Quản lý

Xây đường băng thứ 3 tại Tân Sơn Nhất là không khả thi

13/06/2017, 09:17

Nói xây đường băng số 3 nằm gọn trong khu đất sân golf là không hiểu về hàng không, ông Bình khẳng định.

5

Đường băng hiện tại của Tân Sơn Nhất chỉ có thể đạt tối đa 43 - 45 triệu khách/năm 

Không có nước nào làm 3 đường băng song song, phụ thuộc

Xung quanh đề xuất của ông Nguyễn Thiện Tống làm đường băng thứ 3 trên phía đất thu hồi từ sân golf và có khoảng cách 760m với đường CHC số 1 hiện nay, Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình khẳng định: “Nếu hiểu rõ về chuyên môn, không ai nói thế”.

Ông Bình cho biết, theo tiêu chuẩn của ICAO, muốn nâng công suất của Tân Sơn Nhất, đường băng số 3 phải là đường CHC độc lập, có nghĩa phải cách đường băng cũ 1.100m. Các đường CHC không phụ thuộc vào nhau mới tăng được công suất, còn phụ thuộc vào nhau không khác gì bây giờ. Điều này cũng có nghĩa, nếu có làm một đường băng như ông Tống vẽ chẳng khác gì 2 đường bây giờ. Hay nói cách khác, có 3 đường băng mà cũng chỉ như 2 đường băng.

“Thử hỏi trên thế giới có nước nào có cấu hình 3 đường băng song song, phụ thuộc nhau như thế không? Làm chuyên môn không ai làm như vậy”, ông Bình nói và cho biết, ông Nguyễn Thiện Tống nói chiều dài của đường này trong phạm vi hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất là khoảng 2.800m, nên đường băng thứ 3 này có thể dài trên 2.600m mà không cần giải tỏa hộ dân nào cả. Ông Tống cũng dẫn ví dụ sân bay quốc tế Narita ở Nhật Bản với hai đường CHC dài 2.500m và 4.000m mà có 234.000 chuyến bay và công suất 39 triệu khách năm 2016; Sân bay Sydney (Kingsford Smith) ở Úc với 3 đường CHC dài 2.438m, 2.530m và 3.962m mà có 327.000 chuyến bay với 42 triệu khách năm 2016.

“Nói như thế là không hiểu gì về hàng không. Làm chuyên môn phải hiểu, không chỉ làm đường băng mà hoạt động được. Đường băng còn phải có 2 đầu bảo hiểm và tĩnh không 2 đầu. Các sân bay ở Úc, Nhật không cần quan tâm vấn đề này vì 2 đầu của sân bay đó là biển, trong khi sân bay của nước ta 2 đầu là dày đặc dân cư”, ông Bình phân tích.

“Công suất của sân bay phụ thuộc vào đường băng, không phụ thuộc vào nhà ga, sân đỗ. Đường băng hiện tại của Tân Sơn Nhất chỉ có thể đạt tối đa 43-45 triệu khách/năm, không thể mở rộng mãi được. Muốn nâng công suất Tân Sơn Nhất phải làm đường băng số 3. Mà đường băng số 3 này không thể làm được. Đây chính là lý do phải làm Long Thành”, ông Bình nói thêm.

Việc mở rộng nhà ga, làm thêm đường lăn sân đỗ hiện nay để khắc phục quá tải, đảm bảo khai thác an toàn, chất lượng dịch vụ. Công suất của Tân Sơn Nhất chỉ 25 triệu khách/năm, năm ngoái đã 32,6 triệu khách/năm.

Xây đường băng số 3 ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không - đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030 cho biết, hiện CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có 2 đường cất/hạ cánh (CHC) phụ thuộc, năng lực tối đa chỉ đảm bảo được 43-45 triệu hành khách/năm. Nếu muốn tăng lên trên 45 triệu khách/năm bắt buộc phải xây thêm đường CHC số 3.

Tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC đã đề xuất 7 phương án, trong đó có 4 phương án xây thêm đường CHC thứ 3. Tuy nhiên, căn cứ trên tiêu chí đánh giá phương án điều chỉnh quy hoạch, tư vấn thẩm tra cũng thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 3 (không xây thêm đường băng mà chỉ hoàn thiện hệ thống đường lăn song song và các đường lăn nối).

“Nếu xây dựng đường CHC thứ 3 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng - an ninh, an sinh - xã hội và quy hoạch của TP.HCM. Đặc biệt, kinh phí xây dựng quá tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài”, ông Toàn nói.

Cùng đó, ông Toàn cũng khẳng định: “Để nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận chuyển hành khách tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi thống nhất đề nghị chấp thuận phương án điều chỉnh quy hoạch theo phương án 3, cụ thể là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường CHC 25L/07R và sân đỗ giữa 2 đường CHC 25L/07R và 25R/07L; Xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 15 triệu khách và xây dựng khu bãi đỗ, bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc với công suất hoạt động của cảng đảm bảo 43 - 45 triệu khách/năm; Tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng, thời gian xây dựng dự kiến 2 - 3 năm”.

Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - không quân:

Khi cần thu hồi sân golf vô điều kiện

Hiện, Tân Sơn Nhất đã có 2 đường băng, cái còn thiếu là đường lăn và sân đỗ. Vừa qua, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã thảo luận về vấn đề này. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 21ha đất ở phía Nam cho sân bay để tiếp tục mở rộng nhà ga và sân đỗ máy bay, dự kiến sẽ xây được sân đỗ mới, một nhà ga hàng không lưỡng dụng mới và một hệ thống đường giao thông ra đến đường Hoàng Hoa Thám. Tuy nhiên, hiện mới sơ bộ bàn giao đất cho Bộ GTVT. Phần đất này không liên quan đến sân golf vì đây là khu đất ở phía Nam, trong khi khu sân golf là ở phía Bắc sân bay. Ở phía Bắc hiện còn có 11 đơn vị của quân đội đóng quân.  

157ha đất sân golf là đất dự phòng của quốc phòng để bảo vệ TP.HCM và bản thân sân bay Tân Sơn Nhất. Trước kia, đây là khoảng đất trống. Hiện tại, Bộ Quốc phòng nhất quán quan điểm chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế, lấy một nguồn kinh phí để củng cố quốc phòng, xây dựng các doanh trại quân đội. Còn nếu có nhu cầu về quốc phòng sẽ thu hồi vô điều kiện diện tích đất này khi có mệnh lệnh của cấp trên. Đất quốc phòng trước hết phải sử dụng cho mục đích quốc phòng.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng:

Sẽ bỏ quy hoạch sân golf

Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là do nhu cầu của cuộc sống. Hiện nay, nhu cầu đi lại quá lớn, sân bay Long Thành chưa thể làm trong ngày một, ngày hai nên bây giờ việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và cấp bách. Còn phương án mở rộng thế nào do Bộ GTVT chịu trách nhiệm về phương án mở rộng, nâng cấp, trình Chính phủ quyết định, dựa trên hiệu quả và ngân sách.

Sắp tới, Bộ KH&ĐT sẽ gương mẫu bỏ quy hoạch sân golf vì đó là một loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết. Thay vào đó, Luật Quy hoạch sẽ quy định quy hoạch sân golf thành đầu tư có điều kiện, sẽ để các địa phương quyết định chứ Nhà nước không can thiệp, miễn là đảm bảo các điều kiện đặt ra. Trong các văn bản quy định làm sân golf là chỉ sân golf, nếu làm sai thì có quy định riêng để xử lý.

Hoài Vũ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.