Chuyện dọc đường

Xe bỏ luồng tuyến: Câu hỏi trách nhiệm

06/12/2015, 07:55

Nhiều chủ phương tiện bỏ tuyến, không đưa xe vào bến đón khách theo quy định mà khai thác không theo luồng tuyến,...

Trang1
Xe khách, xe tải ra vào đúng giờ cao điểm các em học sinh Trường Tiểu học Phương Liệt tan học, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Ảnh: K.Linh

Có thể nói, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, song tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách cố định trái phép (xe dù), đón, trả khách không đúng nơi quy định (bến cóc) vẫn diễn biến phức tạp.

Thêm vào đó, nhiều chủ phương tiện bỏ tuyến, không đưa xe vào bến đón khách theo quy định mà khai thác không theo luồng tuyến, đón trả khách trái quy định ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng... gây ùn tắc, mất trật tự ATGT. Việc làm này còn bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của những doanh nghiệp vận tải hoạt động chân chính, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Trong khi xe dù có thể chạy bất cứ đâu, dừng bất cứ chỗ nào đê đón, trả khách, không cần vào bến, không bị cơ quản lý tuyến quản lý, không mất tiền chi phí bến bãi, thì các xe chạy đúng luồng tuyến buộc phải vào bến đón, trả khách, buộc phải nộp thuế, đóng phí... Bởi thế, xe chạy đúng luồng tuyến không những bất lợi về việc đón khách mà còn phải mất nhiều chi phí so với xe không luồng tuyến chạy trên cùng một tuyến đường. Đó là sự bất công bằng và thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp, đơn vị vận tải làm ăn chân chính.

Thực tế nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có nguyên nhân do công tác sắp xếp luồng tuyến chưa khoa học, nhưng quan trọng nhất là việc buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát của các lực lượng chức năng. Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý thực thi đúng chức trách của mình, rất khó để xe dù, bến cóc lộng hành.

Đơn cử như bến cóc ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội, hoạt động ngang nhiên trên địa bàn, nhưng cả chính quyền và TTGT sở tại khi được PV cung cấp thông tin thì mới “ngớ người” ra và biết trên địa bàn mình quản lý có sự việc như thế. Thậm chí, vị Đội phó TTGT quận Thanh Xuân còn “không dám phát ngôn” về chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý địa bàn của mình. Điều này cho thấy, trách nhiệm quản lý đã bị buông lỏng tới mức nào.

Và cũng không quá khó để lý giải vì sao dư luận, người dân luôn nghi ngờ có sự bảo kê, làm ngơ trong việc xử lý xe dù, bến cóc. Bởi một bến cóc thì không nhỏ như cái kim, sợi chỉ, hoạt động của các bến cóc cũng không âm thầm lén lút. Người dân biết, người dân thấy thì không có lý gì cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không biết, không thấy. Chỉ có điều, khi đề cập đến trách nhiệm, những người có trách nhiệm lấy nhiều lý do để biện minh, chối bỏ trách nhiệm của mình. Và vì thế, bến cóc xe dù chưa bao giờ thôi là vấn nạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.