Văn hóa - Giải Trí

Xây dựng gameshow “sạch”, lợi cả đôi đường

12/10/2016, 16:05
image

Những màn giả gái dường như trở thành một đặc sản thu hút sự chú ý của nhiều khán giả.

Gương mặt thân quen nhí hạn chế cho thí sinh nhí g
“Gương mặt thân quen nhí” hạn chế cho thí sinh nhí giả gái

Trong sự bão hòa gameshow, truyền hình thực tế (THTT) như hiện nay thì việc sản xuất những gameshow “sạch”, ít chiêu trò là điều quan trọng để không kéo tụt tư duy thẩm mỹ và trình độ của khán giả cũng như cho chính những người chơi.

Hạn chế việc giả gái

Vài năm trước, khi các gameshow truyền hình còn chưa nhiều, những màn giả gái dường như trở thành một đặc sản thu hút sự chú ý của nhiều khán giả một số gameshow hài. Thế nhưng, cùng với sự phát triển chóng mặt về số lượng và thể loại gameshow, những màn giả gái ngày càng nhiều và ngày càng lố lăng tới phản cảm. Từ những cuộc thi về ca nhạc diễn xuất như: Tuyệt chiêu siêu diễn; Gương mặt thân quen tới những chương trình hài kịch như Ơn giời, cậu đây rồi; Bí mật đêm chủ nhật; Cười xuyên Việt, Kỳ phùng địch thủ…, bất cứ chương trình nào người ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình tượng nam giả nữ. Hài hước có, đáng yêu có, lố lăng cũng có.

Thực tế, sự phủ sóng dày đặc của các gameshow, THTT trên các kênh truyền hình hiện nay có lẽ là lý do khiến các nhà sản xuất (NSX) phải tìm ra nhiều chiêu trò để thu hút sự chú ý của công chúng với chương trình của mình. Từ những scandal, những câu chuyện bên lề khai thác hoàn cảnh gia đình thí sinh tới những màn giả giới tính tràn lan, cuộc chiến gameshow ngày càng khốc liệt cũng khiến khán giả nhàm chán và mệt mỏi bởi những lùm xùm và những chiêu trò không hồi kết.

Thực ra, chuyện giả gái cũng chỉ là một xu hướng chung thôi. Nhiều thần tượng của Hàn Quốc như Super Junior, SHINee, EXO cũng hay giả gái trong các gameshow truyền hình. Do đó, một  gameshow “sạch” hay không “sạch” tùy vào nội dung và cách thể hiện.

Những chương trình THTT như: Vượt lên chính mình; Lữ khách 24h… vẫn có rating rất cao mà không cần giả gái đấy thôi. Những chương trình ấy rất nhân văn. Cũng bởi khán giả cần một gameshow hay, hấp dẫn và ý nghĩa”.Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân

Tuy nhiên, đứng giữa trận địa ấy, Gương mặt thân quen nhí mới đây lại gây chú ý bởi việc NSX công bố sẽ hạn chế những màn giả gái trong chương trình. Theo đó, nếu thí sinh bốc trúng nhân vật phải hóa thân là nữ thì huấn luyện viên của thí sinh sẽ giả gái. Tương tự, cặp thí sinh - huấn luyện viên bốc trúng đề tài diễn đôi song ca nam - nữ thì huấn luyện viên sẽ phải hóa thân thành nữ.

Thực ra, tiêu chí này đã được NSX Gương mặt thân quen nhí áp dụng từ mùa giải đầu tiên. Theo đạo diễn Quốc Thảo, chương trình không muốn đem nhiều hình ảnh phản cảm lên sân khấu vì các bé đang trong độ tuổi phát triển về giới tính, cảm xúc. Tuy nhiên, do tính chất chương trình bắt buộc người tham gia phải hóa thân thành nghệ sĩ khác nên về phía thí sinh người lớn, việc giả giới tính chỉ hạn chế chứ không thể cấm tuyệt đối. Cũng từng giải thích về quy định này trong một mùa Gương mặt thân quen nhí, Ban tổ chức chương trình cho biết, rút kinh nghiệm từ Gương mặt thân quen phiên bản người lớn, việc hạn chế những màn giả gái nhằm tránh gây phản cảm và giúp các thí sinh nhí không phải đối mặt với những lời chọc ghẹo của bạn bè, làm ảnh hưởng tâm lý của các em.

Gameshow “sạch” vẫn có rating cao

Cũng trong Gương mặt thân quen nhí, đạo diễn Quốc Thảo tiết lộ chương trình tránh tối đa việc khai thác các hình thức diễn hài phản cảm và hướng đến nội dung nhân văn, tích cực. Các thí sinh được yêu cầu không diễn cường điệu, quá lố hình tượng nghệ sĩ họ hóa thân. Phục trang, đài từ của thí sinh được kiểm tra nghiêm ngặt.

Có lẽ trong thời điểm bùng nổ gameshow hiện nay, quyết định thực hiện một gameshow “sạch sẽ”, mang yếu tố nhân văn là một quyết định đúng đắn của NSX. Minh chứng cho điều ấy là hàng loạt những chương trình “sạch” nhưng vẫn có chỉ số rating cao như Cười xuyên Việt 2016; Tình bolero; Vượt lên chính mình… Trước đó, vào tháng 7/2016, NSX chương trình Cười xuyên Việt 2016 đã công bố rating trung bình của chương trình (cung cấp bởi Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, sử dụng công nghệ của Nielsen, đo lường chỉ số khán giả ở thị trường TP HCM) là trên 10,9%, đứng thứ hai trong Top 20 chương trình giải trí ở khu vực TP HCM, chỉ sau Tình Bolero.

Công bằng mà nói, chưa cần biết một chương trình sạch, ít chiêu trò có thể đạt được những thành công về mặt rating ra sao, nhưng với tư cách là những người tuyên truyền văn hóa thì việc tạo ra một sân chơi văn minh, sạch sẽ, công bằng là điều mà cả khán giả lẫn những người chơi đều mong muốn. Những trò chơi, chương trình truyền hình mang danh văn hóa nhưng thiếu sạch sẽ, đầu độc văn hóa khán giả sẽ dần bị đào thải nếu không chịu thay đổi. Bởi vì như hầu hết giới làm nghề đều nhận định: “Khán giả luôn công bằng”.

Theo đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân, một gameshow thành công dựa trên chỉ số rating. Những chiêu trò, đánh giá xung quanh chỉ là cảm tính và bàn bạc ra vào cho chương trình thêm xôn xao.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.