Chuyện dọc đường

Xây bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ để làm gì?

18/05/2020, 06:30

Dù huy động vốn bằng hình thức nào thì chắc chắn số tiền đó cũng là nguồn lực của xã hội, nên cần phải cân đong, đo đếm thật kỹ lưỡng.

img
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: laodong

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký quyết định phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Bảo tàng dự kiến xây dựng tại huyện Vũng Liêm, với tổng diện tích đất 11ha nhằm tôn vinh sự cần cù, sáng tạo và vai trò to lớn của nông dân. Tuy nhiên, việc này đang gây ra những tranh cãi gay gắt.

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, việc xây dựng bảo tàng nói chung là rất cần thiết và bảo tàng nông nghiệp thì lại càng nên. Đặt vấn đề xây dựng một bảo tàng về nông nghiệp ở ĐBSCL là rất nên.

Tuy nhiên, việc này cần phải được cân nhắc và có một sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Cân nhắc về mặt tiền bạc để xây dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tổ chức, nội dung, kế hoạch, chứ không phải cứ dựng một khu lên với nhà và khuôn viên sẽ thành bảo tàng. Bài học nhiều bảo tàng “trống rỗng” khi không có hiện vật trưng bày ở một số nơi vẫn còn nguyên giá trị.

Mới đây nhất là Bảo tàng Hà Nội - khánh thành 10 năm (năm 2010) với số vốn cả nghìn tỷ đồng nhưng vẫn không thể mở cửa đón khách. Lý do là chưa trưng bày xong, vì phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày. Đứng trước sự việc này, Thủ tướng đã yêu cầu điều chuyển Bảo tàng Hà Nội do TP Hà Nội quản lý về Bộ VH-TT&DL.

Trở lại với câu chuyện của tỉnh Vĩnh Long, chưa biết địa phương này đã chuẩn bị được những gì, nhưng một điều chắc chắn, để làm một bảo tàng có hồn có cốt trong một thời gian ngắn không phải chuyện đơn giản. Vì xây bảo tàng không giống như xây dựng một tòa nhà để ở hay để làm việc.

Vấn đề tiền bạc, 400 tỷ đồng cũng không phải quá lớn khi so sánh với những bảo tàng ở các địa phương khác đã từng xây dựng. Tuy nhiên, số tiền 400 tỷ đồng cũng không phải nhỏ so với ngân sách một tỉnh như Vĩnh Long.

Dù huy động vốn bằng hình thức nào thì chắc chắn số tiền đó cũng là nguồn lực của xã hội, nên cần phải cân đong, đo đếm thật kỹ lưỡng. Nhất là ở thời điểm hiện nay, ĐBSCL ngoài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chung với cả nước còn phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn.

Việc xây bảo tàng nông nghiệp là rất cần và rất nên, nhưng đứng trước việc người dân đang phải vật lộn với việc thiếu nước ngọt, đồng ruộng có nơi chết cháy vì hạn hán và ngập mặn thì việc dành tiền xây bảo tàng và dành tiền để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 và chống hạn hán là phải hết sức cân nhắc.

Bảo tàng đồ sộ, nguy nga nhưng năng suất, sản lượng, diện tích lúa hay nông sản giảm, người dân vẫn phải oằn mình chống hạn hán và xâm nhập mặn thì liệu việc xây bảo tàng có ý nghĩa hay không? Tại sao không xây khi cuộc sống của người dân đã bớt khó khăn, mà cứ nhất thiết phải là thời điểm này?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.