Xã hội

Xây dựng web tìm kiếm “Tàu xe” nhiều thông tin kết nối

12/04/2017, 16:02

Tích hợp thông tin xe buýt, xe khách, tàu hỏa... để cung cấp lộ trình hợp lý nhất cho hành khách.

8

Minh họa giao diện phần thể hiện Kết quả tìm kiếm “Tàu Xe” cài trên điện thoại thông minh

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông cùng cộng đồng Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn. 

Cần có một website và phần mềm trên điện thoại di động giúp kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa “xe buýt và đường sắt nội đô tại Hà Nội” với “xe khách và tàu khách liên tỉnh”. Việc xây dựng trang web và phần mềm trên điện thoại di động này sẽ đem lại lợi ích cho cả người dân và các cơ quan quản lý.

Website và phần mềm mang tên “Tàu Xe” có ý nghĩa thế nào?

Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông Hà Nội, chúng ta cần xem xét giải quyết bài toán “nhu cầu đi lại”. Nhu cầu đi lại ở đây được hiểu là sự lưu thông của con người theo không gian và thời gian. Để phân tích nhu cầu đi lại, một khái niệm cơ bản trong lĩnh vực giao thông thường được sử dụng đó chính là “chuyến đi”. Một chuyến đi được định nghĩa là sự lưu thông, dịch chuyển theo một chiều của một người từ một điểm đi tới một điểm đến.

Các thông tin cơ bản của một chuyến đi gồm: Điểm đi, điểm đến, mục đích (đi học, đi làm, về nhà, đi chơi…), phương thức đi lại (đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô con, xe buýt…), thời gian xuất phát và tới nơi. Ví dụ, một giáo viên đi làm bằng xe máy vào buổi sáng có thể di chuyển từ nhà vào lúc 7h tới trường vào 7h45. Xét theo khía cạnh không gian (tức là theo điểm đi và điểm đến), chúng ta có thể phân chia các chuyến đi thành thành 4 loại chính gồm: Các chuyến đi nội vùng Hà Nội (loại I): Là các chuyến đi có điểm đi và điểm đến nằm trong ranh giới Hà Nội; Các chuyến đi từ các tỉnh khác về Hà Nội (loại II): Là các chuyến đi có điểm đi tại các tỉnh khác và điểm đến nằm trong địa phận Hà Nội; Các chuyến đi từ Hà Nội về các tỉnh khác (loại III): Là các chuyến đi có điểm đi nằm trong địa phận Hà Nội và các điểm đến tại các tỉnh thành khác; Các chuyến đi thông qua Hà Nội (loại IV): Là các chuyến đi có điểm đi và điểm đến nằm ngoài địa phận Hà Nội nhưng một phần lộ trình chuyến đi nằm trong địa phận Hà Nội.

Như đã đề cập ở trên, mỗi chuyến đi có thể được thực hiện bằng phương tiện cá nhân hoặc vận tải công cộng. Trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ xin đề cập tới các chuyến đi được thực hiện bởi vận tải hành khách công cộng. Để tạo sự thuận lợi và thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, đã có một số trang web và phần mềm trên điện thoại di động được cá nhân, tổ chức xây dựng nhằm tra cứu thông tin về các tuyến xe buýt và xe khách.

Cụ thể, Tổng công ty vận tải Hà Nội đã xây dựng trang web timbuyt.vn hay phần mềm “Tìm Buýt”, hoặc phần mềm “Xe buýt Hà Nội” của Nguyễn Dũng; phần mềm “Tìm xe khách” của Thành Nguyễn. Tuy nhiên, các website và phầm mềm hiện tại mới chủ yếu giúp người dân tra cứu và tìm kiếm thông tin để phục vụ các chuyến đi nội vùng Hà Nội. Tức là các chuyến đi có điểm đi và điểm đến nằm trong địa phận Hà Nội. Trong khi đó các chuyến đi loại II, III và IV chưa được chú ý. Vì vậy, cần có một website và phần mềm trên di động giúp kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa “xe buýt và đường sắt nội đô tại Hà Nội” với “xe khách và tàu khách liên tỉnh”. Việc xây dựng trang web và phần mềm trên điện thoại di động này sẽ đem lại lợi ích cho các bên:

Trước hết, đối với người dân sẽ tạo thêm sự thuận tiện để tra cứu, tìm kiếm thông tin khi họ sử dụng các dịch vụ vận tải công cộng thành phố và liên tỉnh, từ đó khuyến khích người dân sử dụng các loại hình vận tải công cộng và giảm sử dụng phương tiện cá nhân.

Đối với các công ty vận hành dịch vụ vận tải (nhà xe): Thu thập thêm được các thông tin về luồng hành khách, giúp các nhà xe đề xuất điều chỉnh luồng tuyến và lịch trình chạy xe và cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với các nhà quản lý và hoạch định chính sách: Các thông tin về nhu cầu đi lại sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định về điều chỉnh luồng tuyến và lịch trình chạy xe để đảm bảo dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

9

 

Thêm tính năng của web tìm kiếm “Tàu Xe”

Ở các trang web và phần mềm hiện tại, các tính năng tìm kiếm có giới hạn cho người dùng như chỉ tìm kiếm cho mạng lưới xe buýt và điểm dừng trong địa phận Hà Nội và các kết quả tìm kiếm thường không đưa ra được ước lượng thời gian và chi phí đi lại. Do đó, người dùng không có được thông tin tổng quát và tích hợp để đưa ra các quyết định lựa chọn phương thức đi lại khi đi từ Hà Nội về các tỉnh và ngược lại. Việc tích hợp thông tin xe buýt công cộng, đường sắt nội đô tại Hà Nội với xe khách, tàu khách liên tỉnh sẽ khuyến khích được người dân sử dụng các loại hình vận tải công cộng khi đi từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội và ngược lại. Do đó, trang web và phần mềm “Tàu Xe” phải có được một số tính năng nổi trội hơn (xem bảng: So sánh các tính năng giữa web tìm kiếm “Tàu Xe” với các trang web hiện tại).

Tôi có thể lấy ví dụ minh họa về chuyến đi của một người dân sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội muốn tra cứu, tìm kiếm thông tin để đi về TP Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Các bước thực hiện tra cứu và tìm kiếm thông tin như sau:

Bước 1: Truy cập vào trang web (ví dụ: www.tauxe.vn) hoặc sử dụng phần mềm “Tàu Xe” cài trên điện thoại thông minh; Bước 2: Lựa chọn điểm đi và điểm đến (có thể dựa trên danh sách các điểm xe buýt, bến xe và nhà ga có sẵn trong cơ sở dữ liệu của trang web hoặc phần mềm); Bước 3: Lựa chọn thời gian xuất phát; Bước 4: Lựa chọn các phương thức đi lại (xe buýt nội đô, xe khách liên tỉnh, xe buýt liên tỉnh, tàu khách liên tỉnh); Bước 5: Nhấn tìm kiếm và xem kết quả lộ trình được đề xuất. Kết quả tìm kiếm sẽ thường đưa ra một vài đề xuất để người dùng lựa chọn. Mỗi đề xuất sẽ hiển thị bốn thông tin cơ bản là: i) thời gian, ii) lộ trình, iii) giá vé (chi phí đi lại) và iv) quãng đường.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, cần phải có sự tham gia của hai đơn vị sau: Tổng công ty Vận tải Hà Nội (TRANSERCO) là đơn vị vận hành 70% số tuyến xe buýt tại Hà Nội, đồng thời có công ty con trực thuộc là Công ty quản lý bến xe khách đang quản lý các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm. Do vậy, đơn vị này sẽ có đầy đủ các cơ sở dữ liệu về luồng tuyến, lịch trình xuất bến và giá vé của các tuyến xe buýt, xe khách liên tỉnh.

Hiện tại, TRANSERCO cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới xe buýt trên trang web và phần mềm “Tìm buýt”. Do đó, xin đề xuất TRANSERCO sẽ là đơn vị chính đảm trách vai trò xây dựng và quản lý vận hành trang web và phần mềm “Tàu xe”.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là đơn vị quản lý vận hành toàn bộ hệ thống đường sắt liên tỉnh của Việt Nam. Do vậy, đơn vị này có cơ sở dữ liệu về luồng tuyến, nhà ga, lịch trình chạy tàu và giá vé. Do đó, đề xuất VNR sẽ phối hợp TRANSERCO để xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp giữa hai bên.

TS. Trần Minh Tú

 Chuyên gia tư vấn giao thông, Công ty ALMEC, Nhật Bản
Giảng viên thỉnh giảng, trường Đại học GTVT Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.