây, Sở TNMT đã có văn bản kính đề nghị UBND tỉnh Bình Định giao UBND thị xã Hoài Nhơn yêu cầu phía Công ty Thành Hương khẩn trương hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản.

"Thời gian thực hiện đến ngày 15/12/2020, quá thời hạn các doanh nghiệp không thực hiện thì đình chỉ việc thi công nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Lại Giang của doanh nghiệp này", lãnh đạo Sở TN&MT nhấn mạnh.

img
Chưa hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác, đại diện chủ đầu tư Thành Hường cùng các đơn vị ồ ạt nạo vét quá độ sâu quy định...
img
Dù chỉ được cho phép nạo vét với cao trình 1,3m nhưng nhiều DN phớt lờ, ngoạm sâu xuống lòng sông để lấy cát khiến sông Lại Giang xuất hiện nhiều đoạn sâu hoắm, biến dạng

Sở TNMT tỉnh Bình Định khẳng định: Bản chất ở đây không phải là mỏ khoáng sản mà là dự án nạo vét để thu hồi vật liệu. UBND thị xã là chủ đầu tư nên giao cho UBND thị xã kiểm tra việc nạo vét, đưa vật liệu đi đâu. Nếu để gây thất thoát tài nguyên, thị xã phải xử lý đối tượng gây thất thoát, ở đây Công ty Thành Hương - đơn vị thi công chính về mặt giấy tờ. Đồng thời, UBND thị xã sẽ chịu trách nhiệm trước tỉnh nếu để doanh nghiệp vi phạm.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Công ty TNHH XD Thành Hương vi phạm quy định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản. Tháng 3/2020, Sở TN&MT cho biết đang tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm khai thác khoáng sản với Công ty Thành Hương và yêu cầu UBND thị xã Hoài Nhơn đánh giá toàn bộ hoạt động khai thác cát của các đơn vị trên sông Lại Giang từ năm 2015. Tuy nhiên, ngày 24/4/2020, UBND thị xã có Tờ trình 187 về việc xin nạo vét sông Lại Giang và chỉ 3 ngày sau, UBND Bình Định ra Văn bản 2674 chấp thuận, cho Thành Hường nạo vét sông Lại Giang đoạn cầu Bồng Sơn cũ đến cầu Bồng Sơn mới.

Xử lý vi phạm thế nào?

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Cao, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đà Nẵng) cho biết, theo quy định hiện hành, hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước sẽ bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền...

Hành vi nạo vét, khơi thông luồng, khai thác cát, sỏi trên sông, hồ không đúng phương án bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; khai thác vượt ra ngoài ranh giới cho phép hoặc quá độ sâu cho phép bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng. Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần... Thậm chí, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.