Xã hội

Xây cầu chặn đường thuyền qua, Phó chủ tịch phải đối thoại với dân

22/03/2018, 16:52

Cầu Tân Hiệp (Hậu Giang) đang bị người dân phản ứng vì cầu thấp không thể thông thuyền...

đoi-thoai

Buổi đối thoại với sự tham gia của đông đảo người dân chịu ảnh hưởng trong kinh doanh do dự án cầu Tân Hiệp. Ảnh Lê An

Cầu xây quá thấp

Ngày 22/3, trước những bức xúc của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mở cuộc đối thoại với người dân.

Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Minh Phụng (ấp Tân Lợi) bày tỏ, gia đình có máy gặt đập liên hợp nhưng từ khi cây cầu đưa vào xây dựng đã khiến việc đi lại bị cản trở. “Cầu xây thấp như thế, tôi muốn đưa phương tiện đi qua để phục vụ bà con nhưng bị kẹt. Ngoài con đường này, không còn đường khác để đi nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước bắc cầu, chúng tôi rất mừng và ủng hộ nhưng xây cầu thì phải đảm bảo việc lưu thông cho người dân.

doi-thoai-cau-khong-thong-thuyen 1

Ông Võ Văn Đoàn, bày tỏ bức xúc trong buổi đối thoại. (Ảnh Lê An)

Còn ông Võ Văn Đoàn, Chủ Cơ sơ vật liệu xây dựng Ba Đoàn cho rằng: "Thời gian đầu, biết việc xây cầu này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua lại, phát triển địa phương, người dân chúng tôi rất vui mừng và ủng hộ. Nhưng bắc cây cầu thấp như thế ảnh hưởng đến việc mua bán kinh doanh của chúng tôi. Suốt 6 tháng nay từ khi có cây cầu này ghe không thể xuất nhập hàng gì được, cơ sở phải ngừng hoạt động. Đã là cầu thì phải đủ độ cao thông thuyền để tàu ghe qua lại chứ. Người dân chúng tôi tha thiết mong chính quyền xem xét việc nâng cầu cao hơn để người dân chúng tôi thuận tiện mua bán”.

Trước những bức xúc của người dân, ông Trần Thanh Lam, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, đề nghị người dân có thể sử dụng tuyến kênh Ba Bọng làm tuyến lưu thông thay cho tuyến kênh Tân Hiệp. 

doi-thoai-dan-cau-khong-thong-thuyen 2

Cầu Tân Hiệp (thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang được xây dựng

Không thể ngưng xây cầu

Theo lãnh đạo UBND huyện Châu thành A, trước khi tiến hành chủ trương xây dựng dự án cầu Tân Hiệp, địa phương có tiến hành mời dân đến lấy ý kiến về vấn đề này. Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn Thọ, một trong những hộ dân có mặt tại cuộc lấy ý kiến cho biết: “Năm 2016 tổ chức họp dân, tôi có tham dự lấy ý kiến về việc xậy dựng cầu Tân Hiệp. Có 2 phương án đưa ra, tôi nhớ là chọn phương án 2, dự toán là 19 tỷ. Sau khi nghe, có người không đồng tình vì cầu này thấp quá, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân".

Liên quan đến vấn đề đã tổ chức họp dân và đạt được sự đồng thuận, ông Trần Thanh Lam cho biết, theo hồ sơ, thời điểm đó chỉ có 41 bà con dự. Nhiều người dân được mời nhưng không đến dự, nay lại phản ứng nên gây khó khăn cho địa phương.

“Bây giờ sự việc cũng lỡ rồi. Tôi xin có ý kiến bà con vẫn cho tiến hành thi công cầu vì theo hợp đồng với nhà thầu, nếu chúng ta trì hoãn thì sẽ bị phạt hợp đồng. Mong bà con chia sẻ khó khăn bằng cách đi tuyến kinh Ba Bọng, chúng tôi sẽ rà soát và tiến hành nạo vét lại lần nữa...”, ông Lam đề nghị.

doi-thoai-dan-cau-khong-thong-thuyen

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu là theo đúng quy trình. (Ảnh: Lê An)

Kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc đầu tư xây dựng cầu là theo đúng quy trình. Từ quy mô, cho đến kết cấu không thông thuyền, Huyện đã tổ chức họp dân lấy ý kiến, đồng thời đã thông báo ở khu vực để người dân có ý kiến. Cuộc họp lấy ý kiến vào năm 2016 có 41 hộ cơ bản đồng ý. Trên cơ sở đồng ý của hộ dân, huyện có văn bản thống nhất về quy mô đầu tư công trình. Việc thực hiện quy trình đầu tư xây dựng thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế dân chủ.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng thông tin, đối với trục đường 37 nối khu thương mại với trung tâm hành chính của huyện là trục đường trung tâm, không phải đường tránh đô thị. Nên cầu được xây dựng là cầu không thông thuyền để thuận lợi kết nối giao thông tạo vẻ mỹ quan đô thị. UBND tỉnh đã đồng thuận với quy mô, sau đó tiến hành tổ chức thiết kế thi công. Hiện đã lắp dầm được 2 nhịp, chỉ còn nhịp giữa.

Đối  với việc xây cầu đã ảnh hưởng đến một số hộ dân kinh doanh, ông Tuấn đề nghị huyện tập hợp danh sách, huyện có văn bản đề nghị Thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan. Đặc biệt, phải đưa ra đề xuất trên cơ sở đảm bảo việc đi lại của bà con.

“Đề nghị bà con đồng thuận để cầu được thi công. Còn với tuyến kênh Ba Bọng, tôi đề nghị huyện phối hợp cùng các ngành chức năng đi khảo sát để nạo vét mở rộng cho bà con đi, tránh việc đi lại quá khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.