Hạ tầng

Xây mới cầu Sông Trường, Nước Oa phải cắt được lũ, tạo điểm nhấn hạ tầng

08/03/2021, 20:12

Kiểm tra thực địa cầu Sông Trường, Nước Oa, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo dự án cầu mới phải cắt được lũ lịch sử, tạo điểm nhấn hạ tầng.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ (giữa) kiểm tra thực địa dự án cầu Sông Trường, Nước Oa mới đoạn Km63, QL40B trên địa bàn Bắc Trà My. Ảnh: Xuân Huy

Cầu Sông Trường và cầu Nước Oa hiện hữu nằm tại đoạn Km63 của QL40B, là tuyến đường huyết mạch kết nối từ Tam Kỳ lên các huyện miền núi Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Kiểm tra thực địa tại hiện trường chiều 8/3, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận thực trạng cầu xuống cấp, mặt cầu nhỏ hẹp, khẩu độ thấp, nằm lọt thỏm dọc các quả đồi hai bên, tạo thành điểm trũng, thường xuyên ngập lụt, chia cắt giao thông khi có lũ.

Theo người dân địa phương, những năm gần đây, ảnh hưởng từ các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn khiến cảnh ngập lụt, nước tràn mặt cầu thường xuyên diễn ra. "Giao thương bị chia cắt, sinh hoạt đảo lộn, lo nhất việc cấp cứu người bị nạn trong mùa bão lũ cách trở", ông Trần Mai (xã Trà Tân, Băc Trà My, Quảng Nam) kể.

img

Cầu Sông Trường hiện hữu thường xuyên bị nước lũ chia cắt, tê liệt giao thông

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, riêng trong đợt lũ những tháng cuối năm 2020 vừa qua, nhiều thời điểm đoạn cầu Sông Trường, cầu Nước Oa bị lũ nhấn chìm sâu xuống mặt nước 6-7m. Việc lưu thông chia cắt, gián đoạn trong nhiều ngày, có lúc cao điểm nên 3-4 ngày, người dân phía Bắc và Nam hai cầu bị cô lập, không thể thông thương.

Trực tiếp thị sát và nghe đơn vị tư vấn Hàn Quốc báo cáo phướng án thiết kế, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, ngay thời điểm sạt lở Trà Leng (Nam Trà My, tháng 10/2020), ông trực tiếp chứng kiến khó khăn, chia cắt giao thông do thiên tai, bão lũ trên địa bàn, đặc biệt khu vực cầu Sông Trường, Nước Oa.

"Việc sớm nghiên cứu, đầu tư cầu mới là cấp thiết để đảm bảo cuộc sống, phát triển kinh tế của người dân, thông đường cứu hộ cứu nạn trong trường hợp cần thiết", Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đơn vị tư vấn có các phương án tối ưu, đảm bảo cắt lũ lịch sử và tầm nhìn dài hạn cho công trình giao thông: "Thuỷ văn, đỉnh lũ các năm biến động, nhưng mình tính phương án vượt đỉnh lũ lịch sử, tác động phá rừng, thuỷ điện".

Tại buổi kiểm tra hiện trường, các đơn vị chức năng thống nhất phương án ban đầu về việc tăng lên 4 nhịp cho cầu, tăng khẩu độ, nối dài đường dẫn đầu cầu.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, công trình không chỉ đảm bảo kỹ thuật, mục tiêu cắt lũ mà còn tạo điểm nhấn hạ tầng, nâng tầm giá trị cho khu dân cư miền núi, thiết kế điện chiếu sáng tăng tính thẩm mĩ, đảm bảo ATGT.

"Đơn vị thiết kế khẩn trương hoàn thiện phương án, các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thủ tục pháp lý để triển khai các bước đầu tư xây dựng, sớm khởi công công trình, đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương", Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý.

Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào quý IV/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.