Phát triển - Kết nối

Xây dựng giao thông, nâng cao đời sống đồng bào huyện Cát Tiên

10/11/2021, 07:53

Phát triển giao thông nông thôn kết nối vùng sâu, vùng xa, đã đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư vào huyện Cát Tiên.

Huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng là vùng đất hội tụ của 22 dân tộc anh em, với tổng dân số trên 35.000 khẩu, trong đó có 21 dân tộc thiểu số gồm: Tày, Thái, Hoa, Mường, Nùng, Mông, Dao… Riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như Mạ, S’tiêng có 2.444 khẩu, chiếm 30,5% đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện.

Đến nay, huyện Cát Tiên được đánh giá là huyện đoàn kết, phát triển kinh tế đồng đều của Tây Nguyên. Để tạo động lực phát triển kinh tế, từ những năm 2015, hạ tầng giao thông huyện Cát Tiên đã được chính quyền và địa phương chú trọng. Từ đó, lãnh đạo huyện huy động sự đóng góp tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và toàn thể nhân dân.

img

Mạng lưới giao thông nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế đồng bào huyện Cát Tiên

Người dân đua nhau hiến đất, ủng hộ tiền làm đường

Tiêu biểu là xã Gia Viễn, xã Đức Phổ, xã Quảng Ngãi với nhiều gương điển hình tiên tiến tham gia đóng góp tiền, ngày công và hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Gia Viễn, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Thanh Tiến, xã Gia Viễn đã hiến 980m2 đất để làm đường và đóng góp kinh phí bằng tiền mặt là 52.800.000 đồng, bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn tự nguyện đóng góp 50.000.000 đồng xây dựng đường giao thông nông thôn; ông Đinh Công Đông, đảng viên 40 năm tuổi Đảng tự nguyện đóng góp 4.000.000 đồng và hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Bốn, công dân thôn Thanh Tiến, xã Gia Viễn đóng góp 51.000.000 đồng và hiến 790m2 đất để làm đường đồng thời trực tiếp tham gia ngày công, giám sát thi công công trình bảo đảm chất lượng; 12 hộ dân xóm 2 thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn đóng góp 252.000.000 đồng, tham gia ngày công và hiến đất xây dựng 1.200m đường giao thông nông thôn và nhiều hộ hiến đất xây dựng kênh mương nội đồng.

Ở xã Đức Phổ, gia đình ông Phạm Văn Lý ở thôn 4, xã Đức Phổ tự nguyện hiến 470m2 đất và hoa màu có trên đất để mở rộng và xây mới tuyến đường bằng bê tông dài 800m tại thôn 4, xã Đức Phổ đóng góp 3.200.000 đồng và 32 công lao động để làm đường giao thông nông thôn.

Công ty TNHH Phan Trần Phúc Đạt hỗ trợ kinh phí cùng với người dân đóng góp đối ứng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, hỗ trợ máy móc thi công các công trình với tổng mức hỗ trợ quy ra tiền trên 2 tỷ đồng…

Anh Lê Văn Hạ - Trưởng thôn Phước Thái, xã Phước Cát 2 chia sẻ: “Trước đây, vận động bà con đồng bào hiến đất làm đường khó khăn lắm. Nhưng khi thôn tiến hành họp dân, tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của việc làm đường giao thông nông thôn, quyền lợi mà chương trình mang lại, bà con nhân dân trong xóm đã thay đổi cách nghĩ, từ đó tự nguyện hiến đất, góp công, góp của, tạo mặt bằng thi công các con đường”.

Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: "Huyện Cát Tiên từ lâu đã xác định tiêu chí giao thông cần phải hoàn thiện sớm nhất có thể, để từ đó tạo đòn bẩy thúc đẩy hoàn thành nhiều tiêu chí còn lại. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trên cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến nay cuối năm 2020 tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trong toàn huyện đạt 86,1%".

Đảm bảo nối liền các tuyến đường nâng cao đời sống đồng bào

Đến nay Cát Tiên từng ngày “thay da, đổi thịt” với mạng lưới đường bộ trên địa bàn huyện có tổng chiều dài là 500,345 km; trong đó, đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài trên 408 km. Đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, trục chính nội đồng có tổng chiều dài hơn 328 km.

img

Nâng cấp mạng lưới giao thông là tiêu chí đầu tiên được huyện Cát Tiên chú trọng từ những năm 2015

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cát Tiên: Đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đến nay đã được cứng hóa với tỷ lệ là 86,1%; trong đó, đường huyện được nhựa hóa và bê tông hóa 72,6 km; đường trục thôn, liên thôn hơn 192 km; đường ngõ xóm trên 23,8 km và đường trục chính nội đồng 62,3 km.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng số tuyến đường giao thông nông thôn đầu tư theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm là 233 tuyến với tổng mức đầu tư hơn 405 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trên 354,8 tỷ đồng, chiếm gần 88% và Nhân dân đóng góp 50,3 tỷ đồng, chiếm gần 13%.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn, để có kế hoạch về vốn, nhằm cân đối và đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng cầu, đường nông thôn trên địa bàn huyện.

Cho đến đầu năm 2015, qua rà soát, Cát Tiên vẫn còn 637 hộ nghèo, tỷ lệ 6,53%. Riêng trong vùng dân tộc thiểu số, số hộ nghèo là 116 hộ, chiếm tới 20,44%. Nhờ phát triển tốt mạng lưới giao thông, đến năm 2018 đời sống và kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện.

Trong 3 năm gần đây, tốc độ giảm nghèo thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện hàng năm giảm 7,2%, vượt xa kế hoạch đề ra là mỗi năm giảm từ 4 - 5%.

Mạng lưới giao thông đồng bộ thu hút đầu tư cho đồng bào

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết thêm: "Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút được 2 dự án đầu tư gồm: Dự án cấp nước sạch sinh hoạt do Công ty Cổ phần Đầu tư Lộc Phát và Dự án Bến xe trung tâm huyện do Công ty Cổ phần Cát Tiên Phát làm chủ đầu tư.

Các dự án này đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân trên địa bàn. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã liên tục chủ trì các cuộc họp, đôn đốc các ngành, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thành các dự án trọng điểm".

img

Ổn định mạng lưới giao thông đồng bào thiểu số ổn định cuộc sống, làm giàu từ nghề trồng dâu nuôi tằm

Đối với chương trình thu hút đầu tư, huyện Cát Tiên đang kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng bến xe trung chuyển thị trấn Phước Cát, xã Gia Viễn; đầu tư nhà máy xử lý rác của huyện, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý hợp vệ sinh đạt 90%; thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế đầu tư vào các điểm du lịch tại hồ Đắc Lô, hồ Đạ Sỵ, hang Thoát Y, thác Đạ Rông, xã Đồng Nai Thượng...

Đồng thời, UBND huyện đang tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Cát Tiên vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Cát Tiên tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để xây dựng đô thị thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát hoàn thiện, nâng cao tiêu chí đô thị loại V.

Phấn đấu đến năm 2025, có trên 94% các trường học trên địa bàn huyện đảm bảo cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng và nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ diện tích tưới đảm bảo đạt trên 95%; tập trung triển khai công trình hồ chứa nước Phước Sơn, xã Phước Cát 2.

Tiếp tục triển khai dự án đường từ xã Đồng Nai Thượng đến xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; đầu tư xây dựng tuyến đường ĐH90. Đầu tư và hoàn thiện Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện; đầu tư nâng cấp, mở rộng di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu IV, di tích khảo cổ Cát Tiên và đầu tư các dự án gắn với phát triển du lịch sông Đồng Nai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.