Xã hội

Xây dựng mô hình mẫu về giải phóng mặt bằng ở 11 dự án cao tốc Bắc - Nam

03/09/2019, 18:46

Đoạn tuyến Nghi Sơn - Bãi Vọt sẽ được Bộ GTVT chọn làm mô hình mẫu về GPMB trong 11 dự án thành phần của Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

img
Đoàn công tác Ủy ban kinh tế Quốc hội làm việc với các địa phương về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ, cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trong chuyến kiểm tra hiện trường cùng đoàn kiểm tra kiểm tra giám sát Quốc hội vào ngày 3/9.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc

Theo báo cáo từ 5 tỉnh có tuyến cao tốc đi qua, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này các địa phương vẫn đang rốt ráo triển khai các phần việc liên quan đến công tác giải phóng. Toàn tuyến đã hoàn thành việc cắm mốc và các địa phương đã tiếp nhận bàn giao mốc giải phóng mặt bằng. Việc lựa chọn, phê duyệt thiết kế chi tiết các khu tái định cư cũng đã được các tỉnh thực hiện.

Ở đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho biết: Công tác cắm và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng của 7,21km qua Ninh Bình đã được thực hiện từ tháng 9/2018. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành công tác xét thầu để khởi công xây dựng vào đầu tháng 10/2019. Dự kiến thi công, hoàn thành vào năm 2021.

Tương tự, tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch tỉnh này cho biết: Đã tiếp nhận bàn giao mặt bằng 98,53km đường cao tốc qua Thanh Hóa. Đến nay, xác định có 8.802 hộ bị ảnh hưởng, trong đó, các địa phương đã thực hiện kiểm kê đất và tài sản trên đất cho 3.528 hộ, tương đương 44,61km chiều dài tuyến. Số còn lại, tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các huyện thực hiện, phấn đấu bàn giao mặt bằng phần đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành công tác di dời các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, khu tái đinh cư tập trung trước ngày 20/4/2020; bàn giao toàn bộ mặt bằng phần đất ở trước ngày 25/4/2020.

img
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Ngọc Hoa kiến nghị xin cơ chế đặc thù để xây dựng khu tái định cư đẩy nhanh tiến độ GPMB

Còn tại Nghệ An và Hà Tĩnh, công tác này cũng đang được các địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên mối lo ngại chung của các địa phương chính là nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án.

Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư, để thực hiện dự án, tỉnh phải tiến hành xây dựng 32 khu tái định cư, di dời hệ thống đường điện trung thế, hạ thế với tổng số vốn dự kiến lên đến trên 900 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được thu hồi sau khi chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân cũng như đơn vị quản lý điện, tuy nhiên hiện tỉnh không có vốn để đầu tư xây dựng. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, Bộ GTVT có ý kiến để Chính phủ, Quốc hội cho cơ chế đặc thù để địa phương mượn vốn triển khai trước, thu hồi và hoàn trả sau.

Ngoài ra, các địa phương cũng tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thiết kế của một số cống chui, đường gom dân sinh, hệ thống thủy lợi cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân và mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập...

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra giám sát của Ủy ban kinh tế Quốc hội

Xây dựng dự án mẫu về giải phóng mặt bằng cao tốc

Trước các kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã yêu cầu các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế và các cục thuộc Bộ trả lời ngay từng ý kiến của địa phương. Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh rằng: Trong nhiệm kỳ này, có 2 dự án trọng điểm quốc gia mà Chính phủ, Quốc hội giao cho Bộ GTVT triển khai là Sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Quá trình thực hiện dự án, Bộ thấy rằng: Nghệ An, Hà Tĩnh là 2 địa phương triển khai rất quyết liệt và làm bài bản các phần việc được giao. Vì vậy, Bộ quyết định chọn đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt là dự án trọng điểm trong 11 dự án, để xây dựng mô hình mẫu về công tác giải phóng mặt bằng.

“Các địa phương phải tiếp tục nỗ lực, nỗ lực hơn nữa trong việc rà soát thiết kế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bồi thường giải phóng mặt bằng. Các tỉnh cần sớm tổ chức các lớp tập huấn cho ban giải phóng mặt bằng huyện, xã, phường về các cơ chế chính sách trong giải phóng mặt bằng, các quy định của pháp luật. Trên tinh thần làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và tránh gây thiệt thòi cho người dân. Đối với các công trình công cộng như hệ thống điện, viễn thông…, Bộ đã làm việc với Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các tập đoàn viễn thông, xác định hạng mục nào của đơn vị, của địa phương nào thì đơn vị đó thực hiện di dời. Riêng về các khu tái định cư, các địa phương thực hiện theo Điều 32 Nghị định 47 năm 2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Theo đó, các địa phương có thể ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thu hồi lại từ người dân khi chuyển đến các khu tái định cư” - Thứ trưởng Nhật cho biết thêm.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương trong quá trình thiết kế dự án, thực hiện GPMB. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả giải ngân của các địa phương, ông Kiên cho rằng vẫn còn quá khiêm tốn.

“Trong thời gian tới, các địa phương phải đẩy nhanh công tác giải ngân, chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân. Đây mới chính là thước đo tiến độ đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương một cách chính xác nhất” - ông Kiên nhấn mạnh.

Đối với các khu tái định cư, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội lưu ý rằng: Nếu làm Khu tái định cư bằng tiền dự án sẽ rất khó đảm bảo tiêu chí “chỗ ở mới, tốt hơn chỗ ở cũ”, vì vậy các địa phương phải gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, coi đây như một cú hích để có thêm phần hạ tầng khang trang hơn.

Về ý tưởng mô hình mẫu trong giải phóng mặt bằng, ông Kiên cũng đánh giá rất cao và hi vọng: Đoạn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Bãi Vọt sẽ là một trong những tuyến được khởi công sớm nhất. Phấn đấu khởi công vào ngày 01/05/2020. Sau từ 12 đến 18 tháng thi công sẽ là trục giao thông kết nối khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ với Đồng bằng sông Hồng, tạo nên sự phát triển đột phá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.