Quản lý

Xây dựng ngay quy trình vận hành cầu treo, cầu dân sinh

01/03/2014, 15:05

Đây là yêu cầu của đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT trong buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ GTVT diễn ra sáng nay, 1/3/2014.

img
"Văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn" - Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo

Làm luật, phải biết tiếp thu, cầu thị

 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý các cơ quan tham mưu ngoài kế hoạch xây dựng từ đầu năm, phải kịp thời bổ sung vào kế hoạch những văn bản theo đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt, sau tai nạn lật cầu treo tại Lai Châu, các cơ quan liên quan phải nhanh chóng xây dựng quy trình khai thác vận hành cầu treo, cầu dân sinh. Cùng đó, từ nay đến tháng 6 cần xây dựng, ban hành thông tư quy định về việc khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành khai thác các cầu này.

 

Báo cáo ban cán sự, ông Hồ Hữu Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT, 2 tháng đầu năm 2014, tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ GTVT cơ bản được đảm bảo. “Song song với việc nghiên cứu tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng VN” – ông Hòa cho biết.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn tất việc xây dựng nhiều Thông tư quan trọng liên quan đến các hoạt động hàng không, đường bộ, đăng kiểm…

Song song với công tác xây dựng VBQPPL, Bộ GTVT cũng tích cực rà soát phát hiện các VBQPPL có quy định trái luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

“Ngay trong tháng 3/2014, Bộ GTVT sẽ công bố Tập hệ thống hóa kỳ đầu với 895 văn bản đã được rà soát, hệ thống để giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật dược hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật GTVT” – ông Hòa cho biết.

Cần phải nói rằng, xây dựng văn bản QPPL luôn được đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhấn mạnh là công tác quan trọng hàng đầu của QLNN. “Muốn quản lý tốt thì văn bản phải kịp thời, có chất lượng, phải thực sự đi vào cuộc sống” – Bộ trưởng khẳng định. Khi văn bản QPPL ban hành có vấn đề vướng trong tổ chức thực hiện thì chúng ta phải tiếp thu, sửa đổi. Người làm văn bản phải luôn giữ thái độ cầu thị. Những văn bản QPPL khác được người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu sớm hoàn thiện gồm Thông tư quy định về ATGT tại khu vực nông thôn, Thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm ATGT… 

Nhiều đề án, chiến lược quan trọng sẽ được hoàn tất trong tháng 3

Liên quan đến công tác xây dựng, phê duyệt và thực hiện các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Lưu cho biết: 2 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực GTVT VN đến năm 2020 và cho ý kiến về 2 đề án Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố.

Cùng đó, các cơ quan soạn thảo đã trình Bộ Quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; Đề án đảy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ GTVT đến năm 2020.

Trong tháng 3, ông Lưu cho biết, theo kế hoạch, sẽ có 2 đề án được phê duyệt gồm Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 5 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án nâng cao năng lực công tác, quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch GTVT. 6 Đề án khác cũng sẽ được hoàn tất, trong đó đáng lưu ý là Đề án thành lập cơ quan quản lý cảng; Rà soát cập nhật hoàn chính các khu neo đậu tàu tránh bão trong hệ thống cảng biển VN; Rà soát, cập nhật Quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong…

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan cần chủ chủ động triển khai thực hiện những đề án đã được phê duyệt, tránh trường hợp “làm xong để đấy” hoặc triển khai không đến nơi đến chốn gây lãng phí, giảm hiệu quả.

Ngân Anh

 

Nhiều tỉnh “trả” mặt bằng cho QL1, QL14 đúng hẹn

Báo cáo Ban cán sự về tình hình triển khai xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường HCM qua Tây Nguyên, Cục trưởng Cục QLXD và chất lượng CTGT Trần Xuân Sanh cho biết tại các dự án sử dụng vốn TPCP, các nhà thầu cơ bản đã triển khai thi công trên công trường, chủ yếu là đào, đắp nền đường, cầu, công trình thoát nước… Tuy nhiên, khối lượng đạt được chưa nhiều so với kế hoạch. Trong các dự án triển khai có 6/18 dự án đảm bảo tiến độ so với kế hoạch; 12/18 dự án chậm tiến độ. 

Với các dự án BOT, ông Sanh cho biết trong khi việc thi công trên QL1 được triển khai khá tốt thì đa phần các nhà đầu tư các dự án đường HCM đều thi công chậm (duy trì có Nhà đầu tư Liên danh Toàn Mỹ 14 – Băng Dương là thi công đảm bảo tiến độ).

Liên quan đến vấn đề mặt bằng cho các dự án, ông Sanh khẳng định nhiều tỉnh đã có sự tiến bộ vượt bậc trong công tác GPMB, điển hình là Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hậu Giang, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông…

Tính từ đầu dự án, một số tỉnh đã triển khai tốt công tác quan trọng này như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh như Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, khối lượng GPMB vẫn còn nhiều.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.