Xã hội

Xe công nông, máy kéo độ chế mất ATGT: Xe nhiều không náo loạn "phố núi"

07/05/2019, 18:57

Những chiếc xe công nông, máy kéo mặc dù nhiều yếu tố chưa đảm bảo kỹ thuật, nhưng người dân mặc định với những điều này là bình thường...

img
Một chiếc máy kéo độ chế thùng để chuyên chở hàng nông sản. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Những chiếc xe công nông, xe độ chế không có giấy tờ và đa phần người điều khiển chúng đều chưa qua trường lớp đào tạo gì nhưng người dân vẫn sử dụng một cách bình thường...

Xe nhiều không

Cuối tháng 4/ 2019, nghe tin có đoàn khảo sát của Uỷ Ban ATGT Quốc gia đến thăm, chính quyền Đăk Đoa (Gia Lai) “điều” một số xe “nhiều không” đến để giới thiệu. Những chiếc xe này đa phần là “xe đẹp” của xã. Có chiếc vừa mới được độ chế, sơn màu mới tinh, nhiều phần cốt của chiếc xe cũng đã được gia cố chắc chắn hơn. Thế nhưng, quá trình kiểm tra của Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, về kết cấu của xe được độ chế nhiều phần. Như hệ thống bánh lái; trục chuyển động, cầu, hộp số; bộ tăng ga và hệ thống khung, thùng.

Ông Võ Ngọc Quảng, Phó chánh văn phòng ban ATGT tỉnh Gia Lai chỉ vào những chiếc xe công nông, xe máy kéo được cải tạo, độ chế cho biết người thợ hoàn thiện chiếc xe bằng cách lấy “râu ông này cắm cằm bà kia”. Chỉ vào một phần cầu xe, ông Quảng cho biết: “Đa phần các chi tiết như cầu trước và cầu sau đều độ chế từ các xe ô tô cũ tháo rời ra rồi độ chế để ráp phù hợp với bộ chuyển động của máy”, ông Quảng nói và cho biết các chi tiết này được hoàn thiện một cách khá hoàn hảo để chiếc xe thuận tiện với việc vận chuyển hàng hoá trên đường đồi núi, đường ruộng.

Anh Trương Bá Lộc một chủ cơ sở sửa chữa độ chế xe công nông ở xã Gla là một trong số ít những người đăng ký kinh doanh ở huyện Đăk Đoa được UBND huyện dẫn chúng tôi đến tham quan xưởng. Theo anh Lộc, ở trên địa bàn này có rất nhiều người dân cũng làm dịch vụ này. “Người dân rất chịu khó nghiên cứu, học theo cách độ chế. Từ việc sửa máy móc, đến độ các chi tiết, sơn màu, gia cố thùng để thành một chiếc xe công nông như mới".

Với kinh nghiệm 20 năm làm nghề độ chế, sửa chữa và tân trang lại xe công nông độ chế anh Lộc cho biết: “Người nông dân ở khu vực thích sử dụng xe công nông là vì giá xe rẻ. Công cán sửa chữa, nâng cấp cũng rẻ. Đơn cử như người dân muốn độ một chiếc thùng sau máy kéo nhỏ thì chỉ cần đến đặt với chúng tôi. Sau khi đo tất cả các chi tiết, thợ máy căn cứ vào công suất của máy đầu kéo để thiết kế thùng kéo phù hợp với khả năng tải trọng".

Các phần khung xe thì mua sắt, thép hàn thành hệ thống càng, nhún sau đó hàn lại thành khung thùng. Phần trợ lực và hộp số thì tuân thủ theo nguyên tắc hoạt động của hộp số để “biến” chiếc xe đầu kéo phù hợp với địa hình, tải trọng để đi đường đồi dốc. “Thực ra không phải khó để độ chế thành công một chiếc xe mà cái quan trọng là người thợ phải tính toán làm sao chiếc xe đảm bảo công suất”, anh Lộc nói thêm.

Còn về vấn đề an toàn của chiếc xe công nông khi tham gia giao thông, theo anh Lộc hầu như không đảm bảo tất cả mọi yếu tố. “Không có gương chiếu hậu, không còi, xe chở kềnh càng. Đáng nói nhất là việc làm giấy tờ xe hoàn toàn không thể làm được. Anh Lộc cho biết, để độ chế thì cũng đơn giản. Máy móc xe thì không nói, nhưng các thiết bị độ chế như trục, càng, khung xe đều tự hàn. Nhiều phần chi tiết độ chế đa phần được lấy từ xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng…

Anh Bưu, trưởng công an xã Gla, huyện Đăk Đoa cho chúng tôi biết, hiện trên địa bàn có trên 860 chiếc xe công nông, máy kéo độ chế. Những chiếc xe này đa phần thuộc sở hữu của người đồng bào trên địa bàn xã.

Giới thiệu với chúng tôi, anh Bưu cho biết, xe công nông máy kéo này đa phần là nhiều “không”. “Không giấy tờ, không bằng lái, không biển số, không đèn, không vô lăng, không chiếu hậu, không bằng lái….”.

img
Ông Võ Ngọc Quảng, Phó chánh văn phòng ban ATGT tỉnh Gia Lai kiểm tra chiếc xe công nông độ chế.

Từ chuyện lắp gương chiếu hậu

Anh Bưu, trưởng công an xã Gla cho chúng tôi biết, hiện trên địa bàn có trên 860 chiếc xe công nông, máy kéo độ chế. Những chiếc xe này đa phần thuộc sở hữu của người đồng bào trên địa bàn xã.

Giới thiệu với chúng tôi, anh Bưu cho biết, xe công nông máy kéo này đa phần là nhiều “không”. “Không giấy tờ, không bằng lái, không biển số, không đèn, không vô lăng, không chiếu hậu, không bằng lái….”.

Hầu hết các phương tiện đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; nhiều chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau, nhiều phương tiện tự chế, lắp ráp phục vụ sản xuất; một số phương tiện có hệ thống lái đã được cải tạo, thay thế từ điều khiển bằng càng sang điều khiển bằng vô lăng; không có còi, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm; hạn chế về điều kiện an toàn kỹ thuật; thùng xe được kéo bởi xe máy được đóng theo nhiều kích cỡ khác nhau, không có tiêu chuẩn chung.

Dẫn chúng tôi quan sát những chiếc xe điển hình mới nhất “vừa ra lò” độ chế. Trưởng công an xã Gla chỉ cho chúng tôi biết lý do vì sao đa phần những chiếc xe công nông lại không có gương chiếu hậu.

“Đối với những chiếc xe công nông, việc lắp gương chiếu hậu hoàn toàn không khả thi. Chiếc xe công nông khi nổ máy có độ rung rất lớn. Nếu chở hàng hoá, nông sản thì đa phần che kín cả hai thùng nên nếu lắp gương chiếu hậu cũng hoàn toàn không tác dụng. Đó là chưa kể việc chiếc xe này có thể “chui” vào trong những con đường đầy cây cối thì gây vướng víu. Hoặc có gương chiếu hậu cũng sẽ tự khắc bị gãy”.

Anh Siu Hùng (35 tuổi trú ở xã A Dơk, huyện Đăk Đoa) khi được hỏi về cách nào để từ chính vào đường làng đã bật cười nói. “Muốn qua đường thì xe dừng lại, một người nhảy xuống để “xi nhan” và quan sát mới dám qua” nếu thùng xe chở nhiều hàng.

Còn nếu xe không có hàng thì chỉ cần ngoái lại nhìn phía sau rồi từ từ băng qua đường. Xe không có còi nhưng bù lại tiếng máy nổ rất to nên người dân cũng tự “nhường đường” cho công nông, máy kéo qua thôi. Ở đây quen rồi, nên mọi người đều đi lại bằng cách như vậy.

Cũng theo anh Bưu, trưởng công an xã Gla: Hiện nay để đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông này chỉ bằng cách tuyên truyền để người dân chú ý, tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông. “Năm 2015- 2017, chính quyền của huyện đã tổ chức dán phản quang trên xe để ban đêm những chiếc xe này dễ nhận diện. Hệ thống nhựa phản quang cũng được khuyến cáo lắp vào khi xe được các chủ tiệm sửa chữa giao cho người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.